09/01/2025

Liều mạng đào trộm đất dưới đường dây điện cao thế

Liều mạng đào trộm đất dưới đường dây điện cao thế

Đào trộm đất dưới đường dây cao thế 220 kV và 500 kV ở Quảng Trị gây ra rất nhiều mối họa mà đầu tiên cho chính những người đào trộm. Thế nhưng, vấn nạn này vẫn âm ỉ nhiều năm qua.
Hiện trường múc trộm đất ở xã Triệu Thượng (H.Triệu Phong, Quảng Trị) ngày 22.9 /// ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Hiện trường múc trộm đất ở xã Triệu Thượng (H.Triệu Phong, Quảng Trị) ngày 22.9  ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Lợi dụng thời điểm dịch Covid-19, khi lực lượng chức năng đang tập trung chống dịch, nhiều nhóm đào trộm càng lộng hành.

Đoàn xe chở đất trộm rầm rộ giữa ban ngày

Trước đây, trong một số lần tìm hiểu về tình trạng đào trộm đất ở những khu vực vắng người, dưới đường dây điện cao thế, PV Thanh Niên ghi nhận những kẻ đào trộm chỉ “đánh du kích”, lén lút cho máy vào múc vài xe đất rồi rút đi để tránh bị phát hiện, hoặc hành sự vào đêm khuya. Tuy nhiên, tình trạng này đã trở nên ngang nhiên giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành.
Công an tỉnh Quảng Trị bất ngờ về quy mô xe tải sử dụng vận chuyển đất múc trộm dưới đường dây điện cao thế ở xã Triệu Thượng hôm 19.9ẢNH: THANH LỘC

Công an tỉnh Quảng Trị bất ngờ về quy mô xe tải sử dụng vận chuyển đất múc trộm dưới đường dây điện cao thế ở xã Triệu Thượng hôm 19.9  ẢNH: THANH LỘC

Cụ thể, lúc 14 giờ ngày 19.9, các trinh sát của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Trị) đã bắt quả tang, lập biên bản ông Hoàng Gia Tín (38 tuổi, thường trú TT.Ái Tử, H.Triệu Phong, Quảng Trị). Bước đầu, cơ quan chức năng xác định ông Tín điều hành một dây chuyền múc đất tại vị trí phía dưới đường dây 500 kV Bắc – Nam (đi qua địa phận thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, H.Triệu Phong) và bán cho các cá nhân có nhu cầu. Tại thời điểm cơ quan công an kiểm tra, ông Tín đã tổ chức khai thác được khoảng 360 m3 đất. Ông này cũng không xuất trình được các hồ sơ, thủ tục chứng minh tính hợp pháp của hoạt động khai thác khoáng sản.
Tai họa lớn nhất của việc đào đất trộm là khi đào gần khu vực móng cột sẽ ảnh hưởng phần ngầm. Khi móng cột nghiêng, đổ thì thiệt hại cho đường dây cao thế, cho kinh tế xã hội là cực lớn.

Ông Nguyễn Đình Tiềm (Giám đốc Truyền tải điện tỉnh Quảng Trị)

Đặc biệt, quy mô khai thác, số lượng xe, máy móc có tại hiện trường khai thác (1 máy múc, 9 xe tải cỡ lớn) khá lớn và việc này diễn ra giữa ban ngày. “Khi vào tới nơi, bắt tại trận, chúng tôi cũng thực sự ngỡ ngàng vì không ngờ xe múc, xe tải nhiều và khai thác rầm rộ đến thế”, trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Trị), cho biết.
Liều mạng đào trộm đất dưới đường dây điện cao thế - ảnh 2

Do nạn đào trộm đất nên cột điện 220 kV qua thôn Hà Xá (xã Triệu Ái, H.Triệu Phong) phải được chủ đầu tư gia cố bê tông phần móng trụ đảm bảo an toàn  ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Sáng 22.9, PV Thanh Niên trở lại hiện trường vụ việc, lúc này xe, máy và nhân công đã rút hết. Tuy nhiên, các hố đất sâu hoắm sau khi bị múc đất thì không thể che được. Theo ghi nhận, khu vực đất bị múc trộm nằm ở khoảng giữa 2 cột điện 500 kV. Theo Truyền tải điện tỉnh Quảng Trị (đơn vị quản lý lưới điện 220 kV và 500 kV qua Quảng Trị), đơn vị đã cho cán bộ xuống hiện trường, phối hợp với cơ quan chức năng.
Ông Mai Văn Hùng, Đội trưởng Đội truyền tải điện Đông Hà, cho biết việc người dân lấy trộm đất dưới đường dây có lúc “nhỏ giọt” có lúc “ồn ào”, nhưng âm ỉ suốt nhiều năm qua. Nhiều vụ sau khi lập biên bản xong vẫn tái diễn. Đơn cử, ông Hùng cho biết đường dây 220 kV Đông Hà – Huế mạch 2 đóng điện tháng 6.2020 đi qua thôn Hà Xá (xã Triệu Ái, H.Triệu Phong), trộm đất múc nhiều quá đến nỗi để đảm bảo vận hành đường dây, truyền tải điện phải đề xuất chủ đầu tư bổ sung gia cố kè móng bằng bê tông cho hàng loạt chân cột.
Tương tự, năm 2020, Báo Thanh Niên từng phản ánh tình trạng múc đất trộm dưới đường dây cao thế ở khu vực giáp ranh giữa P.Đông Lương và P.Đông Lễ (TP.Đông Hà). Ngành chức năng đã vào cuộc nhưng khu vực này chưa bao giờ hết nóng về nạn trộm đất…

Tiềm ẩn nhiều mối họa

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Tiềm, Giám đốc Truyền tải điện tỉnh Quảng Trị, cho biết đơn vị vẫn đang đảm bảo được việc vận hành, hoạt động của đường dây 500 kV và 220 kV. Tuy nhiên, nạn đào trộm đất dưới đường dây cao thế là một trong những mối lo lớn nhất, nên đơn vị phải điều động lượng nhân sự lớn kiểm tra, giám sát việc này. Thế nhưng, cách này làm không xuể vì đường dây quá dài, qua nhiều địa bàn (500 kV dài 150 km; 220 kV dài 160 km).
Theo ông Tiềm, việc đào trộm đất dưới đường dây cao thế gây ra rất nhiều mối họa, mà đầu tiên là cho chính những người đào trộm. “Trong quá trình đào đất trộm, các phương tiện máy móc vi phạm khoảng cách an toàn có thể gây phóng điện, nguy hiểm tính mạng, gây hư hỏng phương tiện chính người lấy trộm đất và gây sự cố đường dây”, ông Tiềm nói.
Nhưng tai họa lớn nhất theo ông là trong quá trình đào trộm đất, nếu đào gần khu vực móng cột sẽ ảnh hưởng phần ngầm. Khi móng cột nghiêng, đổ thì thiệt hại cho đường dây cao thế, cho kinh tế xã hội là cực lớn. “Đơn vị chúng tôi vẫn đang phối với các cơ quan ban ngành địa phương tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, ngăn ngừa nạn đào đất. Nhưng cũng mong lực lượng chức năng, đặc biệt là công an, có những biện pháp mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn triệt để”, ông Tiềm nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thịnh, Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng, cho hay sau khi sự việc được phát giác, chính quyền xã đã có mặt tại hiện trường phối hợp với cơ quan chức năng, đồng thời ngày 20.9 đã mời ông Tín lên trụ sở UBND xã làm việc, buộc ký cam kết không tái phạm. Ông Thịnh cũng thừa nhận, trước khi vụ khai thác chui bị công an phát giác, địa phương đúng là không nắm bắt được. “Ở địa bàn xã, UBND tỉnh đang có cấp phép khai thác nạo vét lòng hồ Triệu Thượng 1 và Triệu Thượng 2 nên kẻ gian lợi dụng, trà trộn… làm địa phương khó nhận diện, quản lý, đâu là xe chở đất cát ở khu vực được cấp phép, đâu là khu vực đào trộm”, ông Thịnh nói.
Liên quan các thông tin cho rằng việc đào trộm đất dưới đường dây cao thế là do cơ quan quản lý (Truyền tải điện Quảng Trị)… “bật đèn xanh”, ông Nguyễn Đình Tiềm cho biết theo quy định, đơn vị chỉ được giao quản lý đất ở khu vực móng cột, còn lại là thuộc quản lý của chính quyền địa phương.
Một số trường hợp, Truyền tải điện Quảng Trị tham gia hạ độ cao dưới đường dây cao thế thì ông Mai Văn Hùng, Đội trưởng Đội truyền tải điện Đông Hà, phân tích: Nhiều khu vực dưới đường dây cao thế trước đây trồng rừng, đường khó đi nên theo quy định khoảng cách từ mặt đất lên đường dây chỉ là 8 m. Tuy nhiên, khi khu vực đó đã được mở đường, quy định khoảng cách thay đổi là 10 m. Chính vì thế, truyền tải điện phải lập hồ sơ, xin phép ngành chức năng, chính quyền địa phương phê duyệt để san gạt độ cao. Thi công san gạt để đảm bảo an toàn, chứ không phải “bật đèn xanh” cho người dân khai thác đất dưới đường dây. “Người dân không phân biệt 2 hoạt động này bằng “mắt thường” vì cả hai đều có xe múc, xe chở đất đi”, ông Hùng nói.
NGUYỄN PHÚC
TNO