22/01/2025

Doanh nghiệp đau đầu vì phí test

Doanh nghiệp đau đầu vì phí test

Thực trạng thị trường ‘loạn’ giá kit test, giá xét nghiệm Covid-19 khiến cho các doanh nghiệp ‘hoa mắt, chóng mặt’ không biết thế nào mà lần.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân ở Khu Công nghệ cao TP.HCM /// NGỌC DƯƠNG
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân ở Khu Công nghệ cao TP.HCM  NGỌC DƯƠNG
Để được quay trở lại hoạt động bình thường sau thời gian giãn cách, nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tại Hà Nội đang đau đầu tính toán chi phí xét nghiệm nhanh Covid-19 bởi trên thị trường quá nhiều loại, mỗi nơi một giá.
Bà L.T.V, trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp phần mềm của Nhật Bản có trụ sở tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết có khá nhiều đơn vị chào mua kit test và dịch vụ xét nghiệm. “Xem qua bảng giá thì các trung tâm xét nghiệm giá 200.000 – 250.000 đồng/lần; bệnh viện tư giá 280.000 – 380.000 đồng/lần. Còn giá kit test nhiều loại, nhiều giá, từ 100.000 – 200.000 đồng/test. Chắc chờ sau 21.9, nếu được tự xét nghiệm, công ty sẽ mua về tự test cho người lao động”, bà V. nói.
Theo khảo sát của Thanh Niên tại các địa bàn “nóng” về dịch bệnh Covid-19 như Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ…, giá test nhanh và xét nghiệm cũng đều vượt khung giá cơ sở mà Bộ Y tế công bố. Hệ lụy là “đội” chi phí cho doanh nghiệp khi phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Tháo gỡ cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết hiện Bình Dương đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp tự xét nghiệm (lựa chọn đúng loại được Bộ Y tế công nhận, cho phép) cho người lao động, tự chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm.
Còn tại Long An, đại diện các doanh nghiệp có lượng công nhân từ vài ngàn đến vài chục ngàn người, cho biết họ không đủ năng lực tài chính để thực hiện các quy định xét nghiệm khi “mở cửa” phục hồi sản xuất.

Thanh Niên

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty may Thúy Đạt (Nam Định), cho biết trước dịch công ty có khoảng hơn 1.000 nhân công, nhưng hiện tại chỉ còn duy trì khoảng hơn 500 công nhân. Theo yêu cầu kiểm soát dịch của tỉnh Nam Định, công ty đang phải test 3 ngày/lần. “Mức giá test nhanh là 238.000 đồng/người, lại test 3 ngày/lần nên công ty cũng đề nghị công nhân chia sẻ, chúng tôi hỗ trợ 138.000 đồng còn công nhân chịu chi phí 100.000 đồng”, ông Châu nói và cho biết áp lực chi phí với doanh nghiệp rất lớn.

Trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp tại KCN Thăng Long (Hà Nội) cho biết, công ty có 3.000 công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ”. Theo yêu cầu, 3 ngày/lần, công ty phải xét nghiệm 20% tổng số lao động. Mỗi lần xét nghiệm khoảng 600 người, công ty phải thuê đơn vị dịch vụ chuyên xét nghiệm. Việc này khiến doanh nghiệp bị động về thời gian, trong khi việc tập hợp hàng trăm lao động lấy mẫu không phải là dễ. Vị này chia sẻ: “Ngoài gánh chi phí vận hành, ăn ở cho người lao động, chúng tôi còn gánh thêm chi phí xét nghiệm. Giá dịch vụ test nhanh là 200.000 đồng/người/lần, tính ra mỗi lần xét nghiệm là 120 triệu đồng. Từ khi Hà Nội giãn cách đến nay, riêng khoản chi cho xét nghiệm đã lên tới gần 3 tỉ đồng. Đến ngày 21.9, công ty chuyển sang 2 tại chỗ nhưng vẫn phải xét nghiệm định kỳ. Nếu được chủ động tự test, doanh nghiệp sẽ bớt đi gánh nặng”.
Thực trạng doanh nghiệp “đau đầu” vì phí test cũng khá phổ biến tại TP.HCM. Một công ty chuyên sản xuất thiết bị điện trong KCX Tân Thuận (Q.7) cho biết, tháng 8 vừa qua, công ty phải chi trả chi phí xét nghiệm sàng lọc (gồm cả test nhanh và RT-PCR) cho người lao động khoảng 23 tỉ đồng. Ngoài chi phí này, công ty còn phải lo tổ chức xe đưa đón, thuê khách sạn để công nhân ở, sinh hoạt. Tổng cộng các chi phí đảm bảo phòng chống dịch lên đến khoảng 100 tỉ đồng/tháng.
Công ty CP in số 7 (Q.Bình Tân) cho hay, doanh thu của công ty mỗi tháng giảm hơn 75%, chưa tính chi phí phòng chống dịch. “Chúng tôi kiến nghị cần giảm chi phí xét nghiệm Covid-19 xuống. Một số doanh nghiệp cũng có yêu cầu là xét nghiệm miễn phí cho doanh nghiệp như người dân ở ngoài; hạch toán chi phí chống dịch vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp để xem xét về thuế; có nhiều chính sách ngân hàng về lãi suất, hỗ trợ vay ngắn hạn, dài hạn… để kích thích sản xuất; đẩy mạnh tiêm vắc xin trong độ tuổi lao động không phân biệt tỉnh, thành”, đại diện công ty nói.
THU HẰNG – PHAM THU NGÂN
TNO