23/01/2025

Mua bán đã “dễ thở” hơn nhiều

Mua bán đã “dễ thở” hơn nhiều

Ngày đầu tiên TP.HCM mở cửa kinh tế 1.10, thực phẩm tươi sống được bán trên nhiều tuyến đường có giá giảm đến bất ngờ. Theo khảo sát, rau củ quả, thịt cá có giá thấp hơn chợ online 3 tháng qua từ 30 – 50%.
Cảnh mua bán nhộn nhịp trong ngày đầu tiên TP.HCM mở cửa kinh tế /// Ng.Nga
Cảnh mua bán nhộn nhịp trong ngày đầu tiên TP.HCM mở cửa kinh tế  NG.NGA

Được đi chợ rồi, mừng quá !

Đó là tâm trạng của rất nhiều người mà chúng tôi gặp ở chợ, siêu thị sáng qua. Bà Thanh Phượng – cán bộ về hưu – nhà ở đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11) xách giỏ đi chợ thật sớm vào sáng 1.10. Gọi là đi chợ, nhưng chỉ vài bước chân, bà đến ngay các con hẻm dẫn vào chợ Tân Phước (Q.Tân Bình) ở bên kia đường. Hàng hóa tươi ngon phong phú từ nhiều loại rau củ đến thịt cá. Khoe cả mớ túi ni lông lỉnh kỉnh trên hai tay, từ đậu khuôn, thịt vai heo, trứng gà, xoài, thơm, đậu cô ve, hành lá và 2 hộp xôi, bà Phượng tỏ vẻ hài lòng: “Tất cả chừng này chưa tới 170.000 đồng đấy. Cách đây 3 ngày, muốn mua chừng này phải trên 250.000 đồng. Cứ thử so sánh vài món là biết ngay. Trứng gà hôm trước mua 35.000 đồng/chục, sáng nay mua 27.000 đồng/chục. Đậu khuôn mua 5.000 đồng/khuôn, sáng nay 4 khuôn chỉ 15.000 đồng. Chưa hết, ngay trái thơm mua 20.000, có hôm 25.000 đồng, nay chỉ 15.000 đồng mà tươi mới cắt ở vườn mang lên”.

Mới có 14 chợ hoạt động lại

Đến nay, toàn TP chỉ có 14 chợ tại H.Cần Giờ và Củ Chi đã hoạt động trở lại, còn chủ yếu là các điểm họp chợ dã chiến, chợ dân sinh mua bán trở lại. Đại diện Sở Công thương cho biết sẽ có lộ trình cho mở lại 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức. Tuy nhiên trước mắt, trong tháng 10, vẫn sẽ duy trì các điểm tập kết – trung chuyển hàng hóa như hiện nay.

Tương tự, các tuyến đường vào chợ Ông Địa (đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình) cũng tấp nập người mua kẻ bán. Nếu so với ngày thường, lượng người mua và bán chỉ khoảng 30%, song hàng hóa được các tiểu thương mang về bán đều tươi ngon và đặc biệt giá cả khá mềm. Thậm chí, nhiều món hàng còn có giá rẻ hơn trước đợt dịch bùng phát lần thứ 4.

7 giờ sáng 1.10, trên đường Trần Văn Hoàng dẫn vào chợ Ông Địa, một cụ già đang mua rau lang và lá chè xanh tại một sạp bên đường cứ xuýt xoa mãi: “3 tháng rồi mới mua được bó rau 10.000 đồng. Hôm bữa thèm rau lang luộc, bảo con mua ăn, nó mua bó nhỏ bằng nửa vậy giá 25.000 đồng”. Đưa tay chỉ nhà ở phía đường lớn ngoài chợ, ông cụ cho biết đã tiêm đủ 2 mũi cách đây 1 tháng rồi, sáng nay ông “giành” con cháu để đi chợ. “Muốn đi ra ngoài chút cho thoáng, không ngờ mua được mấy thứ cho con nấu mà chưa hết 100.000 đồng”, nói đoạn, ông hỉ hả đưa cao khoe bịch thịt heo xay, bịch cá nục, bó rau lang… nói tiếp: “Lần đầu tiên sau 3 tháng mới đi chợ chưa hết 100.000 đồng vẫn đủ nấu cho cả nhà. Giờ về tìm chỗ hớt cái đầu tóc nữa là “ngon cơm”.

Khảo sát dọc các tuyến đường vào chợ dân sinh thuộc Q.Tân Bình cho thấy hàng hải sản, rau củ quả đều trở lại giá “bình thường mới”. Cá thu 180.000 đồng/kg nguyên con, trứng gà ta 25.000 đồng/chục, trứng gà Ba Huân 27.000 – 30.000 đồng/chục, trứng vịt 30.000 đồng/chục; rau dền cơm, rau lang, rau bồ ngót… 10.000 đồng/bó lớn. Đặc biệt, các mặt hàng bún tươi, hủ tíu tươi, bánh phở tươi liên tục trong những ngày giãn cách, người dân mua lẻ giá 30.000 đồng/kg, nay bún tươi bán tại chợ 12.000 đồng/kg, bánh phở và hủ tíu 17.000 đồng/kg. Các mặt hàng thịt heo cũng có giá mềm trở lại, giá thịt cốt lết 130.000 đồng/kg, heo xay 130.000 đồng/kg, thịt đùi heo 140.000 đồng/kg, nạc heo 150.000 đồng/kg, ba rọi 160.000 đồng/kg…

Chợ online cũng hạ nhiệt

Cùng ngày, chợ online có hơn 700 thành viên của một chung cư ở Q.Tân Bình có lời rao “giải cứu cá thu” với số lượng 3 tấn, giá chỉ 140.000 đồng/con từ 3 kg. Cũng trên chợ này, bơ booth từ Đắk Lắk cách đây 2 hôm bán giá

30.000 đồng/kg, sáng 1.10, có người rao giá 20.000 đồng/kg. Tương tự, trứng gà bán trên chợ online này suốt 3 tháng qua “miệt mài” với giá 35.000 – 37.000 đồng/chục, nay còn 100.000 đồng/35 quả trứng gà loại lớn. Tôm càng xanh là một trong các loại hải sản có giá khá “xa xỉ” trong mùa dịch, hàng dập đá tươi toàn bán giá 270.000 – 300.000 đồng/kg, nay còn 200.000 – 250.000 đồng/kg tùy size. Hay các loại ốc mỡ trung từ 150.000 đồng/kg nay về 120.000 đồng/kg, ốc hương từ 380.000 đồng/kg nay 300.000 đồng/kg, nghêu từ 90.000 đồng/kg nay 75.000 đồng/kg…

Phỏng vấn bỏ túi nhóm các bà nội trợ trong một chung cư tại Q.11 thì có tới 80% cho biết “chợ búa đã dễ thở hơn nhiều”, còn lại trả lời do thức ăn còn nên chưa đi nên không rõ. Người mua thở phào, người bán cũng nhẹ lòng. Chị Hiền, bán các mặt hàng rau củ bên đường Trần Văn Hoàng, cho biết sáng sớm nay (1.10), chị chạy xe đi lấy hàng từ khu vực tập kết trên đường Trường Chinh. Hàng này đưa từ chợ đầu mối Bình Điền về, nhiều lắm và giá cả cũng giảm nhiều so với 2 tuần trước nên giá bán ra mềm hơn, bán được nhiều hàng hơn. Chẳng hạn, ngay gói nấm kim châm từ giữa tháng 7 mua sỉ 15.000 đồng/gói, bán lẻ 17.000 đồng/gói. Cuối tháng 8 giá sỉ đã 20.000 đồng, nay chị mua 11.500 đồng/gói, bán lẻ 13.000 đồng/gói. “May là TP mở cửa sớm, nếu không tiểu thương như tụi em khốn khổ. Ở nhà lâu quá hết sạch tiền ăn, phải nhờ cứu trợ. Hết bị cách ly, em tìm cách mua bán online trở lại, nhưng giá cao nên bán không được nhiều. Nay bán được nhiều hơn rồi, mừng lắm”, chị Hiền chia sẻ.

Hàng hóa sẽ ngập chợ trong những ngày tới

Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết để chuẩn bị cho ngày đầu tiên TP mở cửa nền kinh tế, hàng hóa về điểm tập kết – trung chuyển của chợ cũng tăng mạnh. Cụ thể, khuya 30.9, rạng sáng 1.10, có gần 125 tấn hàng hóa đưa về khu vực tập kết chợ. Trong đó, hàng thủy hải sản hơn 110 tấn, còn lại rau củ quả. Hiện tại, Ban Quản lý chợ Bình Điền cho chia 20 ô để thương nhân đưa hàng hóa về. Kế hoạch là đến ngày 20.10 tăng gấp đôi lên 40 ô. Lượng hàng tươi sống mà chợ đầu mối này có thể cung cấp cho thị trường TP.HCM khoảng 300 tấn/ngày. “Do điểm bán lẻ tại các chợ dân sinh đã tăng, tiểu thương lấy hàng nhiều hơn nên trong vài ngày tới, lượng hàng hóa về chợ sẽ tăng, đặc biệt hàng tươi sống. Trong tình hình mới, tinh thần vẫn bảo đảm an toàn nên việc mở rộng số ô tập kết hàng hóa cũng được cân nhắc và công tác phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu. Hàng hóa vẫn tập kết và trung chuyển, chợ chưa cho người ngoài vào mua hàng”, vị này cho hay.

Trong khi đó, các chợ truyền thống bán lẻ trong nội thành vẫn chưa có lịch mở lại chợ dù đã có mặt bằng thoáng. Chợ Tân Định, chợ Bến Thành (Q.1) cho biết mọi chuẩn bị đáp ứng đúng tiêu chí mở chợ đã được tiến hành, chờ chỉ đạo của quận trong vài ngày tới. Chợ thực phẩm ở An Đông, chợ Hòa Bình (Q.5) có kế hoạch ngày 5.10 sẽ mở bán lại. Theo Sở Công thương TP.HCM, các quận huyện và TP.Thủ Đức đang khẩn trương hoàn thành kế hoạch, phương án mở lại ít nhất 220 chợ truyền thống nếu đáp ứng đủ các quy định trong Bộ tiêu chí hoạt động an toàn chợ truyền thống do UBND TP.HCM ban hành.

Ngày 1.10, đồng loạt các siêu thị trên địa bàn TP.HCM cũng đã mở bán trở lại cho khách vào mua lẻ. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hệ thống siêu thị, lượng khách vào mua còn lẻ tẻ nên đơn hàng đa số vẫn tập trung bán online nhiều hơn. Đại diện LotteMart cho biết đã huy động nguồn nhân lực lên 80 – 90% so với ngày thường để phục vụ bán hàng cho người dân từ ngày 1.10. Theo đó, lượng hàng hóa cũng tăng 20 – 30%. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên, khách vào mua vẫn rất thấp, hàng tươi sống theo đơn hàng online tăng, bán trực tiếp không đáng kể. “Hy vọng trong 2 ngày cuối tuần, khách vào siêu thị mua hàng nhiều hơn. Tinh thần là chúng tôi vẫn cho tăng nguồn hàng đưa về để phục vụ người dân sau thời gian dài không đi mua sắm trực tiếp tại siêu thị được”, đại diện LotteMart cho biết.

NGUYÊN NGA

TNO