10/01/2025

Lùm xùm ứng xử thầy trò trong học trực tuyến: Bộ GD-ĐT nói gì?

Lùm xùm ứng xử thầy trò trong học trực tuyến: Bộ GD-ĐT nói gì?

Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ với phóng viên Thanh Niên xung quanh một số vụ việc lùm xùm trong ứng xử giữa giáo viên và người học trực tuyến thời gian qua, đồng thời nêu giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Lùm xùm ứng xử thầy trò trong học trực tuyến: Bộ GD-ĐT nói gì?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến cả giáo viên (GV), học sinh, sinh viên (HS, SV) lẫn phụ huynh, nhất là việc học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường lớp và sự phát triển của trẻ em, HS, SV.

Bất ổn tâm lý khi phải dạy và học trực tuyến

Về phía GV cũng có những khó khăn tương tự. GV phải thay đổi tư duy để thích nghi với cách thức làm việc mới, việc soạn giáo án dạy trực tuyến cũng vất vả hơn, kỹ năng sư phạm trên môi trường mạng với nhiều tình huống mới lạ, bất ngờ cần phải thích ứng mà trước đây họ chưa được đào tạo.

Quy tắc ứng xử giữa giáo viên với học sinh

Theo quy định trong Bộ quy tắc ứng xử trong trường học mà Bộ GD-ĐT đã ban hành từ năm 2019, về ứng xử của GV với người học: “GV phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Đồng thời tích cực phòng chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học”.

Về phía người học, khi ứng xử với cán bộ quản lý, GV, nhân viên, cần: “Kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, chấp hành các yêu cầu theo quy định; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực”.
Lùm xùm ứng xử thầy trò trong học trực tuyến: Bộ GD-ĐT nói gì? - ảnh 1

Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Tuy nhiên, để xảy ra những sự việc đáng tiếc như giảng viên đuổi SV ra khỏi lớp học trực tuyến; GV miệt thị HS, SV với lời lẽ khiếm nhã; SV gây hấn với giảng viên… như báo chí đã phản ánh là những tình huống rất cá biệt xảy ra trong lớp học trực tuyến gần đây. Thứ trưởng Ngô Thị Minh rất mong xã hội đồng cảm, sẻ chia với thầy và trò khi phải dạy học với hình thức mới mẻ này. Đồng thời bà cũng đề nghị các thầy cô giáo trong thời điểm khó khăn này, hãy nêu cao tinh thần, trách nhiệm với nghề.
Thưa bà, việc dạy học trực tuyến năm nay đã chủ động hơn so với năm học trước, vậy Bộ đã có chỉ đạo, hướng dẫn gì về việc bảo đảm môi trường học tập trực tuyến văn minh, thân thiện?
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức dạy học trực tuyến đã trở thành một phần quan trọng trong triển khai kế hoạch năm học của ngành. Thời gian đầu, dạy học trực tuyến chủ yếu chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện HS phải tạm dừng đến trường. Đến nay, ngành giáo dục xác định dạy học trực tuyến đã trở thành việc lâu dài, vừa để thích ứng, vừa để triển khai chuyển đổi số để phát triển.
Đầu năm học mới này, trong các văn bản triển khai nhiệm vụ liên quan đến công tác HS, SV, Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh đến các giải pháp hỗ trợ, giám sát trong điều kiện phải dạy học trực tuyến thay thế học tập trực tiếp.
Những giải pháp đó là gì, thưa bà?
Tại hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học với công tác chính trị và HS, SV, Bộ GD-ĐT đã nêu rõ cần triển khai các hoạt động hỗ trợ HS, SV phòng ngừa, ứng phó với các vấn đề về tâm lý. Có giải pháp thiết thực hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các em trong quá trình học trực tuyến và khi quay trở lại trường học tập trung. Chủ động rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến HS, SV; có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp của HS, hạn chế việc HS rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; can thiệp, trợ giúp với những em có nhu cầu. Tăng cường phối hợp với các đơn vị, cá nhân liên quan cung cấp các dịch vụ công tác xã hội trong và ngoài trường học để hỗ trợ, giải quyết các vấn đề về tâm lý, học tập, đời sống của HS, SV.
Ngoài ra là các giải pháp bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường. Trong đó, chú trọng giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng xử lý tình huống mâu thuẫn trong các mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa HS, SV với nhau… Đề xuất các cơ sở giáo dục nghiên cứu áp dụng các mô hình “Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học”, “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Cung cấp cho HS, SV các kỹ năng ứng xử trên môi trường học, tạo môi trường học tập lành mạnh, trau dồi các kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng…

Quan tâm hỗ trợ tâm lý cho cả học sinh và giáo viên

Hỗ trợ, tư vấn tâm lý trong nhà trường vốn đã quan trọng khi học trực tiếp thì khi dạy học trực tuyến dường như càng trở nên bức thiết hơn. Vậy Bộ GD-ĐT có giải pháp nào cho vấn đề này?
Qua kiểm tra, theo dõi cho thấy nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động và tổ chức triển khai công tác tư vấn tâm lý rất hiệu quả. Công tác tư vấn có sự tham gia của chuyên gia tư vấn, ban giám hiệu, GV chủ nhiệm, GV bộ môn và tổ chức Đoàn, Hội, Đội. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức những buổi trao đổi chuyên đề kỹ năng sống cho HS như kỹ năng đọc sách và văn hóa đọc, phương pháp và kỹ năng học trực tuyến, sử dụng mạng xã hội… Các hoạt động này vừa tạo môi trường giúp các em có cơ hội trao đổi, giải tỏa những bức xúc dồn nén và trang bị kỹ năng mềm hỗ trợ tốt nhất cho việc học của các em.
Bộ GD-ĐT đã và sẽ tiếp tục đề nghị các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ về việc hỗ trợ HS, SV bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 và chuẩn bị cho năm học mới. Trong đó, yêu cầu phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho HS, đặc biệt là các em đang ở các địa phương khác do dịch bệnh Covid-19 chưa thể trở về gia đình để tham gia học tập khi các em gặp các vấn đề về tâm lý, về an sinh; xây dựng kế hoạch, phương án tư vấn trực tuyến, tư vấn cá nhân khi HS cần hỗ trợ, giúp đỡ. Tăng cường kết nối, trao đổi giữa các GV, GV chủ nhiệm, GV các môn học, cán bộ Đoàn, GV, tổng phụ trách Đội… trong quá trình HS học trực tuyến để chia sẻ, hỗ trợ liên thông giữa nhà trường, GV, phụ huynh và HS, SV.
Việc hỗ trợ tâm lý không chỉ cần thiết với HS, SV mà ngay cả GV để họ tránh những áp lực, căng thẳng không đáng có khi thay đổi hình thức dạy học còn rất mới mẻ này?
Như đã đề cập ở trên, chuyển đổi số là thay đổi cách làm việc, cách khai thác dữ liệu, Bộ GD-ĐT thấu hiểu GV cũng có những khó khăn không nhỏ khi phải thích nghi với cách thức làm việc mới.
Bộ GD-ĐT đã và đang tổ chức các khóa tập huấn phát triển năng lực dạy học trực tuyến cho GV, từ đó nâng cao được chất lượng dạy học theo hình thức này; biên soạn cẩm nang hướng dẫn cho GV về dạy học trực tuyến và nhiệm vụ này sẽ hoàn thành trong tháng 9. Đồng thời lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng tổ chức các đoàn đi thực tế ở địa phương để lắng nghe và đưa ra các giải pháp cụ thể, cùng các địa phương tháo gỡ các khó khăn đặc thù khi dạy học trong bối cảnh dịch bệnh.
Tôi tin rằng, khi GV được tập huấn, được làm quen với cách dạy học trực tuyến, đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể kèm theo về dạy học ứng phó với tình hình dịch bệnh, thì những áp lực về tâm lý, áp lực về khối lượng nội dung bài học trong chương trình chắc chắn sẽ được giảm đi. Nhờ vậy, cả người dạy và người học sẽ giải tỏa tâm lý, không xảy ra những xung đột, căng thẳng không cần thiết.
TUỆ NGUYỄN
TNO