23/01/2025

Doanh nghiệp mong được tự xét nghiệm

Doanh nghiệp mong được tự xét nghiệm

Mặc dù Bộ Y tế vừa có hướng dẫn cho doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và hợp tác xã được tự xét nghiệm nhưng giới DN vận tải lại không thuộc nhóm được tự xét nghiệm, trong khi đây là nhu cầu rất lớn.

 

Doanh nghiệp mong được tự xét nghiệm - Ảnh 1.

Shipper lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 để đi làm tại TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau hơn 20 ngày Chính phủ ban hành nghị quyết 105 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch, ngày cuối cùng của tháng 9-2021, Bộ Y tế mới có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn về xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Không ít DN vận tải “ngã ngửa” khi không nằm trong nhóm được thực hiện tự xét nghiệm.

Chúng tôi băn khoăn vì Bộ Y tế đã công bố cấp phép hàng chục loại kit xét nghiệm, nhiều DN nhập khẩu, thực hiện đấu thầu rồi thì giá phải giảm nhưng tại sao giá vẫn tăng? Công ty chúng tôi thực hiện xét nghiệm cho hàng nghìn lao động, mỗi lần lên tới cả nửa tỉ đồng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất gỗ tại Bình Dương.

DN choáng với phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Nghĩa – ủy viên thường vụ Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam – cho hay nghị quyết 105 của Chính phủ không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực được tự xét nghiệm nhưng trong hướng dẫn của Bộ Y tế lại chỉ cho nhóm “sản xuất kinh doanh” được thực hiện.

Theo hướng dẫn này, chỉ cho phép lái xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, thành phố nếu đi từ địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 sang khu vực liền kề thì việc xét nghiệm phải do cơ sở y tế thực hiện.

“Nhưng với quy định này chưa biết cụ thể việc xét nghiệm ra sao, vì chỉ đề cập lái xe vận tải hàng hóa cho vùng có nguy cơ cao và vùng đang thực hiện giãn cách xã hội, trong khi các địa phương không áp dụng chỉ thị 16 thì yêu cầu xét nghiệm là thế nào?” – ông Nghĩa nêu câu hỏi.

Theo ông, việc DN vận tải không được tự xét nghiệm và phải làm dịch vụ từ các đơn vị y tế thì sẽ tiếp tục tạo gánh nặng chi phí rất lớn do có khoảng 800.000 lái xe đang tham gia vận chuyển hàng hóa hiện nay, và biện pháp này sẽ tác động vào ngành vận tải, logistics.

Ông Nghĩa dẫn chứng DN của ông, với chi phí hơn 200.000 đồng/lần xét nghiệm mẫu gộp, có giá trị chỉ trong 72 giờ thì chi phí xét nghiệm cho một lái xe vào khoảng 2 triệu đồng/tháng, lớn hơn cả mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên mức lương tối thiểu theo vùng.

Với những DN có hàng trăm xe, chi phí xét nghiệm lên tới hàng trăm triệu đồng và phải chi trả liên tục kể từ khi dịch bệnh diễn ra tới nay.

Theo ông Nghĩa, việc hướng dẫn như vậy của Bộ Y tế là chưa đầy đủ theo đúng tinh thần chỉ đạo trong nghị quyết của Chính phủ.

Theo các DN, chi phí dịch vụ xét nghiệm COVID-19 ở mức cao là do các cơ sở y tế đang “neo” theo mức giá được Bộ Y tế quy định, áp dụng tới ngày 1-7-2021.

Theo phản ánh của một DN sản xuất gỗ tại Bình Dương, đơn vị này đăng ký dịch vụ xét nghiệm y tế với một trung tâm y tế địa phương vào giữa tháng 7, tức là sau mốc ngày 1-7 mà Bộ Y tế nêu, thì đơn giá xét nghiệm vẫn ở mức cao.

Chi phí để xét nghiệm mẫu gộp lên tới 326.000 đồng/người, cao gấp 1,3 lần so với giá quy định là 238.000 đồng, trong khi nếu thực hiện theo quy định đấu thầu như Bộ Y tế nêu thì lẽ ra mức giá xét nghiệm phải giảm.

Công khai đấu thầu tốt hơn “bình ổn giá”

Giá test kit trên thị trường (bán lẻ hoặc bán sỉ) đã giảm liên tục trong thời gian qua do số lượng nhãn hàng được phép nhập khẩu và cạnh tranh nhiều. Riêng trong tháng 9 có thêm 13 loại kit xét nghiệm nhanh tham gia thị trường.

Đã có nhiều ý kiến đề nghị nên tổ chức đấu thầu tập trung hoặc đàm phán giá (như đã làm với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, vật tư phục vụ can thiệp tim mạch, mổ đục thủy tinh thể…).

Tuy nhiên chưa thấy Bộ Y tế có kế hoạch này, mặc dù có manh nha bàn bạc hồi tháng 6 vừa qua.

Trong văn bản trả lời báo chí gần đây, Bộ Y tế cho biết đang đề nghị đưa mặt hàng test kit vào danh mục hàng “bình ổn giá”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Đức Độ – phó viện trưởng Viện kinh tế – tài chính (Học viện Tài chính) – cho rằng với việc Bộ Y tế đã công bố có hàng chục loại kit xét nghiệm trên thị trường, nhiều DN được cấp phép nhập khẩu thì hoàn toàn có thể tạo ra cạnh tranh trên thị trường thay vì tính kiểu “bình ổn giá”.

Cần phải để thị trường cạnh tranh thực sự lành mạnh mới có thể giảm được chi phí xét nghiệm và đảm bảo chất lượng.

“Đồng thời mở rộng diện người dân, DN trong các ngành, lĩnh vực được tự xét nghiệm với quy định rõ ràng, công khai, trên nguyên tắc đảm bảo yêu cầu xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch” – ông Độ nêu quan điểm.

Đồng tình với hướng này, ông Nguyễn Tiến Thỏa – chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam – cho rằng khi dịch vụ xét nghiệm đã thực hiện theo thị trường thì cần để cho thị trường cạnh tranh có kiểm soát chứ không để thả nổi hay “bình ổn giá”.

“Đây là lĩnh vực quản lý thuộc Bộ Y tế, nên bộ phải chịu trách nhiệm, phải kiểm soát. Nếu như các đơn vị lợi dụng tình hình dịch bệnh nâng giá bất hợp lý thì phải xử lý, bởi đây là quy định cấm trong Luật giá khi lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh.

Trường hợp mặt hàng này biến động, chênh lệch giá lớn như vậy thì phải kiểm soát các yếu tố hình thành giá, yêu cầu các cơ sở y tế có mức giá cao phải phân tích rõ tại sao lại có giá như vậy. Việc này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế” – ông Thỏa nhấn mạnh.

NGỌC AN – LAN ANH
TTO