28/11/2024

Malaysia, Indonesia lo nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực

Malaysia, Indonesia lo nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực

Malaysia, Indonesia đều quan ngại về kế hoạch sở hữu tàu ngầm hạt nhân của Úc theo thỏa thuận an ninh mới với Anh, Mỹ.
Tàu ngầm lớp Astute của Anh có thể là một trong những lựa chọn của Úc /// Hải quân Hoàng gia Anh
Tàu ngầm lớp Astute của Anh có thể là một trong những lựa chọn của Úc  HẢI QUÂN HOÀNG GIA ANH
Hãng Reuters ngày 18.9 đưa tin Malaysia bày tỏ lo ngại về kế hoạch sở hữu tàu ngầm hạt nhân của Úc theo thỏa thuận an ninh với Anh, Mỹ sẽ là chất xúc tác cho một cuộc chạy đua vũ trang ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Malaysia, điều đó sẽ kích thích các thế lực khác hành động một cách hung hăng hơn trong khu vực, nhất là ở Biển Đông.
“Là một nước thành viên ASEAN, Malaysia theo nguyên tắc duy trì ASEAN như một khu vực hòa bình, tự do và trung lập”, thông cáo nêu rõ, đồng thời kêu gọi các bên tránh bất cứ sự khiêu khích và cạnh tranh vũ trang nào trong khu vực.
Trước đó vào ngày 17.9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah ra thông cáo cho hay nước này đã hay biết về quyết định mua tàu ngầm hạt nhân của Úc, đồng thời nhấn mạnh rằng Indonesia quan ngại sâu sắc về cuộc chạy đua vũ trang tiếp diễn và sự thể hiện sức mạnh trong khu vực.
“Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết của Úc về việc tiếp tục tuân thủ phi hạt nhân hóa. Indonesia kêu gọi Úc duy trì cam kết đối với hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực theo Hiệp ước về Hữu nghị và Hợp tác”, theo ông Faizasyah.
Thông cáo kêu gọi Úc và các bên liên quan thúc đẩy đối thoại để dàn xếp mọi bất đồng một cách ôn hòa. “Về phương diện này, Indonesia nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982, nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực”, theo thông cáo.
Theo tờ Sydney Morning Herald, mối quan hệ giữa Jakarta và Canberra đang ở mức tốt nhất trong nhiều thập niên. Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm 16.9 đã gọi điện cho người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi để nói về kế hoạch sở hữu các tàu ngầm hạt nhân.
KHÁNH AN
TNO