26/12/2024

Mỹ cần kết hợp nhiều biện pháp đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

Mỹ cần kết hợp nhiều biện pháp đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

Theo các chuyên gia quốc tế, dự luật liên quan Biển Đông mà Ủy ban Đối ngoại – Thượng viện Mỹ vừa thông qua cần kết hợp với các biện pháp khác mới đủ sức kiềm chế hành vi của Trung Quốc ở vùng biển này.

 

 

Như Thanh Niên thông tin, Uỷ ban Đối ngoại – Thượng viện Mỹ gần đây đã thông qua dự luật S.1657, có tên gọi là “Đạo luật trừng phạt ở Biển Đông và biển Hoa Đông 2021”, do 2 thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hòa) và Ben Cardin (đảng Dân chủ) bảo trợ.

Theo dự luật, tổng thống Mỹ có thể phong tỏa tài sản, từ chối cấp hoặc tước thị thực đối với cá nhân liên quan việc phát triển các dự án phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông; hoặc đối với người có hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, ổn định tại các khu vực tranh chấp tại Biển Đông hoặc ở khu vực do Hàn Quốc và Nhật Bản quản lý tại biển Hoa Đông.

Thông điệp của Washington

Trả lời Thanh Niên ngày 22.10, GS luật quốc tế Jonathan G.Odom, thuộc Trung tâm George C.Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch-Partenkirchen (Đức), nêu ra quan điểm cá nhân như sau: “Dự luật S.1657 giúp giải quyết tình trạng Bắc Kinh đang áp đặt lên các bên khác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific), trong đó bao gồm các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Mỹ cần kết hợp nhiều biện pháp đối phó Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 1
Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam MAI THANH HẢI

“Tôi dự đoán Bắc Kinh sẽ cáo buộc rằng các quy định của dự luật trên, vốn cho phép Washington trừng phạt kinh tế đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc tham gia hoặc đóng góp vào một số hoạt động hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông, là “vi phạm luật pháp quốc tế”. Nhưng sự thật là các biện pháp trừng phạt kinh tế là một cơ chế hoàn toàn hợp pháp để các quốc gia có chủ quyền quyết định hợp tác kinh doanh với ai. Hơn nữa, Trung Quốc đã nhiều lần áp đặt các biện pháp kinh tế để chống lại các nước khác nhằm áp đặt đối phương phải đáp ứng các lợi ích của Bắc Kinh. Vì vậy, bất kỳ lời phản đối nào như trên của Bắc Kinh sẽ hoàn toàn là ngụy biện”, ông Odom phân tích, đồng thời khẳng định: “Tương tự, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Mỹ có thể quyết định ai được hay không được cấp thị thực vào lãnh thổ của nước này”.

Phân tích thêm, GS Odom cho rằng: “Nếu được ban hành, đạo luật mới sẽ tạo ra các biện pháp thực tế để trấn an đồng minh và đối tác của Mỹ ở Indo-Pacific, bao gồm các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông, rằng Washington sẽ không tán thành, dung túng hoặc nhượng bộ trong các hành động gây bất ổn. Điển hình Trung Quốc làm phức tạp thêm khả năng giải quyết hòa bình các tranh chấp này. Nói cách khác, các hành động gây mất ổn định có hậu quả”.

Cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) đánh giá: “Một số thượng nghị sĩ Mỹ đang cố gắng để đưa ra biện pháp khiến doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc, liên quan việc xây dựng trái phép và quân sự hóa các thực thể mà nước này kiểm soát ở Biển Đông, phải trả giá về kinh tế”.

Cần làm nhiều hơn

Trong khi đó, ông Greg Poling (Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – AMTI, chuyên gia về châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS, Mỹ) đánh giá: “Tôi không mong nghĩ rằng dự luật S.1657 sẽ có nhiều tác động trực tiếp đến tình hình Biển Đông. Các dự luật giống hệt nhau đã được đưa ra trong 4 kỳ quốc hội gần đây nhất và chưa bao giờ được thông qua. Các dự luật này còn bị cho là khá mơ hồ”.

“Dự luật này nếu được thông qua thì chủ yếu thể hiện sự không hài lòng của quốc hội Mỹ với Trung Quốc, hơn là tác động thực tế”, ông Poling đặt vấn đề khi trả lời Thanh Niên.

Tương tự, cựu đại tá Schuster dự báo: “Nếu được thông qua, bản thân dự luật trên có lẽ không đủ sức ngăn cản hành vi của Bắc Kinh, nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác khiến Trung Quốc phải đánh đổi nếu tiếp diễn các hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông, thì nước này chắc chắn phải tự giảm bớt hành vi. Có thể, Bắc Kinh sẽ “lách luật” bằng cách sử dụng các lực lượng khác không phải là quan chức”.

Chính vì thế, theo ông Schuster: “Động thái của Ủy ban Đối ngoại – Thượng viện Mỹ là một bước khởi đầu tốt, nhưng cần phải đi kèm với các hành động ngoại giao và kinh tế khác để có hiệu quả lâu dài”.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ công du khu vực Indo-Pacific

Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro hôm qua bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông để thăm một số nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific), theo thông báo được đăng trên website thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Cụ thể, ông Del Toro sẽ đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Papua New Guinea để thảo luận tầm quan trọng của việc hợp tác phòng thủ quốc tế cũng như củng cố cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. “Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Hải quân”, ông Del Toro nhấn mạnh. Trước đó, Bộ trưởng Del Toro công bố hướng dẫn chiến lược cho Bộ Hải quân, nhấn mạnh những ưu tiên của ông về việc tăng cường các mối quan hệ đối tác chiến lược để thắt chặt sự phối hợp với những quốc gia đối tác trong khu vực.

Văn Khoa

Các động thái trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính quyền Mỹ cũng đã có một số biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty quốc doanh của Trung Quốc liên quan việc xây dựng trái phép, quân sự hóa một số thực thể ở Biển Đông.

Cuối tháng 8.2020, Bộ Thương mại Mỹ công bố cấm vận 24 công ty nhà nước của Trung Quốc liên quan các hoạt động xây dựng trái phép hạ tầng ở một số thực thể trên Biển Đông. Cũng vào cuối tháng 8.2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này sẽ không cấp thị thực cho các cá nhân, quan chức Trung Quốc có liên quan hoạt động bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.

Đến giữa tháng 1.2021, ngay trước khi ông Trump hết nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, chính quyền Washington đã công bố lệnh trừng phạt Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) vì giúp chính quyền Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông. CNOOC là đơn vị sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng được điều động xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

HOÀNG ĐÌNH

TNO