‘Vắc xin’ nào giải quyết mâu thuẫn thầy và trò khi học trực tuyến?
‘Vắc xin’ nào giải quyết mâu thuẫn thầy và trò khi học trực tuyến?
Giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp học, giảng viên chửi sinh viên là ‘óc trâu’, sinh viên văng tục và đòi ‘lên phòng đào tạo solo với thầy’… là những tình huống không đẹp trong học trực tuyến gần đây.
Vậy làm thế nào để ứng xử giữa thầy với trò trở nên tốt đẹp hơn? Các chuyên gia tâm lý đã có những chia sẻ với PV Thanh Niên để tìm ra “phương thuốc” giải quyết tình trạng này.
Chuyển tranh cãi thành tranh luận
|
Việc học trực tuyến, do một số người chưa chủ động đón nhận và chấp nhận nên tự tạo cho mình một áp lực lớn, dẫn đến tâm lý dè chừng, bắt lỗi hơn là hợp tác, góp ý, xây dựng. Trong tâm thế đó, một số học trò và những ai đang lắng nghe bài giảng trở thành “thánh soi”. Một số thầy cô dạy trong tâm trạng né tránh, sợ bị đánh giá, sợ phàn nàn, sợ cắt danh hiệu… nên vô hình trung tự tạo áp lực cho chính mình.
Vì thế, cả người học, phụ huynh và người giảng dạy cần thẳng thắn trao đổi ý kiến. Mọi người có thể chia sẻ nguyện vọng, chia sẻ ý kiến dạng viết đơn thư, gọi điện, nhắn tin lên nhóm chung. Nhà trường, giáo viên lúc đó sẽ trở thành kênh tiếp nhận và lắng nghe. Từ đó, hai bên sẽ có cách để thấu hiểu nhau, tìm tiếng nói chung nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra. Chứ không phải mọi người chỉ đưa các bức xúc lên mạng xã hội rồi thôi.
Cần loại bỏ kiểu suy nghĩ “chắc chỉ học một thời gian ngắn”, hay “học trực tuyến ấy mà, cho qua là xong”. Dạy và học trực tuyến đã trở thành một xu hướng chung, phát huy được nhiều yếu tố tích cực, đồng thời thích ứng với tình hình dịch bệnh còn kéo dài.
Tuy nhiên, dù có bất cứ giải pháp nào thì chắc chắn sẽ không bao giờ tránh khỏi những sự cố ngoài ý muốn trong quá trình học trực tuyến, đặc biệt là những mâu thuẫn phát sinh, những tình huống “tréo ngoe”… giữa thầy và trò. Nhưng trong trường hợp nào người thầy cũng phải cầm trịch để xử lý tình huống. Người thầy có thể chuyển những tranh cãi thành tranh luận, trên nền tảng của tri thức và tình nghĩa thầy – trò. Tất cả những điều đó phản ánh trình độ, bản lĩnh, tâm và tầm của mỗi người thầy.
Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm (Trường ĐH An ninh nhân dân, Bộ Công an)
Cần sự thấu cảm nhiều hơn ở cả thầy và trò
|
Chúng ta đang dạy và học trực tuyến trong bối cảnh mà cả xã hội đang bị áp lực bởi dịch bệnh nên dễ bị ức chế, bị tù túng ảnh hưởng đến tâm lý dẫn đến việc người dạy và học có thể dễ bốc đồng, một lúc nào đó không thể kiểm soát được thái độ, lời nói… Tuy nhiên, dù dạy trực tiếp hay dạy trực tuyến thì việc đầu tiên người dạy cũng như người học cần phải xác tín rằng đó là một tương quan sư phạm, cần 4 yếu tố là tác phong, ngôn từ, kiến thức chuyên môn và phương pháp.
Về tác phong, hiện nay các lớp nhỏ cũng học trực tuyến nên ngay từ chính trong gia đình, chúng ta nên tập thói quen cho con em ý thức đó là giờ học thật sự. Đã bước vào giờ học thì từ cách ăn mặc phải chỉn chu (ở mức cơ bản). Tác phong cũng tác động đến tâm lý của người thầy, người đối diện.
Về ngôn từ, hiện nay rất nhiều người xem việc dạy trực tuyến như là không gian ảo, nên khi dạy trực tuyến đòi hỏi người dạy cần phải chỉn chu nhiều hơn nữa trong việc sử dụng ngôn từ.
Vì hạ tầng hỗ trợ việc học trực tuyến không đồng bộ, chưa kể là bối cảnh không gian của người học cũng khác nhau nên những tác động của ngoại cảnh như bị mất sóng, trời mưa to gây ồn… làm ảnh hưởng đến việc học là không tránh khỏi. Chính vì thế, phải mang tâm thế là chúng ta luôn sẵn sàng để lặp lại kiến thức đó, nội dung đó ở cả người học và người dạy.
Về phương pháp, trong dạy học trực tuyến, có những giới hạn như không thể cầm tay chỉ việc trực tiếp, không thể có được sự thăng hoa cảm xúc. Chính vì giới hạn này nên giữa người học và người dạy cần có sự thấu cảm với nhau nhiều hơn, để quá trình truyền đạt và lĩnh hội kiến thức được diễn ra hiệu quả hơn.
Đừng xem học trực tuyến như giải pháp tình thế, để khi dịch qua rồi thì chúng ta lại trở lại bình thường. Chúng ta phải làm sao để việc dạy và học trực tuyến trở thành việc dạy thật, học thật thì lúc đó mới hy vọng sẽ không còn những tình trạng đáng buồn xảy ra giữa người dạy và người học.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng (Trường ĐH Thủ Dầu Một)
Thay đổi cách suy nghĩ, quan niệm về dạy học
|
Các tình huống gây mất kiểm soát cảm xúc giữa cả hai bên sâu xa từ bên trong, đó chính là sự thay đổi về vị trí của thầy với trò khi chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến. Lúc này, thầy không còn đứng ở trên bục giảng, ở một vị trí cao hơn trò, và trò cũng không còn được đưa vào mô hình lớp học, ngồi ở dưới thấp hơn thầy. Nghĩa là giữa thầy và trò có sự bình đẳng hơn. Điều đó khiến thầy có cảm giác mình mất đi một chút quyền lực trong lớp học, còn trò lại thấy mình tự do hơn, không bị kiểm soát như khi học trực tiếp. Vì thế, lúc này người thầy cần phải thay đổi cách suy nghĩ, quan niệm về dạy học. Thầy là người truyền tải kiến thức hoặc hỗ trợ trò nhận ra điều mình muốn học, chứ không phải là một người đầy quyền lực, luôn ở trên cao.
Bà Nguyễn Thị Minh Đăng (Giám đốc điều hành Công ty tư vấn quản trị tinh thần ProSelf)
Rèn luyện sự bình tĩnh, khả năng kiềm chế cảm xúc
|
Những lúc cảm thấy tức giận, thầy cô hãy hít thở sâu và tránh phát ngôn trong thời điểm đó. Bản thân giảng viên, giáo viên phải rèn luyện sự bình tĩnh, khả năng kiềm chế cảm xúc. Ngoài ra, người thầy cũng cần nâng cao năng lực sư phạm của mình, đồng thời giảm sự đòi hỏi, kỳ vọng, giảm sự cầu toàn đối với người học trong điều kiện học trực tuyến còn nhiều hạn chế.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
THUÝ HẰNG – NỮ VƯƠNG – MỸ QUYÊN
TNO