Mỹ siết chặt vòng vây quân sự nhằm vào Trung Quốc
Mỹ siết chặt vòng vây quân sự nhằm vào Trung Quốc
Mỹ đang từng bước thiết lập mạng lưới liên minh và hoàn thiện các mũi giáp công đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng.
Theo thông cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đăng tải, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của nước này ngày 16.9 (theo giờ Mỹ) đã có cuộc đối thoại 2+2 với các đồng cấp của Úc là Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton.
Cuộc đối thoại một lần nữa nhấn mạnh lợi ích chung của 2 nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Thông cáo chung cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông, đồng thời lên án các hành vi của Trung Quốc trong việc tìm cách kiểm soát vùng biển này dựa trên một tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Tăng cường răn đe
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, Mỹ cùng Anh và Úc ngày 16.9 công bố thành lập liên minh AUKUS để tăng cường hoạt động ở Indo-Pacific. Nằm trong tuyên bố này, Mỹ sẽ cung cấp công nghệ để Úc sở hữu hạm đội ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định: “Việc Mỹ để Úc sở hữu và vận hành các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ nâng cao năng lực hải quân và phạm vi hoạt động của Canberra. Các lợi ích khác đối với an ninh của Indo-Pacific bao gồm tăng cường mua lại, hợp tác, hoạt động và nghiên cứu an ninh 3 bên”.
|
“Kết hợp các lợi ích đó sẽ giúp 3 nước tiết kiệm chi phí thông qua nguồn cung ứng chung để đạt được những tiến bộ về chiến thuật, hoạt động và công nghệ mà mỗi quốc gia không phải gánh chịu toàn bộ chi phí về mặt chiến lược, thỏa thuận mới tăng cường khả năng răn đe chống lại sự xâm lược của Trung Quốc trong tương lai”, cựu đại tá Schuster nói.
Cũng trả lời Thanh Niên, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao – Tổ chức RAND, Mỹ) cho rằng: “Sự hình thành AUKUS phản ánh mối quan hệ sâu sắc lâu dài giữa Mỹ cùng các đồng minh Anh và Úc. Mối quan hệ đối tác sẽ chống lại ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc ở Indo-Pacific. Mối quan hệ hợp tác không chỉ giúp Úc mua và vận hành các tàu ngầm hạt nhân mà còn bao gồm các nỗ lực phối hợp nhằm bảo vệ những công nghệ tiên tiến của 3 nước và thúc đẩy sự phát triển đổi mới về quốc phòng. Nó sẽ tác động đến khu vực bằng cách tạo ra một đối trọng mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn đối với sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc”.
“AUKUS có thể đóng vai trò cốt lõi của một liên minh đa phương rộng lớn hơn gồm các quốc gia ủng hộ sự lãnh đạo và ảnh hưởng của Mỹ, giúp tăng cường khả năng răn đe trong khu vực chống lại sự xâm lược của Trung Quốc”, TS Heath dự báo.
Thế trận không – hải
Về mặt quân sự, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định khi sở hữu tàu ngầm hạt nhân có khả năng hoạt động lâu hơn so với loại tàu ngầm hiện có, Úc sẽ đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông dễ dàng hơn nhằm đối phó những hành động của Trung Quốc tại vùng biển này.
Trước mắt, khi Canberra chưa thể sớm vận hành tàu ngầm hạt nhân, hải quân Mỹ sắp triển khai các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia đến đồn trú ở căn cứ HMAS Stirling của hải quân Úc tại TP.Perth. Khi kết hợp thêm lực lượng tàu ngầm hạt nhân từ căn cứ HMAS Stirling, Mỹ sẽ hình thành nên mạng lưới các căn cứ dễ dàng tiếp cận Biển Đông. Đó là các căn cứ ở Nhật Bản, đảo Guam, bang Hawaii (Mỹ) và căn cứ HMAS Stirling.
Về không quân, Mỹ cũng đã thể hiện rõ năng lực hoạt động từ nhiều mũi giáp công. Cụ thể, tháng 12.2020, Mỹ tiến hành cuộc tập trận hiếm có khi điều động oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer từ đảo Guam bay đến Biển Đông, rồi tập trận cùng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22 tại đây.
Trong cuộc tập trận, tại vùng biển Nhật Bản, 4 máy bay tiêm kích F-15C của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân Kadena (Nhật) đã phối hợp với 4 chiếc B-1. Chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 của thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng tại Nhật và máy bay tiêm kích F-15J của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản cũng tham gia cuộc tập trận. Kèm theo, còn có thêm chiến đấu cơ F/A-18 được trang bị cho tàu sân bay USS Ronald Reagan. Bên cạnh đó, 2 oanh tạc cơ B-2 Spirit từ căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương cũng tiến hành huấn luyện ở Ấn Độ Dương.
Bên cạnh đó, oanh tạc cơ B-1 cũng nhiều lần xuất phát từ lục địa ở Mỹ hoặc cất cánh từ đảo Guam hoặc căn cứ tại Nhật để thực thi các sứ mệnh ở Biển Đông, hoặc rộng hơn là khu vực tây Thái Bình Dương.
|
Như thế, không quân Mỹ đã định hình năng lực triển khai đến Biển Đông hoặc vùng tây Thái Bình Dương từ 3 hướng: hướng đông là từ đảo Guam, hướng tây nam từ căn cứ Diego Garcia có thể đánh chặn ở eo biển Malacca – cửa ngõ từ Thái Bình Dương vào Ấn Độ Dương, và hướng bắc là từ Nhật hoặc từ bên trong lục địa Mỹ bay qua Nhật.
|
Kết nối tất cả yếu tố trên, Mỹ đang dần hoàn thiện mạng lưới triển khai tác chiến có thể vây chặt Trung Quốc ở vùng Biển Đông – cửa ngõ nối liền 2 đại dương của khu vực Indo-Pacific. Và như nhận xét của GS James Holmes, đó là cách để Mỹ khiến Trung Quốc phải từ bỏ ý định sử dụng sức mạnh quân sự nhằm độc bá khu vực.
Pháp triệu hồi đại sứ tại Mỹ, Úc về nước
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm qua thông báo đã triệu hồi hai đại sứ của nước này tại Mỹ và Úc về nước để tham vấn sau khi Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm với Pháp nhằm theo đuổi thỏa thuận mới với Mỹ và Anh, theo Reuters. “Hậu quả ảnh hưởng đến chính khái niệm của chúng ta về các liên minh, đối tác và tầm quan trọng của Indo-Pacific với châu Âu”, Ngoại trưởng Le Drian nói.
Phía Úc cùng ngày thông báo lấy làm tiếc về quyết định của Pháp, nhưng nhấn mạnh vẫn coi trọng quan hệ với Pháp và sẽ giữ liên lạc về nhiều vấn đề khác. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Pháp vẫn là đồng minh sống còn và Washington xem trọng giá trị của mối quan hệ giữa hai nước.
Vi Trân
NGÔ MINH TRÍ
TNO