Sẽ ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến
Sẽ ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến
Theo ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em, sắp tới Bộ Lao động, thương binh và xã hội sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến.
Ngày 10-9, một bé trai 9 tuổi ở TP Hà Nội đã tử vong do dùng kéo chọc vào ổ điện.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), cho rằng vụ tai nạn thương tâm trên là cảnh báo đau xót với nguy cơ tai nạn trẻ phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh dạy và học trực tuyến hiện nay.
“Nếu không có giải pháp để phòng ngừa, có thể tái diễn các vụ việc tương tự trong tương lai”, ông Nam lo ngại.
Dù chưa có báo cáo đầy đủ về vụ việc, ông Nam vẫn lưu ý việc trẻ em phải đối mặt nhiều nguy cơ tai nạn không mong muốn khi học online do phải sử dụng các thiết bị điện, điện tử như máy tính, điện thoại thông minh…
Theo ông Nam, ngoài nguy cơ về điện giật, trẻ phải đối mặt những nguy cơ khác như cháy nổ thiết bị, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần do căng thẳng, hạn chế giao lưu với bạn bè… Đặc biệt, các em chưa được trang bị kỹ năng phòng tránh cũng như xử lý tình huống khẩn cấp.
Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ: “Các bậc phụ huynh phải tìm hiểu kiến thức về thiết bị điện, các giải pháp phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ. Chẳng hạn, chỉ cần lắp thêm 1 thiết bị tự ngắt dòng điện khi có sự cố gây chập cháy và cùng học, cùng đồng hành với các em trong các tiết học trực tuyến. Bên cạnh đó, các thầy cô cần trang bị thêm kiến thức về điện, điện tử để hướng dẫn, cảnh báo các em trước mỗi giờ học”.
Ông Nam khuyến cáo phụ huynh, giáo viên giảng dạy nên dành thời gian kiểm tra các thiết bị quanh trẻ trong giờ học trực tuyến và hướng dẫn trẻ tự bảo vệ bản thân. Sắp tới, Bộ Lao động, thương binh và xã hội sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến.
Ông Nam dẫn chứng có nghiên cứu chỉ rõ, có tới 50-60% tai nạn thương tích với trẻ xảy ra trong nhà như điện giật, cháy, bỏng, bị vật sắc nhọn đâm, ngã từ tầng cao, ngộ độc hóa chất…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ThS Nguyễn Phương Linh, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), cho rằng cha mẹ cần có những sinh hoạt gia đình thường xuyên như cùng con xem chương trình kỹ năng sống để trẻ nâng cao kiến thức và tìm người lớn khi cần trợ giúp.
Trẻ lớn hơn thì có thể giao bài tập tìm hiểu trên Internet về rủi ro gặp phải trong thực tế và giải pháp ra sao rồi chia sẻ với cha mẹ. Ví dụ, trẻ phải biết tránh dùng tay trần hoặc vật gì đó chọc vào ổ điện, như vậy là không an toàn.
Bà Linh dẫn chứng, trong giờ học, thầy cô có thể kiểm soát trẻ thông qua camera, nhưng giờ nghỉ giải lao trẻ có thể rời khỏi sự giám sát. Do vậy, cha mẹ phải xây dựng nền nếp, kỷ luật để trẻ hiểu phải học lúc nào, chơi lúc nào, tự trẻ bảo vệ bản thân khi không có người lớn ở bên.