Chúa Nhật XXVII TN B 2021 – Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi: Phép lạ của lòng Chúa thương xót

Hôm nay Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi vì trong lịch sử Mẹ đã cứu đồng bào chúng ta nhiều lần ở La Vang, Trà Kiệu và nhiều nơi trên đất nước. Hôm nay cũng là ngày Chúa Nhật đầu tiên chúng ta được dự lễ chung với nhau sau 4 tháng giãn cách xã hội với bao nguy hiểm của dịch bệnh, để chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa và cảm ơn Người Mẹ Thánh của mình.

Chúa Nhật XXVII TN B 2021 – Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi

Phép lạ của lòng Chúa thương xót

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi vì trong lịch sử Mẹ đã cứu đồng bào chúng ta nhiều lần ở La Vang, Trà Kiệu và nhiều nơi trên đất nước. Hôm nay cũng là ngày Chúa Nhật đầu tiên chúng ta được dự lễ chung với nhau sau 4 tháng giãn cách xã hội với bao nguy hiểm của dịch bệnh, để chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa và cảm ơn Người Mẹ Thánh của mình.

Chúng ta muốn nhân dịp này để cùng ôn lại những phép lạ của tình yêu và lòng thương xót của Chúa và Mẹ.

1. Thử thách trong đời sống

Đời sống ở trần thế này là một cuộc lữ hành đầy cam go và thử thách cho tất cả những ai muốn theo Đức Giêsu là con đường dẫn đến sự thật toàn diện và sự sống vĩnh hằng. Trên con đường đó, chúng ta cần phải mang thập giá để bước đi với Chúa Giêsu cũng như để cứu độ chính mình và thế giới. Do đó, chúng ta phải dám từ bỏ chính mình, từ bỏ những sự dễ dãi và thú vui do thế gian mang lại. Nhờ đó ta có thể đón nhận tất cả những đau khổ, tật bệnh, nhục nhã, thất bại và cả cái chết ở cuối con đường thánh giá này, rồi mới cảm nghiệm được niềm vui và vinh quang với Đấng Phục Sinh.

Phép lạ mà Giáo hội Công giáo cảm nhận được ngày 7/10/1971 khi chiến thắng kẻ thù ở vịnh Lepanto, nhờ sự can thiệp kỳ diệu của Mẹ Mân Côi, như muốn nhắc nhở chúng ta điều đó. Dân chúng thời đó đã phải chịu đựng trong cuộc xâm lăng của những người Hồi giáo: đói khát, sợ hãi, bất an và chết chóc giống như chúng ta đang trải qua cơn dịch bệnh Covid-19 tại Sài Gòn và miền Nam này trong những tháng qua. Hàng trăm ngàn người bị nhiễm bệnh, hàng chục ngàn người đã chết tức tửi, cô đơn, trần trụi; hàng triệu người đói khổ vì không có công ăn việc làm, vì giãn cách xã hội, dù có tiền cũng không mua được đồ ăn. Đó là cơn thử thách khủng khiếp mà nhiều gia đình, nhiều cá nhân sẽ không bao giờ quên được.

2. Phép lạ của tình yêu và lòng thương xót

Chính trong cơn thử thách ấy, Mẹ Maria Mân Côi đã xuất hiện để cứu chúng ta, như từng cứu nhân loại trong suốt dòng lịch sử. Mẹ đã mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần để Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Lc 1,36-38). Cuộc giáng sinh của Người không phải chỉ có quà tặng, ca hát vui vẻ như ta tưởng lầm về mùa Giáng Sinh, mà thật ra đã mang lại cho Mẹ biết bao thử thách gian nan, khổ cực, nhục nhã cho đến khi Mẹ đứng dưới chân thập giá để đón nhận chúng ta là con cái của mình.

Rồi Mẹ dạy chúng ta cầu nguyện cùng Hội Thánh để chuẩn bị tiếp nhận Chúa Thánh Thần trước khi được sai đi loan báo Tin Mừng cho khắp thế giới (x. Cv 1,12-14). Tất cả những mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu và đời Mẹ được tóm tắt qua các mầu nhiệm Vui – Sáng – Thương – Mừng của kinh Mân Côi. Nhờ lời kinh này Mẹ đã cứu thế giới.

Mẹ cũng đã cứu dân tộc Việt Nam nhiều lần mỗi khi chúng ta gặp thử thách, gian truân nên chúng ta tin tưởng và hy vọng Mẹ sẽ cứu chúng ta trong cơn dịch bệnh này. Quả thật, chúng ta cần phải nhận ra phép lạ của tình yêu và lòng thương xót của Chúa và Mẹ trong cơn dịch bệnh để sống trong niềm vui và bình an, như các tín hữu thời xưa đã tha thiết lần chuỗi Mân Côi giữa những đau khổ, thiếu thốn, thử thách, gian truân.

Nhờ dịch bệnh, chúng ta mới nhận ra con người mình yếu đuối để tin vào sức mạnh cứu thoát của Chúa, chứ không phải vào tiền bạc, thuốc men, danh vọng, kiến thức, khoa học nào. Nhờ dịch bệnh, dân tộc chúng ta mới đoàn kết, yêu thương, chia sẻ cho nhau hơn qua sự trợ giúp của hàng chục ngàn bác sĩ, nhân viên y tế để vào tâm dịch Sài Gòn, hàng trăm ngàn tấn lương thực, nông sản tặng không cho người đói khổ, hàng trăm ngàn tỉ đồng của các ân nhân và nhà hảo tâm chia sớt cho người yếu thế, hàng ngàn linh mục, tu sĩ trở thành hình ảnh sống động của Đức Giêsu giữa những người bệnh tật, đói nghèo.

Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, tất cả những người đã chết trong cơn dịch bệnh vẫn đang ở bên cạnh Mẹ Mân Côi để chuyển cầu cho ta. Còn chúng ta là những người đang sống, chúng ta sẽ yêu thương nhau hơn, sống quảng đại, trong sáng, hào hùng hơn để cùng giúp nhau vượt qua cơn đại dịch này.

Lời kết

Xin Mẹ Maria Mân Côi chuyển cầu cho chúng con. Amen.

HKK