27/12/2024

Hạnh phúc giản dị những ngày Sài Gòn ”bình thường mới”

Hạnh phúc giản dị những ngày Sài Gòn ”bình thường mới”

Siêu thị đón khách, chợ mở lại, tiệm cắt tóc khai trương, quán hàng bán mang về treo biển… Tiếng cười nói, mặc cả, hỏi thăm… của người mua – người bán, cả những láng giềng sát bên nhau nhưng bao lâu chưa gặp.

 

 

Hơi thở của cuộc sống, âm thanh phố thị… đang tràn vào khắp các ngõ ngách Sài Gòn những ngày này. Thành phố đang hồi sinh.

Hạnh phúc giản dị những ngày Sài Gòn ”bình thường mới” - ảnh 1
Nhịp sống “bình thường mới” của người dân TP.HCM từ sau ngày 1.10 ĐỘC LẬP

Ở giữa Sài Gòn mà nhớ Sài Gòn

“Xách xe máy chạy một vòng quanh khu vực gần nhà coi ngó thiên hạ mua bán thế nào”, ông Lâm Zong Hảo (Q.11, TP.HCM) trả lời khi được hỏi ngày 1.10, TP.HCM mở cửa trở lại, ông làm gì. Ông Hảo chạy một vòng qua các con đường Hòa Bình, Lãnh Binh Thăng, Bình Thới, Âu Cơ… Gặp lò bánh mì, tấp xe vào liền. Mê bánh mì, với ông Hảo, vắng mùi bánh mì nóng mới ra lò buổi sáng mới mấy tháng mà tưởng cả chục năm. Đợt rồi ông toàn ăn mì lát sandwich giá “trên trời”, bịch 65.000 đồng trong khi giờ mua chỉ 27.000 đồng. Mì ổ thì cứ 5.000 – 6.000 đồng/ổ nhỏ, nay còn 2.000 đồng một ổ, ông “quất” luôn 30 ổ. Mua xong mới ngẩn người, cả nhà một bữa chỉ 3 ổ là nhiều nhất. Hóa ra mình vẫn giữ thói quen mua nhiều trữ ăn dần như đang giãn cách. Vậy là về nhà xách bịch bánh mì đi quanh cho các gia đình trong xóm. “Tâm trạng thấy vui hơn, thư giãn hơn mà không biết diễn tả thế nào. Nói điều này không biết có đúng không, chứ mấy tháng “gồi” (vừa rồi – NV) mình sống ngay ở đất Sài Gòn này mà lại thấy nhớ Sài Gòn ghê ha. Tui nhớ ly cà phê đen đá uống mỗi buổi sáng quán cóc trước Ủy ban Q.11 bên đường Bình Thới, nhớ mùi thơm ổ bánh mì, nhớ lung tung beng mà ngày thường đâu quan tâm, nay ở nhà riết mới thấy quý, thấy nhớ…”, giọng phát âm lơ lớ của người Hoa, ông Hảo vừa nói vừa đưa tay gãi đầu cười vang.

Với mình lúc này đây thì được nấu ăn, được đi chợ, được ra ngoài nhìn thiên hạ là hạnh phúc vô cùng. Không còn những hàng rào thép lạnh lùng, những dây băng đỏ trắng giăng đầu hẻm. Thay vào đó là tiếng í ới mời chào mua bán, mình cảm nhận được mình đã hồi sinh, TP đã hồi sinh.

Chị Lê Thị Nút (Lạc Long Quân, Q.Tân Bình)

Một cơn mưa lớn ngay sáng ngày 1.10 chào đón TP.HCM mở giãn cách đã không ngăn được sự háo hức của Lê Thị Thùy Trang (Q.3, TP.HCM) mặc áo mưa, dắt xe ra khỏi nhà và chạy thẳng đến cơ quan. Công ty đang thực hiện làm việc trực tiếp 30% nhân sự theo quy định mở cửa của TP. Đêm trước ngày “được đi làm”, Trang hồi hộp đến mất ngủ. Một việc quá đỗi bình thường trước đây, giờ lại khiến cô háo hức, tâm trạng vừa hồi hộp, vừa hưng phấn như ngày đầu tiên đi làm cách đây nhiều năm. Khác với đa số bạn trẻ, Trang giữ thói quen đi làm bằng xe đạp từ mấy năm qua. Ngày nào cô cũng vội vã guồng hết tốc lực cho kịp giờ. Thế nhưng, ngay sáng 1.10, sau hơn 3 tháng ở nhà tránh dịch, làm việc qua online, Trang đạp xe chậm rãi để “nhâm nhi” không khí của ngày TP mở cửa trở lại dù trời mưa. “Từ sáng đến chiều trong ngày hôm đó, mọi việc đều không được suôn sẻ. Ngày đầu tiên đi làm mà. Trước đây mình sẽ rất dễ nổi cáu, thậm chí tâm trạng xấu ảnh hưởng cả ngày, nhưng nay thấy bình thản lạ lùng. Tôi chợt nhận ra mình trở nên bao dung hơn, vị tha hơn, bớt căn ke hơn trước những trục trặc xảy ra trong cuộc sống. Bởi mình còn ra đường được, gặp được đồng nghiệp, được đạp xe vòng vòng trên đường phố Sài Gòn thân thương, thích thì dừng bên đường chụp vài tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp mà thấy hạnh phúc biết bao. Lạ là cũng đường Trần Quốc Thảo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… hằng ngày đi làm đến mòn đường, nay thấy nó mới mẻ mới vui chứ”, Trang bộc bạch.

Hơn một lần Trang thốt lên: “Dù ở giữa Sài Gòn trong những ngày giãn cách, nhưng thấy rất nhớ Sài Gòn”. Cô bảo nhớ không khí nhộn nhịp, xô bồ, kẹt xe… đến phát bực trước đây. Nay lại nhớ, nhớ đến da diết. Nhiều đêm TP vắng lặng, toàn nghe tiếng còi xe cấp cứu hú liên hồi, chợt thèm đến nôn nao tiếng rao “bánh giò đây” ngang qua nhà mỗi tối.

Hạnh phúc giản dị những ngày Sài Gòn ”bình thường mới” - ảnh 2

Vượt qua những “cung bậc cảm xúc”…

Từ sau ngày 1.10, các hệ thống bán lẻ hiện đại tại TP.HCM đồng loạt hoạt động trở lại. Trong đó, có 106 siêu thị thuộc các hệ thống bán lẻ Co.opMart, Tops Market/BigC/GO!, VinMart, LotteMart, Aeon… đã mở cửa đón khách mua lẻ bình thường; 2.895 cửa hàng tiện lợi mở cửa đón khách.

Trong tháng 10, các điểm tập kết – trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối vẫn tiếp tục hoạt động theo mô hình tập kết hàng hóa và trung chuyển đi ngay các chợ truyền thống trong TP. Đến nay, 3 khu vực tập kết hàng hóa này đã đưa về TP hàng trăm tấn hàng hóa tươi sống (rau củ quả, thủy hải sản và trái cây) mỗi ngày. Kế hoạch tại điểm tập kết chợ đầu mối Bình Điền là sẽ tăng lượng hàng về gấp đôi đến hết tháng 10, từ 120 tấn lên 240 – 250 tấn/ngày.

Từng là người lính Việt Nam tình nguyện nơi chiến trường Campuchia, ông Huỳnh Thanh Kim (55 tuổi, thường gọi anh Út, ngụ tại hẻm 252 Lý Chính Thắng, P.9, Q.3) nói, việc đầu tiên mà anh Út làm là dẫn chiếc xe máy ra để kiểm tra xem có hư hỏng hay không để còn “đi kiếm ăn”. Tiếng máy xe nổ cùng với những cuộc trò chuyện với hàng xóm xung quanh không ngăn được những trận cười sảng khoái mà rất lâu rồi mới thấy lại. Thảng hoặc, mọi người lại nép vào một bên cho những chiếc xe máy chạy trong hẻm đi qua, tiếng í ới của anh tài xế xe công nghệ hỏi địa chỉ nhà này nhà kia để giao đồ… khiến con hẻm nhỏ trở nên đầy sức sống thay cho không khí tĩnh lặng mấy tháng qua. Không nói ra nhưng nhìn gương mặt, ai cũng thấy nhẹ nhõm khi Sài Gòn mở cửa trở lại.

Anh Út tâm sự: “Nhà tôi có mẹ già gần 90 tuổi, khi dịch bùng phát, nhiều F0 quá nên hẻm bị cách ly phong tỏa. Lo lắm, lo nhất vẫn là thiếu cái ăn khi cả nhà chấp hành nghiêm ở trong nhà. May mắn là nhiều phần quà hỗ trợ kịp thời của các cơ quan ban ngành trên địa bàn những lúc gia đình gặp khó khăn… Nay được mở cửa rồi, công ty nước giải khát nơi tôi làm chưa biết khi nào hoạt động lại nên trước mắt sẽ chạy xe công nghệ”.

Đưa tay vuốt vuốt mớ tóc lởm chởm trên đầu, anh Út vừa nói vừa cười: “Giờ đi tìm cái tiệm cắt tóc để cắt lại chứ không nhìn ghê quá! Nghe đâu tiền cắt đầu mới chỉ 50.000 đồng, nhưng tiền công sửa đầu cắt hỏng trong mùa dịch lên 100.000 đồng lận”, nhưng trong giọng nói của người đàn ông trung niên ấy không thấy gì sự than vãn.

Với các bà nội trợ, được ra khỏi nhà, đi chợ tận tay chọn bó rau, miếng đậu khuôn, dăm ba trái cà, vài lạng thịt… trở thành “hạnh phúc vô biên”. Chị Lê Thị Nút (Lạc Long Quân, Q.Tân Bình), từng là công chức trong ngành giao thông, nghỉ việc ở nhà chuyển kinh doanh và chăm con nhỏ đến tuổi đi học. Ngày chưa có dịch bùng phát, sáng chị chở con đi học về ghé chợ mua ký tôm tươi, mớ rau ngon người dân mang từ vườn ở Long An, Củ Chi lên bán. Chiều đón con, chị cũng ghé mua gói bún khô, gói nui mai nấu cho con ăn đi học. Khi chưa giãn cách, mua bán quá dễ, giá mềm, thực phẩm chất đầy tủ nhưng không ít ngày chị thấy nhàm chán, mệt mỏi. Thế rồi dịch ập đến, TP giãn cách, hơn 3 tháng kinh doanh bị đình trệ, thực phẩm đội giá, mua bán khó khăn chị nói mình vẫn gắng được. Nhưng cảm giác quá tù túng, bế tắc thì cứ một vài ngày lại choán lấy chị, nhất là khi đứa con nhỏ mới học lớp 2 bị F0. Sau cơn hoảng loạn, cả gia đình chị đã bình tĩnh trở lại chăm con, tổ chức phòng dịch cho cả nhà và kiên cường vượt qua trong bối cảnh hầu hết các căn hộ trong cùng tầng của gia đình chị ở đều nhiễm Covid-19, rất nhiều gia đình được đưa đi cách ly tập trung…

“Đó là quãng thời gian cho mình nhiều cung bậc cảm xúc rất khó diễn tả. Mình vốn khá bình tĩnh trong các xử lý tình huống, cũng đọc hiểu về bệnh dịch Covid-19, cách tự điều trị tại nhà… nhưng lúc đó vẫn thấy chơi vơi kinh khủng. Thế rồi, quả là phép màu, 10 ngày sau bé khỏe hoàn toàn. Thế nên, với mình lúc này đây thì được nấu ăn, được đi chợ, được ra ngoài nhìn thiên hạ là hạnh phúc vô cùng. Không còn những hàng rào thép lạnh lùng, những dây băng đỏ trắng giăng đầu hẻm. Thay vào đó là tiếng í ới mời chào mua bán, mình cảm nhận được mình đã hồi sinh, TP đã hồi sinh”, chị bộc bạch.

Cũng như trường hợp của chị Nút, từ đầu đợt dịch lần 4 bùng phát, gia đình chị Nhật Tâm (Q.4, TP.HCM) sống trong lo lắng vì xung quanh quá nhiều ca F0. Hạn chế mở cửa cũng như đi ra khỏi nhà, thế rồi không hiểu sao “Cô Vy” cũng ghé nhà. Cả gia đình trở thành F0. Sau thời gian điều trị tại nhà, Tâm cùng các con vượt qua, từ dương tính chuyển sang âm tính. Ngày TP.HCM mở cửa cũng là ngày Tâm ra khỏi nhà để đi kiểm tra lại. Chị nói, cảm giác ra đường thật vui, Sài Gòn đang hồi sinh dù rất dè dặt. Qua một dãy cửa hàng bán cây kiểng, Nhật Tâm ghé vào mua bao đất 25.000 đồng cùng ít phân bón cây. Trên đường về, chị ghé mua 2 hộp cơm tấm, món khoái khẩu của 2 đứa nhỏ bởi “cơm sườn của mẹ dù gì cũng không giống ngoài tiệm cho lắm”. Trước đây mà chạy xe thấy đường kẹt là khó chịu, nay thấy một xe ô tô chết máy trên đường, làm mọi người ùn ứ, tránh mới đi được nhưng không ai bực mình hay tiếng nặng tiếng nhẹ. Tự nhiên cảm thấy vui lạ! Trải qua những ngày tháng sợ hãi, mọi thứ nghe tưởng chừng bình thường ấy nay là hạnh phúc. Mọi việc rồi sẽ trở lại thôi!”, chị Nhật Tâm nói, giọng bồi hồi xúc động.

Hạnh phúc giản dị những ngày Sài Gòn ”bình thường mới” - ảnh 3

…để nghe âm thanh cuộc sống trở về

Trong tác phẩm Tình yêu cuộc sống của nhà văn người Mỹ Jack London, nhân vật chính của câu chuyện đã vượt qua nỗi sợ hãi và đói khát, quên đi vết thương, chiến đấu để bảo vệ mình trước nanh vuốt của sói. Vượt qua những thử thách khủng khiếp nhất để sống sót là nhờ vào khát khao được sống mãnh liệt. Sau mỗi bữa ăn trên con tàu đã cứu anh, anh vẫn luôn bị ám ảnh bởi cái đói, bởi sự thiếu thốn… nên hình thành thói quen dự trữ thức ăn. Ăn no đến mấy anh cũng đi tìm những thủy thủ khác để xin thêm bánh mì, bánh quy… Một thời gian sau, người ta phát hiện chiếc giường anh nằm được lót bằng bánh quy khô, đệm được nhồi bằng bánh, mọi ngóc ngách xó xỉnh nào trong căn phòng anh được bố trí ở trên tàu đều đầy bánh quy khô…

Tính đến ngày 4.10, toàn TP.HCM có 234 chợ truyền thống, đa số vẫn còn xây dựng phương án mở lại chợ theo Bộ tiêu chí hoạt động an toàn chợ truyền thống do UBND TP.HCM ban hành. Theo đó, số chợ mở hoạt động trở lại chưa tới 20 chợ, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Cần Giờ và Củ Chi với 14 chợ, còn lại trong nội đô, một số chợ truyền thống như An Đông, Hòa Bình (Q.5), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) đã mở cửa hoạt động trở lại. Theo Bộ tiêu chí hoạt động chợ đầu mối, chợ truyền thống an toàn, lộ trình mở lại chợ được nới lỏng từ sau ngày 1.10, tùy theo các địa phương quyết định, từ 10% lên 20%, 30%, 50%… Trong đó, chợ truyền thống phải bảo đảm các tiêu chí như: Đối với người lao động và khách hàng, tùy theo từng đối tượng phải có “thẻ xanh Covid-19”, “thẻ vàng Covid-19”; quy định khoảng cách an toàn, phương án bố trí lối ra vào, tổ chức kiểm tra, giám sát, trang bị dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, công tác khử khuẩn; công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, thông tin liên lạc; kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19.

Tất nhiên mọi sự so sánh chỉ là khập khiễng, tiểu thuyết không phải là đời thực. Ông Lâm Zong Hảo chỉ vài ngày nữa sẽ chỉ mua đủ lượng bánh mì cho bữa sáng của gia đình. Những chị Nút, chị Tâm, ông Kim… chẳng bao lâu nữa sẽ trở về với tâm trạng “bình thường cũ”. Sẽ tức giận khi kẹt xe, ngập nước; nhàm chán với những buổi chợ búa, cơm nước; Trang sẽ lại guồng chân hết tốc lực để kịp giờ làm việc… Chợ rồi sẽ mở hết trở lại, hàng quán rồi sẽ đón khách tại chỗ, tiệm cắt tóc phải cạnh tranh quyết liệt thay vì sắp hàng chờ tới lượt như hiện nay…

Nhưng mỗi chúng ta, không ai có thể nào quên giai đoạn lịch sử này. Và mỗi người, chắc chắn, sẽ trân trọng và yêu cuộc sống này hơn.

NGUYÊN NGA – THANH XUÂN

TNO