28/12/2024

Chiến lược làm chủ nguồn vắc xin Covid-19 của Việt Nam

Chiến lược làm chủ nguồn vắc xin Covid-19 của Việt Nam

Để giảm sự phụ thuộc vào vắc xin nhập khẩu, chủ động nguồn vắc xin trong nước, thậm chí cung cấp cho các nước khác, Việt Nam đang nỗ lực triển khai vắc xin nội địa cũng như nhanh chóng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ nước ngoài…

 

Hành trình thần tốc của vắc xin Việt Nam

Đầu năm 2020, các quốc gia châu Âu, châu Mỹ quay cuồng trong cơn đại dịch Covid-19. Một số hãng dược phẩm lớn trên thế giới tuyên bố chính thức bắt tay vào phát triển vắc xin phòng Covid-19. Xác định được tầm quan trọng của việc nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long (khi đó giữ chức quyền Bộ trưởng) nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc xin phòng Covid-19 trong nước là hết sức quan trọng. Việt Nam hiện đang kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên, cách ly xã hội hay giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế số ca lây nhiễm mới và ngăn chặn sự phát triển, bùng phát của đại dịch. Còn nhiều điều về vi rút SARS-CoV-2 mà chúng ta vẫn cần tiếp tục tìm hiểu nhưng có thể khẳng định giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này là vắc xin”.

Thống nhất chủ trương, từ tháng 2.2020, Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đã bắt tay tìm hiểu nghiên cứu thuốc và vắc xin ngừa vi rút SARS-CoV-2 (vắc xin Nano Covax), sau đó được Chính phủ chọn là một trong 4 doanh nghiệp nghiên cứu vắc xin ngừa dịch Covid-19 cùng với Công ty TNHH MTV Vắc xin & sinh phẩm y tế (Vabiotech), Viện Vắc xin & sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) và Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin & sinh phẩm y tế (POLYVAC). Chỉ trong khoảng nửa năm, tháng 7 và tháng 8.2020, đã có 2 đơn vị gửi mẫu thử vắc xin trên động vật đi đánh giá ở nước ngoài.

Chiến lược làm chủ nguồn vắc xin Covid-19 của Việt Nam - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên tinh thần các nhà khoa học đang làm việc tại VABIOTECH NHẬT BẮC

Đến giữa tháng 12.2020, sau nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm hàng loạt trên con vật thành công, Bộ Y tế chính thức bấm nút cho phép thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 do Nanogen sản xuất trên người giai đoạn 1. Với những thành công bước đầu, Nano Covax được chuyển sang giai đoạn 2 thử nghiệm trên người và đầu tháng 6 chuyển sang giai đoạn 3. Đầu tháng 9, nhà sản xuất đã đệ trình hồ sơ, đề nghị Bộ Y tế phê duyệt vắc xin Nano Covax theo hình thức “tình trạng khẩn cấp trong đại dịch”. Cùng với đó, vắc xin Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu cũng bước sang giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng từ 10.8 khi được Bộ Y tế chính thức cho phép.

Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là tiến độ “thần tốc” vì thông thường, để phát triển một loại vắc xin cần trung bình từ 5 – 10 năm. Gần 2 năm để nghiên cứu, sản xuất ra vắc xin chống lại loại vi rút lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới đã xác lập một kỷ lục mới về tiến độ nghiên cứu vắc xin tại Việt Nam. Chưa kể, vắc xin Nano Covax được phát triển bằng công nghệ tái tổ hợp protein, một công nghệ khá mới so với mặt bằng sản xuất vắc xin trong nước. Trên thế giới, tính đến thời điểm Nano Covax được phép thử nghiệm lên người, cũng mới chỉ có 11 loại vắc xin Covid-19 đang được thử nghiệm giai đoạn 3.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng – Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng có 3 yếu tố giúp Việt Nam có được chiến lược vắc xin thần tốc. Thứ nhất, Việt Nam là nước có kinh nghiệm sản xuất vắc xin. Chúng ta có những đơn vị có nhiều tiềm năng, có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin, bên cạnh những công ty có tiềm năng về công nghệ sinh học. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đã sản xuất được hàng chục loại vắc xin cho người như lao, sởi, bạch hầu, uốn ván, viêm não Nhật Bản… Vì thế, chúng ta có nền tảng vững chắc để phát triển vắc xin Covid-19.

Thứ hai, nhờ vào sự quan tâm của lãnh đạo ngành y tế nói riêng và của Chính phủ Việt Nam nói chung. Lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các vắc xin dự phòng và kiểm soát các bệnh nguy hiểm ở nước ta đã được Chính phủ, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Y tế quan tâm đầu tư từ sớm. Dù trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nhưng đã từ lâu, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở đã được thực hiện nhằm nghiên cứu hoặc tiếp thu chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vắc xin thiết yếu và các loại sinh phẩm quan trọng phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Khi đại dịch bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo Bộ Y tế đã sớm chủ động gặp gỡ, động viên các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19, tạo điều kiện để vắc xin Việt sớm ra đời.

Sự ủng hộ của người Việt trông chờ vắc xin Việt chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng thành công của vắc xin Covid-19 “made in VN”

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng – Đại học Y Dược TP.HCM

“Thứ ba là nhờ sự ủng hộ của người dân. Số lượng đông đảo những người tình nguyện tham gia đăng ký thử nghiệm vắc xin không chỉ giúp các đơn vị nghiên cứu có đối tượng thử nghiệm, nhanh chóng hoàn thành các giai đoạn mà còn là nguồn động viên, khích lệ để họ phát triển mạnh mẽ hơn, tiến bộ hơn. Sự ủng hộ của người Việt trông chờ vắc xin Việt chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng thành công của vắc xin Covid-19 “made in Việt Nam” – ông Dũng nói.

Tiến tới tự chủ vắc xin

Sản xuất vắc xin là ngành rất tốn kém và rủi ro cao. Ngay cả đối với những doanh nghiệp dược phẩm, có sẵn nhiều hạ tầng chuyên dụng cũng gặp rất nhiều áp lực khi quyết định nghiên cứu 1 loại vắc xin mới. Ông Hồ Nhân – Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, đã từng thừa nhận quyết định làm dự án nghiên cứu Nano Covax gặp rất nhiều áp lực. “Công ty đang làm ăn bình thường, đùng một cái, bỏ hàng trăm tỉ đồng để mở rộng hàng loạt nhà máy, mua trữ số lượng lớn chai, lọ, kim tiêm… rồi phải tập trung toàn bộ nguồn lực để làm vắc xin, chưa biết bán được hay không, nhưng phải sản xuất dự trữ từng lô nhỏ, mỗi loại vài ngàn sản phẩm để thử… Rủi ro rất lớn”.

Chiến lược làm chủ nguồn vắc xin Covid-19 của Việt Nam - ảnh 2
Tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn 2 tại Học viện Quân y  GIA HÂN

Thế nhưng bất chấp tất cả những rủi ro đó, bất chấp nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh kéo dài, Tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam Vingroup như thường thấy, lại tiên phong tham gia chiến lược vắc xin Việt Nam với mục tiêu “tạo bước tiến quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước tự chủ về vắc xin phòng Covid-19, kéo giá vắc xin rẻ hơn so với sản phẩm cùng phân khúc đang được chào bán trên thị trường” – theo lời chia sẻ của bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch tập đoàn.

Cụ thể, đầu tháng 8.2021, Tập đoàn Vingroup tuyên bố đã ký kết với Công ty cổ phần công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19. Arcturus Therapeutics là đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin phòng Covid-19 theo công nghệ mRNA – một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Theo thỏa thuận, Công ty CP công nghệ sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vắc xin phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154 có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil)… Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền sản xuất vắc xin VBC-COV19-154 tại Việt Nam cho VinBioCare. Đồng thời, tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: bí quyết công nghệ; đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus. Ngoài ra, VinBioCare cũng được Arcturus cấp quyền sản xuất tất cả vắc xin phòng Covid-19 khác của hãng như ARCT-021 (1 mũi) và các vắc xin trong tương lai để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Ngay lập tức, VinBioCare hợp tác với đơn vị tư vấn Rieckermann (Đức) – một trong những đơn vị tư vấn lớn và uy tín nhất thế giới trong cung cấp giải pháp lĩnh vực dược – để gấp rút triển khai công tác thiết kế thi công nhà máy sản xuất có diện tích 8.807m2 theo tiêu chuẩn cGMP và GMP – WHO. Nhà máy sản xuất vắc xin của VinBioCare sẽ đặt tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại KCN Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD; công suất 200 triệu liều mỗi năm. Dự kiến, những lô vắc xin đầu tiên sẽ được Vingroup xuất xưởng vào đầu năm 2022.

Đặc biệt, VinBioCare tuyên bố sẽ cung cấp vắc xin phòng Covid -19 cho Việt Nam với giá chỉ có chi phí, không tính khấu hao đầu tư ban đầu trong suốt thời gian chống dịch. Đây là thông tin rất đáng mong đợi, bởi thực tế, các nhà sản xuất vắc xin mRNA trên thế giới đã bắt đầu tăng giá nhờ độc quyền. Tuyên bố mới nhất của Liên minh Vắc xin chỉ ra rằng, đến nay Pfizer và Moderna đã bán hơn 90% số vắc xin của họ cho các quốc gia giàu có với giá cao gấp 24 lần chi phí sản xuất ước tính bất chấp sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp mắc và tử vong do Covid-19 trên khắp các nước đang phát triển. Điều đáng nói là cả 2 hãng dược phẩm đều không đồng ý chuyển giao đầy đủ công nghệ vắc xin mRNA với bất kỳ nhà sản xuất có năng lực nào ở các nước đang phát triển.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng đánh giá hành động của Vingroup nói riêng cũng như việc các tập đoàn kinh tế lớn liên doanh liên kết sản xuất vắc xin là điều đáng khuyến khích, tự hào. Về mặt kinh tế, khi nguồn cung bị khan hiếm thì giá cả sẽ tăng. Ngược lại, nếu nguồn cung đa dạng thì giá thành sẽ giảm. Việc có thêm loại vắc xin cũng sẽ tác động khiến cho loại vắc xin đứng thứ 1 phải hạ giá thành.

Đưa vắc xin “made in Việt Nam” ra quốc tế

Mới đây, Bộ KH-CN đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030”. Hiện dự thảo chương trình đang được đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó chú trọng việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để sản xuất vắc xin có chất lượng cao phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vắc xin khác, từng bước đưa vắc xin của Việt Nam tham gia thị trường quốc tế.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, khẳng định việc quan tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin nội địa là chiến lược rất đúng đắn của Chính phủ và ngành y tế Việt Nam. Với vắc xin Covid-19, hiện tất cả các quốc gia trên thế giới đều thiếu. Việc sản xuất vắc xin trong nước là vô cùng cần thiết, đảm bảo cho người dân tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất nguồn vắc xin bởi hiện nay, mục tiêu không chỉ tiêm 2 liều vắc xin Covid-19 mà các nước trên thế giới mong muốn tiêm nhiều hơn những liều sau đó. Sản xuất được vắc xin nội là cơ hội để đảm bảo nguồn vắc xin đủ, đảm bảo tính an ninh, là cách tốt nhất để phòng bệnh một cách bền vững. Muốn chủ động kiểm soát dịch thì bắt buộc phải chủ động nguồn vắc xin.

“Hiện nay, các cơ sở sản xuất vắc xin Covid-19 của Việt Nam đều rất có tiềm năng. Đáng hy vọng nhất là Nano Covax đã thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3. Tiềm năng đáng tin cậy, cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn sẽ đẩy mạnh hơn tiềm năng, tạo cơ hội cho Việt Nam ghi nhận thêm nhiều bước phát triển thành công và ấn tượng hơn trong công cuộc nghiên cứu vắc xin tương lai”. PGS-TS Trần Đắc Phu nhìn nhận.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng khẳng định Việt Nam có tiềm năng để xây dựng thương hiệu vắc xin trong khu vực cũng như trên thế giới, có thể đáp ứng được nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh nói chung, đặc biệt là đối với dịch Covid-19 cho người dân. Theo ông, trong tương lai, nếu muốn trở thành “hub” vắc xin trong khu vực, Việt Nam phải cạnh tranh với rất nhiều công ty đa quốc gia. Họ có nhiều nền tảng về khoa học công nghệ mạnh mẽ, đã đi trước nên có tiềm năng công nghệ, kinh tế. Tuy vậy, có rất nhiều quốc gia đã định hướng đẩy mạnh nghiên cứu vắc xin nhưng trong quá trình phát triển không thành công hoặc đôi khi không thấy tiềm năng về thương mại nên họ dừng lại. Việt Nam thì khác, chúng ta có sự kiên quyết vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam. PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói: “Một vắc xin trong nước vô cùng đáng quý. Nếu chúng ta không làm thì sẽ chỉ có thể phụ thuộc, không có cơ hội để tìm kiếm loại vắc xin tốt hơn. Từ cơ hội này, trên cơ sở này, đến một ngày Việt Nam sẽ có loại vắc xin tốt hàng đầu thế giới”.

3 mục tiêu quan trọng

Chương trình “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030” gồm 3 mục tiêu. Cụ thể, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để sản xuất vắc xin sử dụng cho người; nâng cao trình độ, năng lực, khả năng sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát sinh của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Đồng thời, phấn đấu bảo đảm 100% vắc xin trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vắc xin khác. Đến năm 2025, Việt Nam kỳ vọng sẽ làm chủ được công nghệ 25 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 15 loại vắc xin; đến năm 2030, làm chủ được công nghệ 30 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 20 loại vắc xin.

 

HÀ MAI

TNO