23/12/2024

Doanh nghiệp cần tự quyết phương án sản xuất

Doanh nghiệp cần tự quyết phương án sản xuất

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM vừa có quyết định về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP.
Doanh nghiệp mong muốn được tự chủ tổ chức phương án sản xuất phù hợp /// CTV
Doanh nghiệp mong muốn được tự chủ tổ chức phương án sản xuất phù hợp  CTV
Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho rằng không thể đáp ứng.

Áp dụng tiêu chí mới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục chờ

Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP.HCM chia ra nhiều lĩnh vực với 7 – 8 tiêu chí.

 TP nên trao quyền cho DN tự chịu trách nhiệm và lên phương pháp phòng chống dịch cho riêng mình. Cho DN tự kiểm soát dịch trong nhà máy, tự mua test làm mẫu gộp cho công nhân và có báo cáo cho cơ quan chức năng. Quy định 3 hay 5, hay 7 ngày test một lần tùy vào thực tế tại nhà máy

Ông Đặng Bá Long (Tổng giám đốc Công ty CP Ong mật TP.HCM)

Chẳng hạn, tiêu chí đánh giá an toàn tại các cơ sở sản xuất gồm: Người lao động tham gia sản xuất phải có thẻ xanh Covid-19, được xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trước khi vào làm việc. Tần suất xét nghiệm cho các nhóm đối tượng lao động theo quy định của ngành y tế (7 ngày/lần đối với nhóm thông thường, 3 ngày/lần với nhóm nguy cơ cao). Kiểm soát mật độ người lao động ở các phân xưởng từ 4 mtrở lên và khoảng cách giữa 2 người lao động từ 2 m trở lên. Trang bị cơ sở vật chất, y tế phục vụ công tác phòng chống dịch; bảo đảm vệ sinh môi trường phòng chống dịch tại khu vực. Tổ chức bữa ăn ca cho người lao động, kiểm soát lưu trú của người lao động…

Theo ông Trần Phúc Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TMA Solutions, rất khó để đáp ứng được toàn bộ các tiêu chí nêu trên nhất là quy định xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên. Trước đây khi tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, doanh nghiệp (DN) đã khốn đốn vì quy định xét nghiệm và nay tiêu chí này cũng không thay đổi. Hơn nữa, dịch bệnh thay đổi rất nhanh nên có thể chỉ sau vài tuần, bộ tiêu chí đánh giá an toàn lại phải thay đổi theo và DN sẽ càng tốn chi phí. Đối với DN ngành phần mềm như TMA Soutions, các nhân viên vẫn có thể làm việc trực tuyến được, nên sẽ tiếp tục duy trì hoạt động online và chờ khi nào TP có thể giảm bớt các quy định mới xem xét làm tập trung trở lại.
“DN phần mềm khác với sản xuất, ngành bán lẻ khác với logistics, nên không thể áp bộ tiêu chí phức tạp như vậy. Quy định này khiến nhiều DN sẽ phải tiếp tục ngồi chờ vì để đáp ứng các tiêu chí mà lỗ thì thà tạm đóng cửa. Hơn nữa, cơ quan quản lý cũng sẽ không đủ lực lượng để kiểm tra nên cũng không hiệu quả. Tôi cho rằng với mục tiêu khuyến khích và tạo điều kiện cho DN mở cửa sản xuất trở lại thì TP chỉ cần đưa ra các điều kiện chung tối thiểu như quy định 5K để DN phòng chống dịch. Sau đó có kiểm tra định kỳ, bởi mỗi DN đều sẽ tự mình có phương án đảm bảo sức khỏe cho nhân viên phù hợp”, ông Trần Phúc Hồng nhấn mạnh.
Còn ông Đặng Bá Long, Tổng giám đốc Công ty CP Ong mật TP.HCM, đánh giá từ đầu mùa dịch đến nay, DN thụ động trong việc phòng chống dịch, đa số là làm theo các mệnh lệnh hành chính. Những lần áp lệnh sau 48 tiếng phải tổ chức làm 3 tại chỗ, hay 2 địa điểm – 1 cung đường trước đây đã khiến DN phải ngừng hoạt động vì không đáp ứng kịp, lao đao khi sản xuất ngưng trệ. Rồi chỉ một vài công nhân F0 đóng cửa nguyên nhà máy, một hộ có ca F0 ngăn lô cốt nguyên con đường, nguyên thôn xã…
“Khi TP.HCM đã phủ được 70% vắc xin thì mạnh dạn mở cửa hơn, ưu tiên DN sản xuất trước để vực dậy nền kinh tế. Đặc biệt, TP nên trao quyền cho DN tự chịu trách nhiệm và lên phương pháp phòng chống dịch cho riêng mình. Cho DN tự kiểm soát dịch trong nhà máy, tự mua test làm mẫu gộp cho công nhân và có báo cáo cho cơ quan chức năng. Quy định 3 hay 5, hay 7 ngày test một lần tùy vào thực tế tại nhà máy, không nên đưa ra một con số bao nhiêu ngày buộc phải test trong khi toàn bộ công nhân viên đã tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin. Chi phí xét nghiệm vô cùng tốn kém. Hay quy định cả công ty có vài giấy đi đường theo tỷ lệ 10%… cũng không hiệu quả”, ông Đặng Bá Long nói.

Nơi chặt, nơi lỏng

Đại diện Công ty giao nhận vận tải T.A.M (Q.Bình Thạnh) cho rằng để xuất khẩu một lô hàng, cần rất nhiều công đoạn mới hoàn thành. Từ làm việc với hãng tàu, các chi cục hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan kiểm dịch, cơ quan đăng kiểm…
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo dừng áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và ban hành chỉ thị phòng chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19”.
Cụ thể, dừng áp dụng “3 tại chỗ”; lưu tâm hơn đến sản xuất trong hoàn cảnh sống chung với dịch. DN chủ động xây dựng mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng chống dịch, được địa phương hỗ trợ và phê duyệt phương án kịp thời cho sản xuất…

Vị này phân tích: Mỗi ngành có một nhu cầu khác nhau, nay TP đang tính từng bước để mở cửa trở lại, nhưng lại áp dụng đồng loạt cho mọi ngành nghề từ cơ quan nhà nước đến DN tư nhân với số lượng nhân viên 1/3 quân số từ nay đến ngày 30.9 và sau đó tăng lên 1/2 quân số… là không cần thiết. Bản thân ngành hải quan cũng có kiến nghị, nên tăng thêm lao động bởi chỉ có 10% công chức đi làm không giải quyết hiệu quả công việc. Sau đó TP đã bổ sung gần 190 giấy đi đường cho cơ quan hải quan, nay sao ngành logistics liên quan với xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn cứ mãi 1/3 quân số vậy được? Quy định như vậy kéo dài thời gian lưu kho, lưu bãi hàng hóa của DN, công ty dịch vụ hải quan không làm kịp hồ sơ thông quan, lại khó cho DN sản xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty XNK Vina T&T, nhận xét đến nay các DN hầu như đã kiệt sức sau giai đoạn sản xuất 3 tại chỗ và mong được bỏ mô hình này để gia tăng sản xuất trở lại. Nhưng nếu quy định xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần hay 3 ngày/lần thì không khác gì với mô hình 3T?
Hay quy định bao nhiêu phần trăm nhân sự phải làm việc trực tuyến thì lại không phù hợp cho nhiều DN. Ví dụ đối với các ngành sản xuất, DN phải cần có công nhân làm việc tại chỗ mới đảm bảo hoạt động, nhất là những công đoạn cần phải thực hiện nhanh như thu mua, chế biến và đóng góp nông sản, thủy sản… Vì nếu kéo dài lâu, sản phẩm sẽ bị hư, gây thiệt hại cả cho DN và người nuôi trồng. Thậm chí ngay cả khi cho phép mở cửa lại, thì nhiều DN cũng cần phải có thời gian để tuyển dụng lao động, tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy trình mới để đảm bảo phòng chống dịch an toàn.
Ông Tùng chia sẻ thêm: Ai cũng biết mỗi DN đều có phương thức hoạt động khác nhau. TP chỉ nên đưa ra các yêu cầu chung cho tất cả về mặt an toàn. Chứ không nên can thiệp quá sâu vào việc tổ chức, sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Nhất là không thể ban hành quy định cụ thể cho từng loại ngành nghề, vì sẽ có đa số là DN quy mô nhỏ thì không đáp ứng được mà các DN khác thì quá nhẹ, không phù hợp với tiêu chí của đối tác nước ngoài…
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO