09/01/2025

Những ‘zombie’ ở Kinshasa

Những ‘zombie’ ở Kinshasa

Một loại ma túy nguy hiểm tên là bomé được tạo ra từ cặn lắng của bộ chuyển đổi xúc tác ô tô đang tràn ngập thủ đô Kinshasa của CHDC Congo. Loại ma tuý này giúp người dân quên đi những vấn đề họ đang phải đối mặt.

 

 

Những 'zombie' ở Kinshasa - ảnh 1
Bombé khiến người dùng rơi vào trạng thái vô định trống rỗng CHỤP MÀN HÌNH DER SPIEGEL

Gần đây, liên quan tình hình ở Kinshasa, thủ đô CHDC Congo, trên mạng xã hội xuất hiện một loạt video ghi lại hình ảnh người trẻ hoàn toàn bất động hoặc di chuyển chậm chạp đột ngột xuất hiện. Những video này liên tục được chia sẻ qua WhatsApp và trên các mạng xã hội. Những người này được gọi là thây ma (zombie) của Kinshasa.

Các nhà điều tra nhanh chóng vào cuộc và phát hiện một loại ma túy mới có tên là bomé đã gây ra điều này.

“Tệ nạn này như dịch bệnh vậy”, tờ Der Spiegel dẫn lời một quan chức cho biết. Chính phủ CHDC Congo cũng đã chú ý tới tình hình này. Đầu năm nay, Tổng thống Felix Thisekedi của CHDC Congo đã tổ chức một cuộc họp nội các đặc biệt để thảo luận về loại ma túy mới.

Sự phổ biến của bomé là điều không gây ngạc nhiên đối với một đất nước đang gặp nhiều vấn đề như CHDC Congo. Nhiều bảng xếp hạng thường xuyên xếp Kinshasa vào một trong những thành phố khó sống nhất trên thế giới, chỉ sau Damascus (Syria) và Baghdad (Iraq).

Quên đi thực tại

Tại khu phố Selembao ở Kinshasa, 4 thanh niên ngồi trước một tấm kính với lớp bột màu nâu phía trên. Sau đó, họ nghiền những viên thuốc màu trắng bên cạnh thành bột rồi trộn vào.

Rồi họ “kẻ” số bột trên thành ba đường ngắn bằng lưỡi dao cạo, chuyền tay nhau tấm kính và hít vào. Số bột còn lại được cuộn vào thành điếu thuốc và đốt lên. Sau khi dùng bomé, những người này trở nên hưng phấn nhưng sau đó, họ bắt đầu di chuyển chậm chạp.

Những 'zombie' ở Kinshasa - ảnh 2
Một phần bột được dùng để hít, một phần bột được cuộn vào các điếu thuốc  CHỤP MÀN HÌNH DER SPIEGEL

4 thanh niên này biết số bột trên là cặn và các chất từ ​​bộ chuyển đổi xúc tác trong hệ thống xả khí thải ô tô được cạo ra từ những chiếc xe cũ và sau đó được chế thành ma túy. Họ cho biết họ không lo lắng vì họ không còn gì để mất.

“Bombé giúp chúng tôi quên đi mọi thứ. Ở phương Tây, họ còn có tài khoản ngân hàng. Tôi không có gì cả. Bomé khiến mọi thứ dễ dàng hơn”, một thanh niên nói và cho biết bombé tạo ra một bức màn che phủ họ với giá chỉ 1 USD cho mỗi lần.

Người dân Kinshasa không thể làm gì nhiều với 1 USD. Bữa ăn trong một nhà hàng tầm trung ở đây có thể có giá 30 USD. Giá thuê nhà ở những khu vực tốt ở Kinshasa gần bằng giá trọ ở Munich và Frankfurt (Đức). Kinshasa là một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới. Song, thành phố vẫn có nhiều cư dân siêu giàu. Họ thường lái những chiếc SUV khổng lồ qua những con đường rộng rãi trong khu thương mại của thủ đô CHDC Congo

Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước này không cân bằng. Chỉ một phần nhỏ người giàu lên nhờ tài nguyên khoáng sản và CHDC Congo hầu như không có tầng lớp trung lưu. Phần lớn trong khoảng 15 triệu cư dân Kinshasa không có công việc cố định và không có thu nhập thường xuyên. Đại dịch Covid-19 đã khiến con số này tăng lên hơn nữa.

Những 'zombie' ở Kinshasa - ảnh 3
Kinshasa là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhưng nền kinh tế nơi này đang suy thoái   CHỤP MÀN HÌNH DER SPIEGEL

Vì vậy, bomé dễ dàng trở nên phổ biến. Các Kulunas – nghĩa đen là côn đồ – thường dùng bomé nhất. Nhóm thanh niên này chỉ có thể sống qua ngày nhờ trộm vặt và hoạt động trong các băng nhóm.

Đối với các Kulunas, khoảnh khắc được hoàn toàn thoát khỏi thực tại khi dùng bombé khiến họ hạnh phúc. “Lúc đó, không ai có thể chạm vào tôi. Đó là giấc ngủ sâu nhất”, một người nghiện bombé cho biết.

Bombé không gây ra ảo giác hoặc những chuyến đi đầy màu sắc như các loại ma túy khác. Những người dùng bombé chỉ nhìn thấy một khoảng trống. Đối với những người ở Kinshasa, như vậy là đủ. Nhiều video được chia sẻ trên Facebook và Twitter cho thấy những thanh niên lờ đờ như các thây ma. Một số Kulunas cho biết họ sử dụng bombé trước khi đánh nhau.

Người đứng đầu chương trình cai nghiện của CHDC Congo, Patrice Kapia, cho biết bombé rất nguy hiểm. “Loại ma túy này và có thể gây ra các vấn đề về tim, phổi, và về lâu dài là ung thư”, bà Kapia nói thêm. Đã có những trường hợp tử vong sau khi dùng bombé. Theo bà Kapia, cặn từ bộ chuyển đổi xúc tác có thể rất độc hại.

Những 'zombie' ở Kinshasa - ảnh 4
Cặn từ bộ chuyển đổi xúc tác ô tô được cảnh sát thu giữ CHỤP MÀN HÌNH DER SPIEGEL

Số cặn này có thể bao gồm oxit kẽm, bạch kim và rhodium. Một phòng thí nghiệm ở Antwerp (Bỉ) đang xem xét tác dụng của từng chất. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn phải đối mặt với rất nhiều ẩn số. Họ cho rằng các chất từ bộ chuyển đổi xúc tác đã tạo ra phản ứng hóa học với phần còn lại của hỗn hợp thuốc.

Một đại tá CHDC Congo giấu tên cho biết một phòng thí nghiệm ở Kinshasa phát hiện bomé là hỗn hợp các chất khác nhau như tramadol, dolarene, nitrile, ampicillin và trong một số trường hợp còn có heroin.

“Người nghiện đã đưa chúng tôi đến những kẻ buôn ma túy và những kẻ điều chế thuốc”, trưởng nhóm điều tra cho biết. Đầu mùa thu này, cảnh sát bắt giữ gần 100 người, bao gồm cả những kẻ cầm đầu đường dây buôn bán bộ chuyển đổi xúc tác người Tunisia. Các nhà điều tra đã tìm thấy những thùng nhựa chứa đầy những khối màu xám được cạo ra từ những bộ phận ô tô cũ.

Bị cáo khai đang xuất khẩu chất này sang Đức để tái chế. Tuy nhiên, sau khi những khối màu xám này được nghiền thành bột, chúng có giá đến 200 USD/kg. Việc buôn bán phụ tùng xe hơi cũng đang nở rộ ở các quốc gia khác để thu các kim loại quý như bạch kim và rhodium. Vì vậy, các nhà điều tra đã rất ngạc nhiên khi biết rằng số cặn này được dùng để sản xuất ma túy.

Giải pháp không hiệu quả

Trước tình hình này, ông Samy Moyo của Hội đồng Thanh niên Quốc gia CHDC Congo không thể ngồi yên. Ông đang là trưởng dự án hỗ trợ người nghiện bomé.

Trong các lớp dạy làm ruộng và gieo hạt do ông Moyo tổ chức, hàng chục Kulunas chen chúc lắng nghe. “Chúng tôi đang đào tạo về cách làm nông cho các thanh niên. Mỗi người họ sẽ được chính phủ cấp một mảnh đất”, ông Moyo cho biết.

Những 'zombie' ở Kinshasa - ảnh 5
Ông Samy Moyo (giữa) đào tạo công việc cho những người nghiện bomé  CHỤP MÀN HÌNH DER SPIEGEL

Đây là một ý tưởng hấp dẫn. Những người nghiện bomé được cấp đất bên ngoài thành phố Kinshasa. Họ được giữ lại 75% thu nhập từ mảnh đất đó và chỉ phải trả 25% cho chính quyền, giải pháp mà đôi bên cùng có lợi. Những người tham gia chương trình đã nhận được phụ cấp từ giai đoạn đào tạo. “Tôi đã ngừng dùng bombé vì giờ đây tôi có tương lai”, anh Plamedi Lama (23 tuổi), cho biết.

Song, chưa ai trong số đó nhìn thấy mảnh đất chính phủ đã hứa. “Nếu chương trình này không thành công, chúng tôi sẽ quay lại với bombé. Chúng tôi không biết phải làm gì khác cả?”, anh Lama nói và nhận được sự đồng tình của những người bạn. Hầu hết các Kulunas tham gia chương trình đều từng phạm tội nghiêm trọng như trộm cắp, giết người, hãm hiếp. Họ rất ngạc nhiên khi được trao cơ hội thứ hai.

Chính phủ CHDC Congo đang thực hiện các chiến dịch quy mô lớn, công khai và tạo cảm giác rằng vấn đề đang được giải quyết. Tuy nhiên, tình hình trên thực tế phức tạp hơn.

“Chúng tôi có thể nhận đất từ ​​chính phủ, nhưng chúng tôi không có hạt giống hoặc thiết bị để gieo trồng”, ông Moyo cho biết. Ông và các thanh niên thậm chí đã ngủ trong lều trước cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này để gây áp lực. Tuy nhiên, họ không tạo ra được tác động nào. Ông Moyo cho biết một số người tham gia chương trình bị tái nghiện và thậm chí qua đời.

Nhà chức trách CHDC Congo cũng đang thực hiện cuộc chiến chống bomé theo cách quyết liệt hơn. Nếu bị bắt, người dùng bomé và người sản xuất ma túy sẽ phải ngồi tù trong nhiều năm.

100 người bị bắt vào đầu mùa thu năm nay đã phải diễu hành và ngồi trên sàn để báo chí chụp ảnh. Trong lúc đó, các quan chức thành phố ngồi trong bóng mát và quan sát. Vụ việc này phản ánh hoàn hảo sự chênh lệch ở Kinshasa. Một nghị sĩ thậm chí hứa sẽ dùng tiền túi để trả 100 USD cho người tố cáo những kẻ buôn bombé.

Ông Valentin Vangi, người đứng đầu chương trình Cộng đồng tỉnh táo, chỉ ra rằng “bombé không chỉ ảnh hưởng đến những đứa trẻ và thanh thiếu niên. Các cảnh sát và doanh nhân đã liên hệ với chúng tôi vì họ muốn cai nghiện. Tất cả đều tìm đến bomé để quên vấn đề của họ”.

Và không chỉ có bombé, ông Vangi cho biết đất nước này đang gặp rất nhiều vấn đề. Ở phía đông bắc CHDC Congo, quân nổi dậy thường xuyên tấn công dân thường và các lực lượng chính phủ. Hậu quả kinh tế của cuộc chiến này lan đến tận thủ đô Kinshasa.

ĐÔNG A

TNO