10/01/2025

5 việc phản khoa học không giúp trị Covid-19 như lầm tưởng

5 việc phản khoa học không giúp trị Covid-19 như lầm tưởng

Dưới đây là 5 ‘mẹo’ chữa Covid-19 phản khoa học được lan truyền rộng rãi mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người cần tránh.
Ớt, tiêu hay tỏi đều không có công dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 /// THANH LƯƠNG
Ớt, tiêu hay tỏi đều không có công dụng hỗ trợ điều trị Covid-19  THANH LƯƠNG
Trong khi các biến thể SARS-CoV-2 (vi rút gây ra dịch Covid-19) khiến tình hình chống dịch tại nhiều quốc gia trở nên phức tạp, thì những thông tin sai lệch về Covid-19 lan truyền trên mạng cũng đang âm thầm ảnh hưởng đến nhiều người và làm phức tạp hơn tình hình dịch bệnh.
Dưới đây là 5 “mẹo” chữa Covid-19 phản khoa học được lan truyền rộng rãi mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người cần tránh.

Sai lầm 1: Ăn tỏi giúp chữa Covid-19

Tỏi là loại thực phẩm lành mạnh, có đặc tính kháng khuẩn cao. Tuy nhiên, đến nay không có bằng chứng khoa học nào cho thấy ăn tỏi sẽ giúp diệt SARS-CoV-2.
Theo tiến sĩ Sylvie Briand, Giám đốc Quản lý nguy cơ lây nhiễm toàn cầu thuộc WHO, hiện vẫn có một số nghiên cứu đang làm rõ tác dụng của tỏi trong hỗ trợ điều trị Covid-19, nhưng trước khi đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào, chúng ta cần cẩn trọng xem xét và đối chiếu nhiều nghiên cứu khác nhau.
Ngoài ra, chuyên gia của WHO cũng nhấn mạnh mọi người không nên lạm dụng tỏi với hy vọng nó giúp chữa Covid-19, bởi việc ăn quá nhiều tỏi có thể mang lại những tác động tiêu cực cho sức khỏe.

Sai lầm 2: Uống rượu ngừa Covid-19

WHO khẳng định trên thực tế rượu không chữa khỏi và cũng không thể ngăn ngừa Covid-19. SARS-CoV-2 hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi lượng rượu hay chất cồn mà chúng ta uống vào.
Tiến sĩ Sylvie Briand nhận định lầm tưởng này có thể xuất phát từ việc mọi người nhìn thấy nhiều dung dịch sát khuẩn, khử trùng có thành phần chính là cồn đã hoạt động hiệu quả với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, cần làm rõ rằng lượng cồn trong các dung dịch này ít nhất phải là 60% mới có thể đảm bảo hiệu quả diệt trùng. Cồn ở nồng độ này hoàn toàn không an toàn để uống và các loại rượu phổ biến trên thị trường có lượng cồn thấp hơn con số 60% rất nhiều.
Vì vậy, uống rượu để chữa SARS-CoV-2 là một suy nghĩ hoàn toàn lệch lạc. Đồng thời, việc lạm dụng rượu còn mang lại nhiều vấn đề tiềm ẩn cho sức khỏe, có thể ảnh hưởng tiêu cực cho quá trình phòng ngừa và điều trị Covid-19.

Sai lầm 3: Dùng ớt, tiêu để trị bệnh

Ớt hay hạt tiêu là những gia vị quen thuộc, giúp kích thích vị giác hiệu quả, cho món ăn thêm phần thú vị. Chúng hoàn toàn không thể ngăn ngừa hay chữa khỏi Covid-19. Hơn nữa, việc ăn quá nhiều gia vị cay như tiêu, ớt có thể dẫn đến đau dạ dày, nóng trong người, lở miệng, nổi mụn nhọt, mất ngủ… ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống hằng ngày.

Sai lầm 4: Đưa chất khử trùng vào cơ thể

Việc đưa bất kỳ chất khử trùng bề mặt nào vào cơ thể hay phun lên người sẽ không giúp trị hay phòng Covid-19. Ngược lại, hành động này còn có thể gây nguy hiểm.
Cụ thể, khuyến cáo từ WHO cho hay trong bất kỳ trường hợp nào, mọi người cũng không được đưa chất khử trùng vào bên trong cơ thể hay phun xịt lên người. Những chất này có thể gây ngộ độc nếu ăn phải, đồng thời gây kích ứng, tổn thương nếu rơi vào mắt hay da mặt.
Lưu ý, chất khử trùng chỉ nên được sử dụng đúng công năng làm sạch bề mặt. Nếu lưu trữ những chất này trong nhà, cần phải để xa tầm tay trẻ em.

Sai lầm 5: Phơi nắng, tắm nước nóng để diệt vi rút

WHO khẳng định việc lạm dụng sức nóng từ ánh sáng mặt trời không giúp bệnh nhân Covid-19 mau lành bệnh. Ngoài ra, đến nay, bằng chứng về việc Covid-19 không thể lây lan khi có ánh sáng mặt trời gay gắt vẫn còn rất mỏng manh. Do đó, cách bảo vệ tốt nhất trước SARS-CoV-2 vẫn là mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng và tiêm phòng khi đến lượt.
Bên cạnh đó, nhiều người nghĩ rằng việc tắm nước thật nóng có thể hỗ trợ chữa Covid-19. Đây lại là một sai lầm khác.
SARS-CoV-2 bắt đầu sinh sôi khi vào cơ thể người, với nhiệt độ bình thường vào khoảng 36,5 – 37°C. Do đó, bất kể bệnh nhân dùng nước có nhiệt độ bao nhiêu để tắm, cũng không làm ảnh hưởng đến sự sinh sôi của mầm bệnh trong cơ thể. Ngoài ra, việc tắm nước quá nóng còn có thể gây tổn thương cho da và tóc, thậm chí khiến bệnh nhân bị bỏng và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
THANH LƯƠNG
TNO