23/11/2024

Anh, Úc khẳng định AUKUS không phải ‘thách thức’ trong khu vực

Anh, Úc khẳng định AUKUS không phải ‘thách thức’ trong khu vực

Ngày 21-10, Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey tuyên bố tranh cãi xoay quanh thoả thuận ba bên AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc đang đi ‘quá mức’.

 

Anh, Úc khẳng định AUKUS không phải thách thức trong khu vực - Ảnh 1.

Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey – Ảnh: PA

“Đã có rất nhiều lời ra tiếng vào quá mức về AUKUS”, ông Heappey nói với các phóng viên tại một sự kiện ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 21-10. Đây là sự kiện kỷ niệm 50 năm Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc (FPDA) giữa Anh, Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore.

Theo Hãng tin Reuters, ông Heappey khẳng định AUKUS không được tạo ra nhằm mục đích thách thức các nước khác.

Vị bộ trưởng này nhấn mạnh Úc đơn thuần quyết định tham gia một thỏa thuận chia sẻ công nghệ lâu dài cùng Mỹ và Anh.

Cũng tại sự kiện này, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton khẳng định Úc sẽ không thay đổi chiến lược an ninh của mình vì AUKUS. Ông Dutton cho rằng thỏa thuận này sẽ đảm bảo vai trò một đối tác đáng tin cậy của Úc tại khu vực.

“Chúng tôi không phải là bên muốn can thiệp vào việc của các quốc gia khác. Chúng tôi là một đất nước ngay thẳng, muốn đem lại hòa bình cho khu vực”, ông Dutton nói.

Mới đây, ông Derek Chollet – cố vấn chính sách của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken – cũng tuyên bố AUKUS không ảnh hưởng đến vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại khu vực.

AUKUS là thỏa thuận ba bên giữa Úc, Anh và Mỹ, cho phép Úc sở hữu ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

AUKUS đã trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa các nước Đông Nam Á. Trong khi Indonesia và Malaysia cảnh báo AUKUS có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang, Philippines – đồng minh của Mỹ lại ủng hộ thỏa thuận này.

Tại cuộc họp báo ngày 23-9, khi được hỏi về việc cơ chế AUKUS, người phát ngôn Thu Hằng kêu gọi các nước đóng góp có trách nhiệm cho hòa bình và ổn định khu vực.

“Quan điểm của chúng tôi về phát triển năng lượng nguyên tử, như hạt nhân, phải vì mục đích hòa bình và phát triển kinh tế xã hội của các nước. Việc sử dụng và phát triển năng lượng nguyên tử và hạt nhân phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người cũng như môi trường”, bà Thu Hằng nêu lập trường của Việt Nam.

NGUYÊN HẠNH
TTO