29/12/2024

Doanh nghiệp Việt tham gia mạnh hơn vào hoạt động mua bán sáp nhập

Doanh nghiệp Việt tham gia mạnh hơn vào hoạt động mua bán sáp nhập

Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động mua lại doanh nghiệp khác ngày càng tăng cao. 

 

 

Ngày 15.10, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” cùng phối hợp với NovaGroup thực hiện theo hình thức trực tuyến ở 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM.

Theo các chuyên gia, từ năm 2020, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu nói chung và Việt Nam đều bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Cụ thể theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hộigiá trị M&A tại Việt Nam năm 2019 đạt 7,2 tỉ USD nhưng cả năm 2020, tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ đạt 3,5 tỉ USD. Ngành nghề tập trung nhiều trong M&A là bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghệ, dược phẩm, công nghệ…

Doanh nghiệp Việt tham gia mạnh hơn vào hoạt động mua bán sáp nhập - ảnh 1
 Siêu thị Emart Việt Nam đã thuộc về sở hữu của Tập đoàn THACO AN BIÊN 

Đáng chú ý là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn năm 2018, doanh nghiệp Việt là bên mua chiếm 18% thì đến năm 2019 – 2020 tỷ lệ này tăng lên là 30% và từ 2019 – quý 1/2021 thì 49% là doanh nghiệp Việt Nam. “Các địa bàn xảy ra M&A thì 70% ở Việt Nam, 30% ở lãnh thổ bên ngoài, cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp Việt và điều này rất quan trọng”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng làm thay đổi cơ cấu kinh doanh và hình thành chuỗi cung ứng. Từ đó, các thương vụ M&A theo chiều ngang (doanh nghiệp kinh doanh cùng 1 thị trường) chiếm 45% giao dịch vừa qua, cho thấy cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh, quan trọng hơn có 19% các giao dịch theo chiều dọc (hình thành chuỗi) và chỉ 30% là giao dịch hỗn hợp.

Còn theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, năm 2020 số thương vụ M&A có giảm đi đáng kể do ảnh hưởng của bệnh dịch nhưng từ cuối năm 2020, giá trị thượng vụ đã ghi nhận tăng. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ. Tại Việt Nam, công ty này cũng thực hiện thành công các thương vụ M&A qua hình thức trực tuyến. Vì vậy, ông tin tưởng kể từ đầu năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, tiêm vắc xin đầy đủ thì hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2021. Cá nhân ông cũng cho rằng, dù giai đoạn qua, doanh nghiệp Việt Nam nói đến trỗi dậy nhưng vẫn chỉ đóng góp 30% trong số lượng người mua, vậy 70% vẫn là nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường này.

“Trong tương lai, tôi vẫn chờ đợi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò chính trên thị trường M&A năm 2022, gần đây tôi thấy có sự quan tâm lớn của họ tới doanh nghiệp Việt có tiềm năng phát triển tốt. Có 4 nhóm nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan rất quan tâm tới thị trường M&A Việt Nam”, ông Nguyễn Công Ái chia sẻ thêm.

MAI PHƯƠNG

TNO