26/12/2024

Đã cho bay còn bắt cách ly: Quá nhiều rào cản

Đã cho bay còn bắt cách ly: Quá nhiều rào cản

Để được bay hiện nay, hành khách phải đáp ứng quy định rất chặt chẽ như tiêm đủ 2 mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, song nhiều phương vẫn yêu cầu cách ly tập trung 7 ngày, sau đó lại cách ly tại nhà.

 

Theo TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), ngành hàng không và các tỉnh, thành phố có sân bay, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, đều là các trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ của cả nước, có tỷ lệ người được tiêm vắc xin rất cao, cần đi đầu trong việc chuyển trạng thái phòng chống dịch.

* Ông đánh giá thế nào về việc trong ngày đầu mở cửa bầu trời với 19 đường bay nội địa nhưng các hãng hàng không chỉ khai thác được 6 đường bay?

– Ông Bùi Doãn Nề: Con số này hoàn toàn trái ngược với nhu cầu và mong muốn của khách hàng và các hãng hàng không. Nhu cầu rất lớn, các hãng đã sẵn sàng nhưng một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng tiếp tục đưa ra các rào cản ngăn trở khách, tạo nút thắt trong việc đi lại bằng đường hàng không.

Đã cho bay còn bắt cách ly: Quá nhiều rào cản - ảnh 1
Hành khách thực hiện test nhanh tại sân bay Nội Bài  ĐẬU TIẾN ĐẠT

Để mở bay thương mại chở khách định kỳ, Bộ GTVT, Bộ Y tế và các địa phương đã họp bàn góp ý nhiều lần xây dựng Quy định thạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách định kỳ. Trong giai đoạn ngắn ban đầu mở bay, Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ GTVT đã đưa ra yêu cầu rất cao khi yêu cầu khách bay phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính và phải cách ly tại nhà tại nơi đến. Thế nhưng, các tỉnh, thành phố nói trên vẫn yêu cầu các ly tập trung 7 ngày, sau đó là cách ly tại nhà, mọi chi phí cách ly khách phải tự chi trả khiến nhiều khách không bay nữa.

Hôm qua, một số hãng đã phải hủy chuyến vì không có khách. Có những chuyến đã bay chỉ với 10, 20 khách… Như vậy, vừa gây lãng phí cho hãng, vừa làm tăng chi phí quá cao cho khách bay và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ.

* Cục Hàng không đã đề nghị Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định cách ly tập trung. VABA có ý kiến gì về điều này hay không?

– Chúng tôi đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, trong đó đã nêu rõ việc mở bay căn cứ vào chiến lược phòng chống Covid mới khi Chính phủ công bố chuyển sang trạng thái ‘thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Ngành hàng không Việt Nam sẽ tiên phong chuyển sang trạng thái mới, sẽ thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách, quy định mới về phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ.

Nếu tiếp tục giãn cách xã hội quy mô lớn, kéo dài và cát cứ như vừa qua sẽ gây thiệt hại ngày càng trầm trọng hơn trên nhiều lĩnh vực. Chúng tôi rất mừng là trước những ách tắc trong ngày đầu mở bay chở khách, chiều qua, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Y tế, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp tự đặt ra các quy định, các yêu cầu trái với chỉ đạo, hướng dẫn.

Hiệp hội cũng kỳ vọng sau đợt thí điểm cách ly này, từ 21.10, khách âm tính (kể cả chưa tiêm vắc xin) sẽ được bay và không phải cách ly dưới bất kỳ hình thức nào. Ngành vận tải nói chung, hàng không nói riêng sẽ được hoạt động bình thường theo chủ trương của Chính phủ.

* Một số ý kiến lo ngại việc không cách ly sẽ dễ bỏ lọt F0. Cơ sở nào mà VABA đề nghị không cần cách ly khách bay?

– Trong văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, chúng tôi đã nêu rõ: nền tảng phòng vệ Covid của ngành hàng không và các địa phương bùng phát có dịch trong thời gian qua khá tốt. Các tỉnh, thành đều có tỷ lệ được tiêm vắc xin rất cao. Còn với ngành hàng không thì toàn bộ tiếp viên, phi công, nhân viên hàng không tham gia quá trình bay đều đã tiêm đủ 2 mũi.

Phương thức quản lý, vận hành của hàng không đòi hỏi tính an toàn rất cao với công nghệ tân tiến của thời đại. Ngành hàng không đã có nhiều kinh nghiệm bay giải cứu công dân khỏi các tâm dịch, có kinh nghiệm phòng, chống Covid. Tàu bay là phương tiện vận chuyển được đánh giá thuộc loại an toàn nhất trong các loại hình vận tải công cộng. Môi trường trên tàu bay được đánh giá gần đạt độ vô trùng. Ngành hàng không nhận thức rất rõ yêu cầu đi lại là: Không mang F0 từ tỉnh này đến tỉnh khác.

Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là xét nghiệm chứ không phải vắc xin. Do đó, các hãng hàng không đã và đang phối hợp với bệnh viện chuẩn bị phương án test nhanh covid đối với tất cả các khách chiều đi tại cảng hàng không trước khi lên tàu bay (kể cả khách đã có kết quả âm tính trong 3 ngày gần nhất trước khi đến cảng hàng không). Vì sao vậy? Vì có thể sau khi xét nghiệm khách vẫn đi lại, vô tình tiếp xúc với F0, F1 mà không biết và tính năng truy vết trên ứng dụng chưa được bật.

Để bịt lỗ hổng này, trước khi lên tàu bay khách cần test nhanh, chỉ vài phút với chi phí thấp và bật chế độ truy vết trên ứng dụng. Lên máy bay rồi thì tất cả đều đã âm tính và không ai phải lo lắng về nguy cơ đến từ khách dọc đường. Làm tốt xét nghiệm như vậy thì điều kiện về tiêm vắc xin mới được đi tàu bay là không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn.

Thực tế tuy chưa bắt buộc nhưng có hãng bay như Vietjet chẳng hạn, đã tiên phong test nhanh covid cho tất cả khách trước khi lên tàu bay. Hãng này đang xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ khách bay từ TPHCM (trước khi lên tàu bay) đi các tỉnh, thành trong nước.

Phương pháp đơn giản, hiệu quả nhất, tập trung ở 3 khâu then chốt: Công nghệ + Xét nghiệm + vắc xin và thuốc điều trị. Với công nghệ, theo tôi, giai đoạn này cần đặc biệt ưu tiên tính năng truy vết của ứng dụng. Đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và khách bay nào cũng có thể làm tốt được điều này.

Mỗi khách bay cũng đều bắt buộc phải khai báo y tế, trong đó có số điện thoại, địa chỉ nhà riêng. Ngành hàng không sẵn sàng phối hợp cung cấp danh sách và thông tin y tế của từng khách bay cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh nơi đến, thậm chí đến từng UBND cấp xã để phối hợp quản lý, giám sát và phản ứng nhanh nếu có phát sinh người cần quản lý, cách ly.

Hàng không là động lực phát triển kinh tế đất nước. Các hãng hàng không bay bình thường trở lại sẽ có vai trò, ý nghĩa rất to lớn trong việc phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục… của các địa phương có cảng hàng không và với đất nước.

Các tỉnh, thành phố có sân bay, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, đều là các trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ của cả nước cho nên, cần đi đầu trong việc chuyển trạng thái phòng chống dịch và ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa và tăng hiệu quả phòng chống dịch, phục hồi sản xuất, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng là trách nhiệm của ngành hàng không và các tỉnh, thành đối với nhân dân, với đất nước.

MINH ANH

TNO