Kiểm tra trực tuyến: Giáo viên có đặt niềm tin ở học sinh?
Kiểm tra trực tuyến: Giáo viên có đặt niềm tin ở học sinh?
Dạy học trực tuyến ngày một được nâng cao chất lượng thì việc kiểm tra trực tuyến, đánh giá kết quả học tập ở học sinh cũng được nhà trường, thầy cô và xã hội quan tâm.
Học sinh chuẩn bị làm bài kiểm tra trực tuyến B.THANH |
Cách để giáo dục tính kỷ luật, trung thực ở học sinh
Điểm nhấn có lẽ là tính trung thực ở học sinh khi tham gia kiểm tra trực tuyến, vậy làm thế nào để giáo dục tính kỷ luật, trung thực ở học trò?
Về việc giáo dục tính trung thực và tính kỷ luật trong học tập của học sinh, không có một phương tiện máy móc, thiết bị nào có thể kiểm soát được “tính trung thực” của học sinh bằng chính ý thức tự giác của trò và niềm tin của người thầy dành cho học trò của mình. Sản phẩm của giáo dục là con người hoàn thiện về mặt nhân cách và tri thức. Việc phát triển năng lực của học trò được thầy cô chuẩn hóa qua kiến thức và tổ chức hoạt động nâng cao kỹ năng còn việc hình thành nhân cách của trò phải xuất phát từ trái tim người thầy và phụ huynh học sinh với phương châm những gì từ trái tim sẽ đến với trái tim.
Nhiều người còn lo ngại việc học sinh làm bài kiểm tra ở nhà, làm sao để khách quan, không gian lận. Điều này chính các bậc phụ huynh là người gần gũi nhất với con mình, phụ huynh cũng chính là người thầy đầu tiên của con mình. Chính phụ huynh phải nhìn thấy tương lai của con, nếu không trung thực trong kiểm tra đánh giá thì vô hình trung sẽ lợi bất cập hại cho chính các con.
Có nhiều hình thức để giáo dục tính trung thực của học sinh thông qua chính bài học B.THANH |
Người thầy trước tiên phải đặt niềm tin ở học trò
Để giáo dục tính trung thực của học sinh, trong quá trình dạy học, tôi thường khen học sinh nhiều hơn chê trách; nhắc nhở, động viên nhiều hơn trách phạt và kỷ luật. Nguyên tắc với mọi học sinh là “Khen công khai – góp ý kín đáo – tôn trọng và yêu thương trên tinh thần những gì từ trái tim sẽ đến được trái tim”.
Trong quá trình dạy môn hóa học lớp 12 ở năm học trước, khi phát hiện hai học sinh chép bài kiểm tra 15 phút của nhau, tôi không trách phạt hay la mắng tại thời điểm đó. Ở tiết học sau, bài “Glucozơ – Fructozơ”, tôi cho các em tổ chức một hoạt động nhỏ: “Hóa học và đạo đức”.
Tôi đặt ra câu hỏi: “Tại sao bọt bia thường nhỏ và mịn, bền khi rót vào cốc nước đá còn bọt Coca Cola thì to, nhưng không bền và mong manh, dễ vỡ?”. Câu trả lời của mỗi em là “do bọt bia sinh ra trong quá trình lên men rượu, bọt khí CO2 có cấu trúc ổn định vì nó là tự nhiên. Trái lại bọt Coca Cola là bọt CO2 nhân tạo, nén vào bình nước ngọt ở áp suất cao nên không bền, mong manh, dễ vỡ”.
Tiếp theo, tôi cho các em tự viết bài cảm nhận 4 phút về hình ảnh liên tưởng trên. Rất bất ngờ, học sinh chép bài kiểm tra 15 phút của bạn ở tiết trước đã viết “lời xin lỗi” vào bài cảm nhận và hứa rằng “em sẽ cố gắng học tập để thực chất với kiến thức của mình như bọt bia” chứ không “vay mượn kiến thức của bạn” vì nó dễ vỡ và mong manh như “bọt Coca Cola”.
Thế nên nếu tôi vội la mắng, trách phạt thì có lẽ “ý thức tự giác” và bài học cuộc sống rút ra từ việc vận dụng kiến thức hóa học vào giáo dục đạo đức học sinh sẽ không xuất hiện một cách thú vị như vậy. Theo tôi, những gì từ trái tim sẽ đến với trái tim, người thầy trước tiên phải đặt niềm tin ở học trò, phải tạo động lực để các em hoàn thiện nhân cách và trưởng thành về nhận thức. Đó mới là giáo dục.
PHẠM LÊ THANH
TNO