23/12/2024

Thi tốt nghiệp THPT nên còn ‘1 chung’

Thi tốt nghiệp THPT nên còn ‘1 chung’

Mấy năm gần đây, đặc biệt năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Từ đó đặt ra vấn đề liệu có nên giữ kỳ thi tuyển “2 chung” hay tìm phương án mới thay thế?
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP.HCM /// ĐỘC LẬP
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP.HCM  ĐỘC LẬP

“2 chung” bộc lộ nhiều bất cập

Từ những năm 2004, kỳ thi tuyển sinh vào đại học (ĐH) được bắt đầu từ phương án “3 chung”, nghĩa là chung đề thi, chung đợt thi và ngày thi đồng thời sử dụng chung kết quả thi. Đến nay đã điều chỉnh và chỉ giữ lại “2 chung”, tức là các trường ĐH có thể không dùng chung kết quả thi mà xây dựng phương án tuyển sinh riêng. Ưu điểm lớn nhất của các phương án thi tuyển nhiều năm qua là cùng đạt được nhiều mục tiêu khác nhau: xét và công nhận tốt nghiệp, xét tuyển vào ĐH; giảm áp lực tối đa cho học sinh và cộng đồng; tiết kiệm được công sức, tiền của cho cha mẹ học sinh, cho xã hội và cho nhà nước.
Tuy nhiên mấy năm gần đây, đặc biệt năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Xã hội rất lo lắng và mong muốn cấp thiết cần đổi mới tuyển sinh vào ĐH. Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nhận định kỳ tuyển sinh vào ĐH năm nay có quá nhiều chuyện chưa từng gặp, nhiều điểm nghịch lý. Như vậy liệu kỳ thi tuyển “2 chung” có còn phù hợp? Nếu không thì phải tìm phương án mới thay thế.
Thi tốt nghiệp THPT nên còn '1 chung' - ảnh 1

Phụ huynh chờ con thi tốt nghiệp THPT năm 2021  ĐỘC LẬP

Cần tách phần thi và phần tuyển vào đại học

Việc thí sinh đổ xô lựa chọn những ngành học “hot”, hấp dẫn khiến điểm chuẩn ở một số ngành năm nay tăng đột biến. Trong khi đó, nhóm ngành khoa học cơ bản lại rất vất vả tìm nguồn tuyển sinh. Đã 2 tháng nay phần thi đã xong, phần tuyển vẫn dang dở. Vậy đâu là phương án cho thi và tuyển ĐH ở Việt Nam?
Chúng ta cần tách phần thi và phần tuyển vào ĐH thành hai giai đoạn độc lập chứ không nên gắn kết, phụ thuộc nhau như hiện nay. Vì thế chỉ cần giữ lại “1 chung” đó là dùng chung kết quả xét và công nhận tốt nghiệp THPT. Nghĩa là điểm thi tốt nghiệp THPT không nên dùng để tuyển sinh vào ĐH. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao về các địa phương. Việc phân cấp này đúng theo luật Giáo dục. Kết quả thi tốt nghiệp THPT là điều kiện cho những học sinh không thể học lên, đi làm ngay và sớm hòa nhập vào lực lượng lao động chung cả nước. Một số trường ĐH quy mô nhỏ, không đủ điều kiện kỹ thuật và khó tuyển sinh vẫn có thể xét tuyển qua học bạ và dùng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT này.
Bộ GD-ĐT xây dựng trung tâm khảo thí quốc gia nhưng không phải tổ chức trực thuộc Bộ, làm nhiệm vụ tổ chức thi vào ĐH. Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ban hành quy chế, kiểm tra và hậu kiểm quá trình hoạt động của trung tâm này. Có thể thành lập những trung tâm khảo thí vùng, ở trường ĐH, thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm hỗ trợ, nối dài cho trung tâm khảo thí trung ương. Trung tâm khảo thí tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực trong năm, có thể vào mùa xuân và mùa hạ. Bộ GD-ĐT quy định một số trường, một số ngành nghề cụ thể phải dùng chung kết quả điểm thi, coi như một tiêu chí bắt buộc trong đề án tuyển sinh. Từ đó Bộ chủ động điều chỉnh và thực hiện dễ dàng, hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ.
Các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh, nhưng không có nghĩa Bộ GD-ĐT coi nhẹ chức năng quản lý nhà nước của mình. Bộ vẫn cần những hội nghị để thảo luận, cân nhắc đề án tuyển sinh của từng trường, đảm bảo việc hài hòa chỉ tiêu tuyển sinh, các ngành nghề, tỷ lệ tuyển thẳng, điểm ưu tiên, tỷ lệ tuyển qua học bạ và cân bằng các phương thức tuyển dựa trên các tiêu chí hoặc kết quả thi tuyển khác nhau.
Hằng năm học sinh được thi nhiều lần, từ đó lựa chọn trường ĐH phù hợp nộp hồ sơ dự tuyển. Bằng cách này học sinh tự phân loại, tự sàng lọc và tự tin đăng ký dự tuyển. Từ đây sẽ không còn hồ sơ ảo và sức ép thi cử giảm đi đáng kể. Cũng cần lưu ý, phương thức thi nhiều lần, tuyển nhiều đợt đã có ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển, nhất là ở bậc giáo dục ĐH.
ĐẶNG TỰ ÂN
TNO