24/12/2024

Shipper vẫn phải xét nghiệm 1-3 ngày/lần, hãng xe lại oằn mình lo gánh phí

Shipper vẫn phải xét nghiệm 1-3 ngày/lần, hãng xe lại oằn mình lo gánh phí

Sở Công thương TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn xét nghiệm định kỳ đối với lực lượng shipper công nghệ. 

 

Xét nghiệm nhanh 1 – 3 ngày/lần

Theo hướng dẫn của Sở Công thương TP.HCM, doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao nhận hàng hóa (doanh nghiệp shipper) xem xét việc tiếp nhận người tham gia cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa (shipper) thông qua ứng dụng của doanh nghiệp mình.

Lực lượng shipper được phép hoạt động phải đảm bảo đáp ứng một trong các điều kiện: Là người nhiễm SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly, trong vòng 180 ngày tính từ khi khỏi bệnh có giấy xác nhận; Đã tiêm vắc xin đủ liều; Đã tiêm ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau khi tiêm.

Đặc điểm nhận diện đối với shipper sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Công văn số 2491 ngày 26.7 của UBND TP về tăng cường quản lý hoạt động xe mô tô ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chi thị số 16.

Đáng chú ý, đội ngũ shipper vẫn phải thực hiện xét nghiệm theo hình thức test nhanh kháng nguyên từ 1 – 3 ngày/lần, tùy theo đặc điểm dịch tễ khu vực.

Trong quá trình giao nhận hàng hóa, shipper phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K: Khẩu trang – Khoảng cách – Khai báo y tế – Khử khuẩn – Không tụ tập đông người. Khách hàng được khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp sử dụng tiền mặt, yêu cầu shipper giữ khoảng cách tối thiếu 2 mét với người khác; Thực hiện phương châm “Giao hàng không tiếp xúc”. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm xây dựng quy trình, hướng dẫn và kiểm tra, xử lý vi phạm đối với shipper về nội dung này.

Shipper vẫn phải xét nghiệm 1-3 ngày/lần, hãng xe lại oằn mình lo gánh phí - ảnh 1
Trong quá trình giao nhận hàng hóa, shipper phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K ĐỘC LẬP

Đề xuất giãn thời gian xét nghiệm cho shipper

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện ứng dụng gọi xe Grab cho biết từ 1.10, TP.HCM đã chấm dứt phát bộ kit test miễn phí cho tài xế. Tính đến hết ngày 4.10, Grab đã tổ chức phân bổ gần 27.500 bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên miễn phí cho các đối tác tài xế Grab tại TP.HCM.

Bắt đầu từ ngày 5.10, ứng dụng gọi xe này triển khai chương trình tặng bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 cho đối tác tài xế 2 bánh đang hoạt động tích cực tại TP.HCM. Khi đạt đủ tổng số chuyến xe trong tuần theo điều kiện của chương trình, đối tác sẽ được tặng 1 bộ xét nghiệm nhanh để chủ động thực hiện việc tự xét nghiệm theo mẫu đơn tại nhà.

Trường hợp các tài xế không đáp ứng đủ điều kiện để nhận bộ kit test miễn phí thì có thể đăng ký tham gia các chương trình thưởng khác để tăng thu nhập, bù chi phí xét nghiệm. Trường hợp còn lại, tài xế tự chịu chi phí test theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, ứng dụng Gojek vẫn tiếp tục duy trì cung cấp miễn phí bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho shipper, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia cung cấp dịch vụ, đáp ứng đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân thành phố. Tuy vậy, với khoảng 13.000 shipper đang hoạt động hiện nay và có thể chuẩn bị tăng lên trong giai đoạn tới, chi phí xét nghiệm sẽ trở thành gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp.

Đại diện Gojek nhận định trong bối cảnh các biện pháp giãn cách tăng cường tại TP.HCM đã được nới lỏng, người dân nếu đã tiêm chủng hoặc là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng có thể ra đường mà không cần kết quả xét nghiệm hoặc các loại giấy đi đường, yêu cầu xét nghiệm nhanh với tần suất liên tục đối với các shipper có thể không còn phù hợp với thực tiễn chống dịch. Điều này làm hạn chế hiệu quả của chuỗi cung ứng thành phố và có thể gây lãng phí xã hội. Tất cả các tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, một số tài xế đã tiêm đủ 2 mũi. Quy định yêu cầu xét nghiệm nhanh này cũng tạo áp lực cao về chi phí cho các shipper, hoặc các doanh nghiệp có quy mô shipper lớn đang trang trải chi phí xét nghiệm cho các đối tác tài xế.

“Vì vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng cân nhắc việc ban hành quy chuẩn áp dụng các biện pháp phòng chống, dịch trên địa bàn TP.HCM trong tình hình mới, dựa theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về xét nghiệm nhanh tại các vùng nguy cơ, đặc biệt là đối với đối tượng shipper cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa. Theo đó, giãn tần suất xét nghiệm nhanh Covid-19 dựa trên cơ sở thực tiễn, các yếu tố dịch tễ và độ phủ của vắc xin” – phía Gojek kiến nghị.

Ngày 2.10, Sở Công thương đã ban hành công văn số 4357 về hướng dẫn hoạt động giao nhận hàng hóa có sử dụng công nghệ kết nối với khách hàng (shipper công nghệ). Theo đó, Sở Công thương đề nghị doanh nghiệp shipper phải báo cáo kết quả hoạt động hằng ngày gửi về Sở. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình, Sở Công thương nhận thấy một số doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ và kịp thời. Vì vậy, Sở Công thương đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo trước 10 giờ hằng ngày đối với kết quả hoạt động của ngày hôm trước.

Trường hợp doanh nghiệp không báo cáo 2 ngày liên tục, Sở Công thương sẽ ngừng hiển thị thông tin shipper của doanh nghiệp trên mục “Tra cứu nhân viên giao hàng (shipper)”. Đồng thời, chuyển thông tin đến Công an Thành phố để kiểm tra, xử lý hoạt động của các shipper khi lưu thông trên đường.

HÀ MAI

TNO