11/01/2025

Xét tuyển đại học: Sốc với ‘bẫy điểm chuẩn cao’

Xét tuyển đại học: Sốc với ‘bẫy điểm chuẩn cao’

Điểm chuẩn các trường đại học công bố trong 2 ngày qua đã tạo nên một cú sốc lớn đối với một số thí sinh vì sập “bẫy điểm cao”, khi mà ngay cả nguyện vọng an toàn cũng trượt khỏi tầm tay.
Thí sinh Dương Công Hiếu, 27 điểm khối C (thang điểm 30), nhưng đối mặt nguy cơ trượt đại học /// ẢNH: NVCC
Thí sinh Dương Công Hiếu, 27 điểm khối C (thang điểm 30), nhưng đối mặt nguy cơ trượt đại học ẢNH: NVCC

 “Em phải làm gì đây ?”

Suốt mấy hôm nay, dòng trạng thái “18 tuổi, lần đầu tiên tôi biết cảm giác 27 điểm trượt hết tất cả nguyện vọng thi đại học” của Dương Công Hiếu (lớp 12A5, Trường THPT Phương Sơn, H.Lục Nam, Bắc Giang) đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, dù dưới nhiều dị bản.
Theo một số thí sinh (TS), ngày 15.9 là một ngày “kinh khủng”. Trước đó, các TS đều chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chờ đón việc điểm chuẩn năm nay tăng, nhưng ai cũng chỉ nghĩ là “tăng nhẹ”, “tăng chút chút”, “tăng đối đa 1,5 đến 2 điểm”, như các chuyên gia và thậm chí cả đại diện Bộ GD-ĐT dự báo suốt một tháng trước. Nhưng tối 15.9, một số TS đã sốc nặng sau khi hàng loạt trường công bố điểm chuẩn. Có trường ghi nhận tăng 9,6 điểm (Trường ĐH Hà Nội).
H.P.T, là TS ở TP.Sông Công (Thái Nguyên), cho biết xét tuyển khối C, được 23,75 điểm, đặt 5 nguyện vọng (NV) và đã trượt hết. “NV5 là NV cực kỳ an toàn của em, ngành luật Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, vì điểm chuẩn năm ngoái chỉ 15, nhưng năm nay vọt lên 24”.
Tình huống của H.P.T không phải cá biệt, mà thậm chí là phổ biến năm nay. Hàng loạt ngành của nhiều trường mới năm ngoái điểm chuẩn chỉ 18, 19 thì năm nay lên 25, 26 điểm. Thậm chí, ngành giáo dục chính trị tổ hợp C20 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm ngoái 19,25 điểm thì năm nay 28,25 điểm; hoặc khối D01 ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cũng của trường này tăng gần 8 điểm, từ 16,7 lên 23,95 điểm. Rồi tổ hợp A00, A01, C00, D01 ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tăng đến 9 điểm, từ 16 lên 25 điểm; ngành marketing cũng có mức tăng tương đương, từ 17 lên 26 điểm; ngành ngôn ngữ Anh từ 15 lên 24 điểm…
Thực tế này khiến một số TS hoang mang: “Em trượt ngay cả nguyện vọng chống trượt. Em phải làm gì đây?”.
Xét tuyển đại học: Sốc với 'bẫy điểm chuẩn cao' - ảnh 1

Dòng trạng thái của thí sinh Dương Công Hiếu trên trang Cộng đồng sinh viên 2K3

Xét tuyển đại học: Sốc với 'bẫy điểm chuẩn cao' - ảnh 2

Điểm chuẩn vượt trần

Việc hàng loạt TS trượt ngay cả NV chống trượt, nhìn ở từng góc độ TS, đôi khi chỉ là chuyện may rủi. Còn xảy ra hiện tượng điểm chuẩn cao chạm trần, thậm chí vượt trần, không còn là hiện tượng cá biệt của năm nay thì khiến xã hội hoang mang, đặc biệt với các ngành xét tuyển khối C.
Chẳng hạn, khối C ngành sư phạm ngữ văn Trường ĐH Hồng Đức lấy điểm chuẩn 30,5 điểm, thang điểm 30. Khối C ngành Hàn Quốc học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội lấy điểm chuẩn 30 (cũng thang điểm 30); ngoài ra, khối C trường này lấy 29,8 điểm chuẩn với ngành đông phương học; ngành quan hệ công chúng 29,3 điểm. Hoặc Trường ĐH Luật Hà Nội lấy 29,25 điểm với ngành luật kinh tế. Đối tượng nữ ngành nghiệp vụ an ninh Học viện An ninh nhân dân lấy 29,99 điểm…
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo, Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng mức điểm chuẩn các ngành và tổ hợp của trường là hiện thực khách quan, bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trường không thể tự hạ xuống hay nâng lên được.
“Trường ĐH Luật Hà Nội đã khá ưu ái cho TS khối C, dành cho các em đến 30% chỉ tiêu, trong khi khối A1 và A0 mỗi khối chỉ 20%. Các em khối C điểm cao nhiều, chỉ tiêu nói chung đã ít, chỉ tiêu vào trường luật càng ít. Trường xét tuyển là lấy từ trên xuống, đủ chỉ tiêu thì dừng, không thể lấy thêm để hạ điểm chuẩn xuống được”, bà Thủy nói.
GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cũng giải thích: “Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Hàn Quốc học rất thấp. Trong tổng số 50 chỉ tiêu thì đã có 15 TS được xét tuyển thẳng theo chứng chỉ quốc tế, giải thưởng quốc gia… như vậy chỉ còn 35 chỉ tiêu cho xét tuyển từ điểm thi THPT (trong khi đó, số lượng nguyện vọng cao. Gần 1.800 chỉ tiêu đăng ký vào ngành này)… Trong thực tế, không có TS nào đạt điểm thi tối đa 30/30 mà do được cộng điểm ưu tiên nên mới đạt hoặc vượt ngưỡng 30/30”.

Cả nước có 30 ngành điểm chuẩn tăng từ 9 – 11 điểm

Theo thống kê được Bộ GD-ĐT thực hiện chiều 17.9, số TS dự thi năm nay là 1.020.000, tăng hơn 11% so với năm 2020 (900.000). Trong đó, số TS đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ mầm non là 795.000, tăng 152.000 (24%) so với 2020. Trong khi đó số chỉ tiêu tăng 10.000; chỉ tiêu xét theo kết quả thi THPT giữ ổn định. Số đã xác nhận nhập học theo phương thức xét tuyển khác chỉ tăng 17.000 TS (92.000 so với 75.000 năm 2020).
Các trường tốp trên có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi các trường top giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh. Số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3259 mã ngành). Số ngành tăng từ 9 – 11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%. Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên có 265 ngành (8%), trong đó riêng khối kỹ thuật – công nghệ (70) và sư phạm (64) đã chiếm tới 50%; sau đó tới khối kinh doanh và quản lý (42), xã hội nhân văn (32), pháp luật (10).
Bộ GD-ĐT cho rằng có 3 nguyên nhân tăng điểm chuẩn: điểm bài thi tiếng Anh (tăng hợp lý); số lượng TS đăng ký xét tuyển tăng mạnh (số trẻ sinh năm 2003 tăng, xu hướng chọn học ĐH tăng), giới hạn chỉ tiêu của các trường tốp trên; xu hướng chọn ngành (tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh).\
QUÝ HIÊN
TNO