Chúa Nhật XXVI TN B, 2021: Tránh xa tinh thần cục bộ, bè phái hẹp hòi

Tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu những nguyên tắc hành động để những công việc chúng ta làm có kết quả tốt đẹp và giá trị vững bền. Tuần này, các bài Kinh Thánh mời gọi chúng ta suy nghĩ về một tinh thần mà người Kitô phải tránh, đó là tinh thần cục bộ, bè phái hẹp hòi vì nó làm ta đóng kín với ơn Chúa, làm nghèo chính mình và gây thiệt hại cho cộng đồng.

Chúa Nhật XXVI TN B – 2021

Tránh xa tinh thần cục bộ, bè phái hẹp hòi 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu những nguyên tắc hành động để những công việc chúng ta làm có kết quả tốt đẹp và giá trị vững bền. Tuần này, các bài Kinh Thánh mời gọi chúng ta suy nghĩ về một tinh thần mà người Kitô phải tránh, đó là tinh thần cục bộ, bè phái hẹp hòi vì nó làm ta đóng kín với ơn Chúa, làm nghèo chính mình và gây thiệt hại cho cộng đồng.

1. Bài học Thánh Kinh

Trong Bài đọc I (x. Ds 11,25-29), sách Dân Số kể lại câu chuyện ông Môsê đã xin Chúa chia sẻ sự khôn ngoan cho 70 vị kỳ mục để họ cùng điều hành dân Do Thái với ông. Có hai kỳ mục không đến cầu nguyện chung với Môsê và các bạn trong lều Giao Ước mà lại ở nhà. Nhưng vì Môsê đã xin Chúa thương ban ơn ấy cho tất cả những người có trong danh sách, nên hai ông này cũng nhận được ơn và phát ngôn trong trại. Người ta báo cáo sự việc này cho ông Môsê và Giôsuê xin ông Môsê ngăn cấm hai ông ấy vì hai ông đã không có mặt chung với cả nhóm. Nhưng Môsê trả lời: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân để họ đều là ngôn sứ”.

Điều này như gợi ý cho chúng ta hiểu rằng ơn Chúa không bị giới hạn bởi nhóm người, vật chất, không gian và thời gian mà được chia sẻ cho mọi người. Do đó, nếu nhận được ơn Chúa, chúng ta cũng phải biết chia sẻ cho mọi anh chị em, không phân biệt phe nhóm. Hơn nữa, qua lời chuyển cầu của Môsê và của chúng ta, ơn Chúa có thể được ban cho bất cứ ai, bất kỳ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Trong bài Phúc Âm (x. Mc 9,38-43), ông Gioan thấy có một người không thuộc nhóm môn đệ Đức Giêsu nhưng vẫn nhân danh Chúa Giêsu trừ quỷ và lại trừ được quỷ. Ông đã ngăn cấm người ấy không được hành động như thế. Chúa Giêsu muốn dạy cho Gioan và các môn đệ đừng có tinh thần bè phái hẹp hòi: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại nói xấu về Thầy”.

Điều này giúp chúng ta hiểu được rằng Chúa Giêsu không phải là người dành riêng cho một bè phái, phe nhóm nào mà mở rộng cho mọi người vì Người là sự thật, là sự sống, là ơn cứu độ. Tất cả những ai tin vào Người, sống theo sự thật và muốn thể hiện ơn cứu độ, đều có thể đón nhận được quyền năng, ân sủng, tình yêu của Người để hành động giống như Người. Vì thế chúng ta nên đón nhận, yêu thương và hợp tác với họ.

2. Hiện trạng xã hội về óc bè phái

Đây là thứ tinh thần thúc đẩy một hay nhiều người tập hợp, câu kết với nhau vì quyền lợi riêng tư hoặc quan điểm hẹp hòi, gây chia rẽ trong nội bộ, tổ chức, cộng đồng xã hội. Nhóm người này có thể cùng thuộc về một địa phương, một dân tộc, cùng chung một cảnh ngộ, một tình cảm, một lý tưởng hay đặc điểm nào đó khiến họ gần gũi nhau. Việc gần gũi này là điều tốt đẹp, đáng khuyến khích. Tuy nhiên, khi người ta lợi dụng sự gần gũi ấy để loại trừ người khác biệt với mình là người ta rơi vào óc bè phái, cục bộ.

Nhìn vào xã hội Việt Nam, dường như chúng ta đang bị chi phối nặng nề bởi óc bè phái, cục bộ này. Khắp nước nơi nào cũng đầy những người buôn bán nhỏ lẻ. Nhiều người chỉ muốn mở cửa hàng riêng để làm giám đốc, mà không muốn cộng tác với người khác, nên những công ty lớn hầu như đều thuộc về người nước ngoài. Ở Việt Nam người ta chia nhỏ các thửa ruộng, mảnh vườn, nên cả ngàn năm qua nhiều nơi vẫn đi sau con trâu, cái cày. Nếu bỏ đi các bờ ruộng, bờ rào ngăn cách, diện tích trồng trọt sẽ tăng thêm hơn 10%, ta mới có thể dễ dàng cơ giới hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, mới có nhiều lúa gạo, nông sản hơn, mới no đủ hơn, giàu có hơn. Trong đại dịch Covid 19 hiện nay, hàng hoá, nông sản ứ đọng, có nơi không bán được phải đổ bỏ, trong khi nhiều nơi khác lại thiếu thốn, vì mỗi địa phương có những quy định giao thông và chống dịch khác nhau.

Trong Giáo hội Việt Nam cũng thế, nhiều xứ đạo không muốn cộng tác với các xứ đạo khác để tất cả cùng thăng tiến. Có giáo phận lớn, giàu nhân lực, vật lực, không biết cộng tác với các giáo phận nhỏ nghèo, nên Giáo hội ở Việt Nam vẫn chưa phát huy được sức mạnh của Tin Mừng. Một thí dụ cụ thế: có người nước ngoài hỏi tôi: ”Tại sao cùng một lý tưởng của Thánh Đa Minh, mà ở Việt Nam có 11 dòng tu nữ hay cùng một đường lối của Đức cha Lambert mà lại có tới 24 dòng Mến Thánh Giá?”. Câu trả lời có lẽ phải dành cho người trong cuộc!

Có lẽ chúng ta nên biết về cấu trúc tâm lý xã hội để tìm ra nguồn gốc óc cục bộ nơi người Việt Nam. Trong dòng lịch sử, dân tộc ta bị người Trung Quốc đô hộ cả 1.000 năm, rồi 80 năm bị người Pháp xâm lược. Bọn người xâm lăng không muốn ta đoàn kết để lật đổ ách thống trị nên họ gieo nghi ngờ giữa người này với người nọ; gợi lên sự khác biệt giữa làng này với làng khác, giữa vùng này với vùng kia để chúng ta chỉ biết có mình hay chỉ gắn bó với người đồng hương và loại trừ người khác.

Hơn nữa, tổ chức làng xóm cũng có thể làm cho tâm trí chúng ta hẹp hòi. Suốt đời ở làng quê với luỹ tre dày ngăn trộm cướp bao bọc quanh làng, hầu như ít người ra khỏi làng để mở rộng tâm trí và thấy những khác biệt mới mẻ của thiên hạ vì “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

3. Bài học mở rộng tâm hồn của Chúa Giêsu

Óc bè phái cục bộ không phải là tinh thần của người Công giáo. Hôm nay Chúa Giêsu như đang mời gọi ta đừng giữ óc cục bộ bè phái hẹp hòi vì tất cả đều là con cùng một Cha Trên Trời, cùng được Thánh Thần thúc đẩy, cùng được Chúa Giêsu đổ máu cứu độ. Hình ảnh trái tim Người bị lưỡi giáo đâm thủng, đôi cánh tay giang rộng như muốn ôm trọn mọi người trên thập giá, và đôi chân gắn chặt trên bệ gỗ như chờ đợi mọi người là bài học để ta phá bỏ óc cục bộ hẹp hòi của mình. Chúng ta hãy nhìn nhận mọi người đều là anh chị em, để có thể đón nhận những sự khác biệt, cùng cộng tác làm sáng danh Chúa và mưu ích cho toàn thể gia đình nhân loại. Giáo Hội mời gọi ta tôn trọng sự khác biệt của người khác vì càng tôn trọng, càng đón nhận những sự khác biệt ấy, chúng ta càng làm giàu cho mình, càng nhận được nhiều ân huệ của Thánh Thần, và càng có khả năng cứu độ người khác.

Trong kinh nghiệm đời sống, chúng ta thấy có những vị thiền sư, đạo sĩ, tăng ni, mục sư, hay cả những người rất bình thường không theo một tôn giáo nào, đã xua trừ được ma quỷ, chữa lành bệnh tật cho người khác trong khi nhiều linh mục, tu sĩ Công giáo lại không làm được. Có những tín hữu đã từng phản ứng như tông đồ Gioan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38). Có cả những người xuyên tạc hay bôi nhọ những hành động tốt đẹp, cao cả đó bằng lời kết án như những người biệt phái xưa kia đối với Chúa Giêsu: “Ông ta nhờ tướng quỷ Beelzebul mà trừ những quỷ nhỏ!” (x. Mc 3,22; Lc 11,15).

Thật ra, những vị này đều đang làm “nhân danh Chúa Giêsu” (Mc 9,38) khi họ sống theo sự thật, yêu thương con người vì Đức Giêsu chính là sự thật, sự sống, tình yêu. Họ mới thật sự là môn đệ chân chính của Đức Giêsu (x. Mt 7,21-27; Lc 6,47-49). Còn chúng ta chưa làm được như họ vì ta chưa sống thật, chưa yêu thật lòng như họ.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta được mời gọi mở rộng tâm trí đón nhận những giá trị của mọi người, dù họ có nhiều khác biệt. Tất cả chúng ta đều là con cái của Cha Trên Trời nên cần yêu thương, đón nhận nhau và cộng tác với nhau vì ích chung của đại gia đình nhân loại cũng như để làm người khác nhận ra chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô.

HKK