25/11/2024

Bộ NN-PTNT lập đề án 1.600 tỉ tạo vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn xuất khẩu

Bộ NN-PTNT lập đề án 1.600 tỉ tạo vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn xuất khẩu

Vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn xuất khẩu và phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước có liên kết với 2 tỉnh trở lên và gắn với nhà máy chế biến để nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu.

 

 

Ngày 20.10, Bộ NN-PTNTtổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến tham vấn từ các doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương về Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước trong giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ NN-PTNT lập đề án 1.600 tỉ tạo vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn xuất khẩu - ảnh 1
Nhãn nằm trong số sản phẩm được xây dựng thành vùng nguyên liệu xuất khẩu PHAN HẬU

Theo dự thảo đề án do Bộ NN-PTNT xây dựng, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các doanh nghiệp địa phương xây dựng các vùng nguyên liệu đối với các nông sản chủ lực gồm: tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây.

Các vùng nguyên liệu nông sản này sẽ được triển khai ở 184 xã, 50 huyện của 11 tỉnh, thành phố, gồm: Sơn La, Hoà Bình, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Kiên Giang và An Giang.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, tổng diện tích các vùng nguyên liệu nông sản xây dựng trong 5 năm tới là 158.300 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng.

Trong đó, ngân sách T.Ư đầu tư khoảng 32%; nguồn vốn địa phương, hợp tác xã và doanh nghiệp đối ứng khoảng 26,5% và phần còn lại là vốn vay tín dụng.

Tại hội nghị, đề án của Bộ NN-PTNT đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của nhiều doanh nghiệp hiện đang kinh doanh, xuất khẩu nông sản.

Theo bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), hiện tại các doanh nghiệp đều phải xây dựng các chi nhánh tại địa phương để thu mua nông sản.

Xây dựng mã số vùng trồng, mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong đề án này, doanh nghiệp rất mong được hỗ trợ tăng cường liên kết giữa các vùng nguyên liệu để thu mua được các nhóm nông sản chủ lựcđang có đối tác nhập khẩu.

“Nếu có những vùng nguyên liệu sản xuất quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, các doanh nghiệp sẽ tự tin mở rộng thị trường để tham gia vào các chuỗi, hệ thống siêu thị lớn ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuỗi tại thị trường Trung Quốc”, bà Vy nói.

Bộ NN-PTNT lập đề án 1.600 tỉ tạo vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn xuất khẩu - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị HOÀNG PHAN

Cũng góp ý vào đề án của Bộ NN-PTNT, bà Phạm Thị Hà Anh, Giám đốc Công ty CP lương thực Bình Minh – doanh nghiệp từng thất bại trong xây dựng vùng liệu chuyên canh tại Lai Châu vì vùng chuyên canh quá xa phải thuê thêm nhiều nhân viên, cho rằng khâu phân loại, sơ chế để chế biến cần rất nhiều nhân lực. Vùng nguyên liệu khi xây dựng phải gắn với hợp tác xã có sẵn lực lượng lao động. Ngoài ra, khi xây dựng vùng chuyên canh gì thì phải đi liền cấp chứng chỉ ngay, tạo nền tảng sản xuất ngay từ đầu.

“Nông sản phải đảm bảo minh bạch từ đầu vào, đầu ra và có nền tảng sản xuất tốt thì doanh nghiệp sẽ dễ chào hàng, đưa hàng xuất khẩu ra nước ngoài”, bà Anh nói.

Còn theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nguyên nhân chính khiến nhiều loại nông sản hiện nay khó đưa vào tiêu thụ ở các chuỗi bán lẻ trong nước là do nông dân chưa nắm được kiến thức cơ bản để đưa vào kênh bán lẻ này. Bà Hậu kiến nghị Bộ NN-PTNT nên có các chương trình đào tạo, phổ cập những kiến thức này cho nông dân, các hợp tác xã.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng ngành nông nghiệp hướng tới quản lý chất lượng bằng các mã số vùng trồng đối với những nông sản chủ lực. Nhưng để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất đúng quy trình. Mã số vùng trồng là chỉ dấu để doanh nghiệp thu mua được hàng đảm bảo chất lượng không chỉ là xuất khẩu mà còn phục vụ tiêu dùng trong nước và muốn nông sản tiêu thụ được thì nông sản phải sản xuất có trách nhiệm. “Khi nông dân, hợp tác xã có mã số vùng trồng thì doanh nghiệp có thể đặt hàng sản xuất”, ông Trung nói.

Khẳng định sự cần thiết phải xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh, sản xuất quy mô lớn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, điều này sẽ khắc phục những điểm yếu do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự hợp tác, liên kết. Những vùng nguyên liệu này phải đáp ứng yêu cầu liên kết từ 2 tỉnh trở lên để tạo liên kết vùng và tranh thủ nguồn lực tập trung hỗ trợ từ các địa phương.

Ông Nam chia sẻ, trong đề án này, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ địa phương một phần về hạ tầng vùng sản xuất; hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng định hướng các đơn vị chuyên môn xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sản phẩm nông sản đạt được các tiêu chuẩn phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như tạo nguồn hàng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

PHAN HẬU

TNO