04/01/2025

2,7 ngàn tỉ USD tiết kiệm trong thời đại dịch ‘vẫn nằm trong dân’

2,7 ngàn tỉ USD tiết kiệm trong thời đại dịch ‘vẫn nằm trong dân’

Sau khi được nới lỏng phong toả, người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ không vội chi hơn 2.700 tỉ USD tiết kiệm được trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 nặng nề.

 

2,7 ngàn tỉ USD tiết kiệm trong thời đại dịch vẫn nằm trong dân - Ảnh 1.

Biểu đồ tiền tiết kiệm của người dân khu vực châu Âu trong khoảng 2020-2021 – Ảnh: BLOOMBERG

Theo tính toán của Bloomberg Economics – nhóm chuyên trách phân tích thông tin kinh tế thế giới của Bloomberg, trong kỳ nghỉ hè được nới lỏng phong tỏa vừa qua ở các nước châu Âu, tiền tiết kiệm dư thừa trong dân được gửi vào ngân hàng chỉ giảm nhẹ trong tháng 8 và riêng Ý vẫn ghi nhận mức tăng số dư tiền tiết kiệm. Các số liệu cũng cho thấy ở Mỹ không có sự sụt giảm tiền tiết kiệm trong dân.

Việc tiêu dùng không tăng đã được một số nhà kinh tế dự đoán, và điều này có thể giúp ngăn chặn viễn cảnh về cú sốc lạm phát kéo dài mà các ngân hàng trung ương lo ngại. Số dư tiết kiệm cao có thể giúp các hộ gia đình đối phó với hóa đơn chi cho năng lượng sưởi ấm tăng vọt.

Ông Dario Perkins – giám đốc điều hành Công ty tư vấn dự báo kinh tế TS Lombard ở London – cho biết: “Chúng tôi không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy khoản tiết kiệm tích lũy đang quay lại nền kinh tế”.

Bloomberg Economics tính toán tổng số tiền tiết kiệm dư thừa được tích lũy trong dân kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu vào khoảng 2,3 ngàn tỉ USD ở Mỹ và gần 400 tỉ euro (464 tỉ USD) ở khu vực đồng euro.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD dự đoán tiêu dùng ở châu Âu sẽ được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa phòng dịch, song dữ liệu thống kê tiền tiết kiệm trong dân đã giội một gáo nước lạnh vào dự báo trên.

2,7 ngàn tỉ USD tiết kiệm trong thời đại dịch vẫn nằm trong dân - Ảnh 2.

Biểu đồ về khoản tiết kiệm tích lũy của người dân Mỹ trong khoảng tháng 3 đến tháng 8-2021 – Ảnh: BLOOMBERG

Các đánh giá về tâm lý người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu không nhận thấy sự bùng nổ trong các giao dịch mua sắm, trong khi các thăm dò của Anh cũng cho thấy người tiêu dùng đang thận trọng và mong muốn tiết kiệm một cách khác thường. Tại Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới, tâm lý mua sắm cũng sụt giảm trong suốt mùa hè.

Ngoài tâm lý lo lắng về các đợt bùng dịch có thể trở lại thì tình trạng khan hiếm hàng hóa trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị siết chặt cũng có thể là nguyên nhân khiến việc tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ kém sôi động hơn thời gian qua.

GIA MINH
TTO