“Bộ tứ” sắp ra đòn uy lực nhằm vào Trung Quốc ?
“Bộ tứ” sắp ra đòn uy lực nhằm vào Trung Quốc ?
Không chỉ tăng cường phối hợp an ninh và quân sự, nhóm “bộ tứ an ninh” hay còn gọi là “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ có thể sẽ gây sức ép mới nhằm vào kinh tế Trung Quốc.
Dự kiến tối nay 24.9 (theo giờ VN), hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của “bộ tứ an ninh” sẽ diễn ra tại Nhà Trắng (thủ đô Washington D.C, Mỹ) với sự tham gia của Tổng thống chủ nhà Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Hồi tháng 3 vừa qua, 4 vị lãnh đạo này cũng đã có hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm nhưng diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Lá bài chất bán dẫn
Theo một số nguồn tin của truyền thông quốc tế, 4 nước trên dự kiến sẽ công bố thông cáo chung với nội dung lên án mạnh mẽ Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời “bộ tứ” sẽ tăng cường hợp tác về an ninh.
Hội nghị sẽ là bước chuyển mới đối với tình hình an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) sau khi Mỹ “mở đường” bằng việc công bố thành lập liên minh AUKUS cùng với Anh và Úc nhằm ứng phó tình hình khu vực này.
Đặc biệt, theo tờ Nikkei Asia dẫn một nguồn tin thân cận tiết lộ dự thảo của tuyên bố chung, dự kiến được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh ngày 24.9 của “bộ tứ”, sẽ bao gồm thỏa thuận việc hướng tới việc tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn cho chất bán dẫn. Xa hơn, 4 nước sẽ phát triển “chuỗi cung ứng công nghệ linh hoạt, đa dạng và an toàn cho phần cứng, phần mềm và dịch vụ”.
Cuộc chiến sống còn của kinh tế Trung Quốc
Những nội dung trên được hiểu là nhằm gây sức ép mới về chuỗi cung ứng chất bán dẫn nói riêng và chuỗi cung ứng công nghệ nói chung nhằm vào Bắc Kinh. Đây có thể nói là đòn tấn công uy lực vào nền kinh tế Trung Quốc.
Không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp và đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực công nghệ bởi là yếu tố không thể thiếu để sản xuất chip, nên chất bán dẫn đóng vai trò sống còn đối với chiến lược phát triển của Bắc Kinh khi Trung Quốc đang tập trung đầu tư vào các công nghệ hiện đại.
|
Từ năm 2020, hàng loạt công ty công nghệ của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen, đặt ra rào cản thậm chí cấm tiếp cận cả về chip bán dẫn lẫn công nghệ bán dẫn. Trong khi đó, theo Bloomberg, riêng năm 2020, Trung Quốc đã chi 350 tỉ USD để mua chip phục vụ cho những ngành công nghiệp sản xuất khác.
Thế nhưng, cũng trong năm 2020, sản xuất chip của Trung Quốc chỉ chiếm 15,9% thị trường nội địa và ước tính đạt 19,4% vào năm 2025. Đến đầu năm 2021, Công ty tư vấn Bernstein Research công bố kết quả đánh giá cho thấy thị phần toàn cầu của Trung Quốc trong lĩnh vực thiết bị chế tạo chip tiên tiến tối đa là 2%.
Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đại lục vẫn phải lệ thuộc vào nguồn chip tiên tiến thuộc về các công ty như Intel, Qualcomm (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc) hay TSMC (Đài Loan).
Hiện tại, hầu hết các thiết bị được sử dụng để sản xuất chip máy tính cao cấp thuộc độc quyền toàn cầu của Mỹ. Hơn 80% quy trình sản xuất và thiết kế chip như khắc, cấy ion, phần mềm thiết kế và kiểm tra wafer… đều nằm trong tay các công ty Mỹ.
Chính vì thế, khi bị Mỹ trừng phạt từ năm ngoái đến nay, nhiều công ty của Trung Quốc bị thiếu chip trầm trọng để phục vụ cho sản xuất. Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Triệu Hải Quân, Giám đốc điều hành SMIC – nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc đại lục, cách đây chưa lâu thừa nhận rằng kể từ khi tập đoàn này bị đưa vào danh sách đen của Mỹ hồi tháng 9.2020, SMIC không còn tiếp cận được các trang thiết bị sản xuất bán dẫn thế hệ mới của Mỹ. Hậu quả là không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, mà việc phát triển công nghệ mới của SMIC cũng bị ảnh hưởng.
Giữa tình thế như vậy, Trung Quốc đang ra sức phát triển công nghệ bán dẫn để tự chủ nguồn chip cho sản xuất nội địa. Đầu tháng 9, tờ Nikkei Asia dẫn thông tin từ SMIC tiết lộ tập đoàn này sắp đầu tư gần 9 tỉ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Thượng Hải.
Đây là dự án nhằm cạnh tranh với Tập đoàn TSMC (Đài Loan) trong cuộc chạy đua dẫn đầu ngành sản xuất chip. Hồi tháng 3, tập đoàn này cũng đã công bố dự án nhà máy chip trị giá 2,35 tỉ USD từ nguồn tài chính của chính quyền thành phố Thâm Quyến.
Tuy nhiên, dù đầu tư rất mạnh tay nhưng theo giới quan sát, Trung Quốc vẫn chưa thể kịp theo đuổi các công nghệ bán dẫn hiện đại. Điển hình như các nhà máy của SMIC vẫn chỉ sản xuất chip tiến trình 28 nm, trong khi các dòng chip mới của Mỹ đã đạt tiến trình 5 nm.
|
Vừa qua, Bloomberg đưa tin chính quyền Đài Loan xem xét cấm các chuyên gia về công nghệ của vùng lãnh thổ này đến Trung Quốc đại lục. Điều đó khiến Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nhân lực cao cấp của lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, vì Đài Loan là cửa ngõ quan trọng của Trung Quốc đại lục để tiếp cận nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn suốt nhiều năm qua.
Chính vì thế, nếu phải chịu thêm sức ép mới về chất bán dẫn, kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt thách thức lớn.
Pháp, Mỹ tìm cách xuống thang căng thẳng
Hãng AFP hôm qua đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm và đồng ý sẽ gặp trực tiếp vào cuối tháng 10 để hàn gắn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, sau căng thẳng liên quan kế hoạch mua tàu ngầm của Úc.
Tổng thống Macron đồng ý sẽ cử đại sứ trở lại Mỹ vào tuần tới, sau khi triệu hồi nhằm phản đối việc Úc thỏa thuận an ninh với Mỹ, Anh để mua tàu ngầm và hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. Trong thông cáo chung sau cuộc điện đàm 30 phút, hai nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ tiến hành “tham vấn chuyên sâu nhằm đảm bảo tín nhiệm”. Một quan chức Mỹ cho hay Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Đại hội đồng LHQ, sau nhiều ngày lạnh nhạt.
Trong khi đó, Tập đoàn Hải quân của Pháp thông báo sẽ gửi yêu cầu bồi thường việc Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm. Bộ Quốc phòng Pháp cũng cho rằng các bên sẽ phải đàm phán về “các khoản bồi thường” mà Úc phải chịu do nước này có “hành động bội ước”.
Khánh An
HOÀNG ĐÌNH
TNO