23/12/2024

Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất

Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất

TP.HCM đang từng bước mở cửa kinh tế trở lại nên các doanh nghiệp cũng bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm nhất.
Doanh nghiệp mong muốn kế hoạch, lộ trình mở cửa kinh tế cụ thể càng sớm để khôi phục hoạt động /// ẢNH: HOÀNG TRIỀU
Doanh nghiệp mong muốn kế hoạch, lộ trình mở cửa kinh tế cụ thể càng sớm để khôi phục hoạt động   ẢNH: HOÀNG TRIỀU

Tháng 10 sẽ hoạt động lại 100%

Từ hôm qua 20.9, khoảng 50% lao động của Công ty CP giấy Vĩnh Tiến, tương đương hơn 100 người, đã bắt đầu sản xuất trở lại. Trước đó từ đầu tháng 7 khi TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp (DN) phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” (3T) để đảm bảo hoạt động phòng chống dịch Covid-19, Công ty CP giấy Vĩnh Tiến chỉ duy trì khoảng hơn 10 công nhân ở bộ phận sản xuất khẩu trang y tế. Sau đó do nhu cầu về vở, tập và dụng cụ học tập cho năm học mới nên công ty dần dần gia tăng thêm lao động theo mô hình “1 cung đường – 2 điểm đến” cho khoảng 1/3 nhân sự. Đến nay, tất cả công nhân của Vĩnh Tiến đã được tiêm 2 mũi vắc xin nên bắt đầu tham gia sản xuất nhiều hơn.
Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất - ảnh 1

Doanh nghiệp mong chờ TP.HCM sớm mở cửa kinh tế để khôi phục sản xuất   ẢNH: NGUYÊN NGA

Theo ông Lâm An Dậu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP giấy Vĩnh Tiến, số công nhân trở lại làm việc được hiện nay là do ở trên cùng phường hoặc cùng Q.8 với công ty. Mặc dù quận này vẫn đang hạn chế đi lại nhưng vì công ty sản xuất những sản phẩm thiết yếu, có đăng ký danh sách với UBND phường và đảm bảo xét nghiệm định kỳ, thực hiện quy định 5K nên được tăng lượng công nhân. Số còn lại đang ở nhiều quận, huyện khác nên vẫn chưa có giấy phép đi đường để đến nhà máy. Thời gian qua dù sản xuất bị giảm, nhiều khó khăn nhưng công ty cũng nỗ lực đảm bảo cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng tại TP. Theo kế hoạch mở cửa kinh tế của TP.HCM, ông Dậu cũng kỳ vọng từ tháng 10 hoạt động của Vĩnh Tiến sẽ được hồi phục lại khi 100% lao động quay lại nhà máy.
“Các DN luôn muốn đảm bảo sức khỏe của mình và người lao động nên vẫn cẩn thận khi tổ chức sản xuất, thực hiện kỹ quy định phòng chống dịch bệnh. Các công nhân đều đã tiêm vắc xin 2 mũi và đều trẻ nên theo các chuyên gia y tế, nếu có nhiễm bệnh thì nghỉ ngơi, uống thuốc rồi sẽ hết. Tôi cho rằng TP nên mạnh dạn cho các DN hoạt động trở lại, nhất là các DN đã có tỷ lệ nhiều người lao động tiêm vắc xin 2 mũi mà không cần phải thêm các quy định để tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo thu nhập cho các gia đình”.
Ông Lâm An Dậu, Tổng giám đốc Công ty CP giấy Vĩnh Tiến
Để chuẩn bị cho việc vừa sản xuất vừa đảm bảo phòng chống dịch, công ty vẫn tiếp tục phát sẵn bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 cho công nhân để có thể tự test ngay tại chỗ, sau đó sẽ cho tạm nghỉ ngơi, cách ly nếu dương tính. Nhà máy vẫn đảm bảo khử khuẩn hằng tuần. Đồng thời ngay tại nhà máy, công ty đã tổ chức riêng một số phòng để nếu công nhân nào bị nhiễm bệnh thì có thể cách ly riêng biệt…
Công ty CP may mặc Dony từ tháng 7 cũng phải tạm ngưng hoạt động vì không chuẩn bị kịp theo quy định 3T. Theo ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty CP may mặc Dony, việc tạm ngừng sản xuất chỉ 2 tuần là do việc sắp xếp từ nấu ăn tại chỗ, chỗ ngủ, vệ sinh… cho công nhân không thể thực hiện được. Sau đó công ty bắt đầu tổ chức 3T với khoảng 20% công nhân và từ đầu tháng 9 tăng lên được 30%, nhưng bị lỗ một đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ.
Cụ thể đầu tháng 7, công ty vừa ký xong hợp đồng cung cấp một container áo quần đồng phục cho hệ thống trường học tại Mỹ thì ngay sau đó TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Khi đó, DN cho rằng giãn cách tạm thời, nhiều nhất là 1 tháng, nên đã trao đổi với đối tác cho giao hàng chậm một chút. Thế nhưng, đầu tháng 8 quyết định bắt tay làm 3T thì năng suất giảm mạnh. Khi đó, công ty đã chia sẻ lại cho đơn vị tại miền Trung gia công 1/3 lượng hàng. Tuy nhiên vì lịch giao hàng quá cận ngày, công ty phải gửi hàng bằng đường hàng không với giá cước cao gấp 13 lần đường thủy, tương đương hơn 400 triệu đồng.
“Đơn hàng đó lỗ nặng, nhưng đổi lại công ty giữ được chữ tín và quan trọng hơn là vẫn giữ được mối quan hệ làm ăn với đối tác lâu dài. Tuần trước có khách hàng muốn ký hợp đồng và đặt ngay cho đơn hàng đi Trung Đông nhưng chúng tôi buộc phải từ chối vì không biết tình hình mở cửa trở lại sẽ được thực hiện lúc nào. Tôi trao đổi với đối tác là theo dự tính, TP.HCM có thể mở từ đầu tháng 10 và mở lúc nào sẽ hạ bút ký ngay lúc đó và nhận cọc luôn. Tương tự với phía cung cấp nguyên vật liệu cũng vậy. Chỉ cần sau 2 ngày TP.HCM có lệnh tái mở cửa, chúng tôi có thể đánh giá tình hình và vài ngày sau đó ký hợp đồng, nhận cọc làm luôn. Năm nay cố gắng làm để giảm vay tiền trả lương công nhân là tốt rồi”, ông Phạm Quang Anh chia sẻ thêm.

Đã sẵn sàng nguyên liệu từ 3 tháng trước

Đại diện Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành cho hay, do thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trong thời gian ngắn công ty không thể đáp ứng “3 tại chỗ” nên phải tạm dừng hoạt động. Trong thời gian nghỉ giãn cách hơn 2 tháng, từ ngày 15.7 cho đến nay, với lượng công nhân hơn 1.200 người nay cũng có người bị nhiễm bệnh. Công ty không hoạt động, mặc dù khó khăn, nhưng trong thời gian dịch bệnh vẫn tập trung hỗ trợ công nhân bị F0 và cả người thân của họ bằng việc tặng các túi thuốc, thực phẩm, tiền…
Từ 1 tháng qua, công ty đã tổ chức sản xuất lại mặt hàng thiết yếu theo đơn đặt hàng của TP.HCM và tỉnh Bình Dương, với khoảng 200 công nhân. Số công nhân này được xét nghiệm thường xuyên và đã được tiêm 1 mũi vắc xin. Trong thời gian tới, công ty sẵn sàng mọi nguồn lực từ nguyên phụ liệu đến công nhân để hoạt động bình thường trở lại nếu TP mở cửa. Dù vậy, đại diện công ty thừa nhận, việc kêu gọi người lao động quay lại lúc này gặp khá nhiều khó khăn bởi đa số đã về quê, đang chữa trị vì nhiễm Covid-19, hoặc đang sống trong các khu nhà trọ bị phong tỏa… Ngoài ra, sản xuất trong tình hình giãn cách, việc quản lý công nhân còn khó khăn hơn ngày thường.
“Chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng, lưu kho nguyên liệu từ 3 – 6 tháng rồi. Lo lắng nhất của DN là nếu giãn cách kéo dài, việc tìm kiếm khách hàng và lấy đơn hàng mới ngày càng khó khăn hơn. Thực tế, trong giãn cách, chúng tôi cũng đã bị mất 1 đơn hàng xuất khẩu do khách không chờ được đã chuyển sang nước khác đặt hàng… Năm nay, kế hoạch kinh doanh ban đầu của công ty đưa ra là khá lạc quan, nhưng dịch bùng phát đợt 4 này khiến mọi kế hoạch bị gián đoạn, kết quả chắc chắn khó đạt”, vị đại diện công ty cho hay.

Theo dõi sát lộ trình mở cửa kinh tế

Sáng 19.9, ngay trong ngày H.Cần Giờ (TP.HCM) chính thức thí điểm mở cửa đón du khách, Công ty lữ hành Fiditour – Vietluxtour đã tổ chức tour “Về nguồn viếng Nghĩa trang đặc công Rừng Sác”, tham quan khu du lịch rừng ngập mặn… cho đội ngũ 60 nhân sự tuyến đầu chống dịch. Là một trong những DN đầu tiên tái xuất sau thời gian dài ngừng hoạt động, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP lữ hành Fiditour, cho biết để có thể nhanh chóng đón kịp cơ hội như vậy, công ty đã có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước. Ngay khi lãnh đạo TP.HCM tính chuyện mở cửa, ban lãnh đạo công ty đã thường xuyên cập nhật kế hoạch, lộ trình, đề xuất của các ban, ngành để hình dung được tiến độ mở cửa như thế nào. Từ đó, áng chừng và xây dựng kế hoạch tái xuất. Cụ thể, điều động dần một số nhân sự, thống kê chi tiết số nhân viên đã tiêm 1 mũi và 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Sản phẩm cũng đã xây dựng xong các tour an toàn, có nhiều tiềm năng mở trước như Cần Giờ, Phú Quốc… Những điểm nào đảm bảo nằm trong vùng xanh, địa phương đang đề xuất hồi phục du lịch thì đưa vào chương trình.
Trước đó, trong thời gian chờ cơ quan chức năng kiểm soát dịch bệnh, Fiditour vẫn duy trì hoạt động, làm việc online. Phương án đã lên, lực lượng nhân sự sẵn sàng, sản phẩm hoàn thiện, chỉ chờ cơ quan chức năng cho phép mở cửa an toàn là công ty có thể bắt tay triển khai thực hiện luôn. Tuy nhiên, ông Trần Thế Dũng cho rằng mọi kế hoạch của DN du lịch bây giờ không cố định mà rất linh hoạt, uyển chuyển để phù hợp với diễn tiến thực tế. Kế hoạch của DN chỉ bám theo tiến độ mở cửa của thị trường, hướng duy nhất là dần dần khôi phục lại hoàn toàn, thay vì chạy theo diễn biến của dịch bệnh. Đấy là cơ sở cốt lõi để DN tự tin xây dựng kế hoạch hoạt động trở lại.

Để doanh nghiệp tự cam kết phòng chống dịch

Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất - ảnh 2

Sản xuất “3 tại chỗ” tại một doanh nghiệp may mặc ở Q.8, TP.HCM   ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Năng suất làm việc của một nhà máy trong 6 tháng làm “3 tại chỗ” (3T) chỉ tương đương bằng 1 tháng sản xuất ngày thường. Do đó hoặc TP.HCM bỏ luôn quy định 3T, hoặc để doanh nghiệp tự cam kết phòng chống dịch bảo toàn lực lượng cho công nhân nhà máy mình. Kéo dài tình trạng này khiến tài lực, tinh thần của toàn xã hội sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty CP may mặc Dony

Chính quyền cần đưa kế hoạch, lộ trình cụ thể sớm

Nhu cầu du lịch trở lại của người dân rất cao. Bên cạnh đó, thị trường khách quốc tế như châu Âu, Mỹ đã sẵn sàng đi du lịch tự do. Vì thế, cơ hội cho ngành du lịch hồi phục là rất lớn. Vấn đề là cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo an toàn và cơ quan chức năng công bố lộ trình, kịch bản mở cửa cụ thể cho từng giai đoạn. Doanh nghiệp có thể áng chừng xây dựng kế hoạch riêng nhưng không thể tự đặt ra tiêu chuẩn an toàn, không thể tự rủ nhau hoạt động, chọn thị trường mà vẫn phải thực hiện theo các tiêu chí, lộ trình của từng địa phương. Chưa kể, du lịch là chuỗi các dịch vụ. Các nhà cung cấp tại các điểm, địa phương hiện hầu như đã đóng cửa toàn bộ, muốn quay lại cần thời gian để họ huy động nhân lực, bảo trì, bảo dưỡng, sắp xếp lại cơ sở vật chất. TP đưa kế hoạch, lộ trình cụ thể càng sớm thì doanh nghiệp càng có nhiều thời gian chuẩn bị đáp ứng đầy đủ tiêu chí, khôi phục hạ tầng, xây dựng các gói sản phẩm tốt nhất để đón đầu cơ hội mở cửa.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP lữ hành Fiditour

Bộ tiêu chí đánh giá vùng an toàn cần thay đổi

Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đã đưa ra các kiến nghị cụ thể với lãnh đạo TP.HCM lẫn T.Ư tại các cuộc họp gần đây. Các doanh nghiệp đều rất mong được sớm mở cửa hoạt động trở lại để giữ chân đối tác, có thu nhập để công nhân có lương. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo quyết liệt.
Đáng nói, trong khi Thủ tướng Chính phủ đã sớm đưa ra quan điểm phải mở cửa kinh tế gắn liền với phòng chống dịch Covid-19 thì bộ tiêu chí đánh giá vùng an toàn để cho phép mở cửa của Bộ Y tế lại chưa thay đổi. Nếu Bộ Y tế không thay đổi thì thành phố cũng khó để công bố vùng an toàn và cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại. Vì vậy, tôi cho rằng không thể chần chừ và kéo dài hơn nữa việc giãn cách chặt như hiện nay.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
H.Mai – Ng.Nga – M.Phương (ghi)
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA – HÀ MAI
TNO