26/12/2024

Tỉnh chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các chốt mỗi nơi làm một kiểu

Tỉnh chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các chốt mỗi nơi làm một kiểu

Ông Nguyễn Phúc Thịnh – tổng giám đốc Công ty nông nghiệp Trường Hải An Giang – nói như vậy tại hội nghị trực tuyến về việc lấy ý kiến dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế và đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch.

 

Tỉnh chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các chốt mỗi nơi làm một kiểu - Ảnh 1.

Trạm T2 – cửa ngõ vào An Giang bị phản ứng gay gắt khi phải test 100% tài xế vào tỉnh, làm kẹt xe kéo dài thời gian qua – Ảnh: BỬU ĐẤU

Dù ông Thịnh đi từ TP.HCM xuống dự họp theo thư mời của UBND tỉnh An Giang nhưng khi đi ngang chốt T2 phải xuất trình giấy tờ nhiều lần.

“Đơn vị tôi thuê xe chở heo đi bán ngoài tỉnh chỉ có 350.000 đồng/tấn nhưng khi qua chốt T2 phải tốn thêm 800.000 đồng gồm chi phí test và lưu xe. Hiện nay các thương lái ngoài tỉnh gần như ngán ngẩm khi xuống An Giang mua hàng. Vì vậy, tôi chỉ bán heo được trong tỉnh mà không thể di chuyển ra ngoài được. Trạm T2 xe tải đang đậu ùn ứ rất nhiều”, ông Thịnh nói.

Còn ông Doãn Tới – chủ tịch Tập đoàn Nam Việt – cho rằng đơn vị còn trên 20.000 tấn hàng cần giao cho các đối tác nước ngoài. Công nhân đã cơ bản tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nhưng chưa được hoạt động. Trước việc công nhân về hàng chục ngàn người, Nam Việt quyết định thu nhận 2.000 lao động vào làm việc với mức lương từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Ông đề nghị các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này để thu nhận hết các công nhân hiện nay.

Tỉnh chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các chốt mỗi nơi làm một kiểu - Ảnh 2.

Tập đoàn Nam Việt khẳng định sẽ nhận 2.000 người lao động về quê vào làm việc – Ảnh: BỬU ĐẤU

“Bây giờ chúng tôi muốn biết là tiêm 2 mũi hay 1 mũi vắc xin được đi như thế nào, Chính phủ và các tỉnh cần quy định rõ để doanh nghiệp “hồi sinh”. Chúng ta phục hồi sớm 1 ngày là cứu được nhiều doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động”, ông Tới nói.

Đối với kế hoạch phục hồi sản xuất, UBND tỉnh An Giang yêu cầu doanh nghiệp hoạt động trong tình hình giãn cách xã hội phải thực hiện các mô hình tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “3 tại chỗ theo kíp”, “một cung đường hai điểm đến” hoặc phương án “một cung đường hai điểm đến” mở rộng hay phương án “4 xanh”, gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh…

Doanh nghiệp được phục hồi hoạt động sản xuất với quy mô tối đa không quá 30%. Sau 15 ngày kể từ ngày hoạt động trở lại và không có trường hợp người lao động bị F0 thì quy mô sản xuất được tăng lên.

Tỉnh chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các chốt mỗi nơi làm một kiểu - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Sở Giao thông vận tải và các ngành chức năng không test tài xế khi có đủ liều vắc xin và giấy âm tính còn hiệu lực – Ảnh: BỬU ĐẤU

Ông Nguyễn Thanh Bình – chủ tịch UBND tỉnh An Giang – yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất và có sự cam kết trong phòng chống dịch để chính quyền kiểm tra, giám sát.

“Chúng ta không thể nói “zero COVID-19″ mà phải chuyển trạng thái từ chống dịch sang quản lý dịch để phục hồi sản xuất. Đề nghị Sở Giao thông vận tải nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi, tài xế nào đã tiêm 2 mũi và giấy test âm tính còn thời gian quy định phải cho họ qua, tránh ùn ứ xe tại các chốt, trừ trường hợp nghi ngờ mới test lại”, ông Bình chỉ đạo.

BỬU ĐẤU
TTO