Mọi hàng hoá, dịch vụ đều tăng trừ thu nhập
Mọi hàng hoá, dịch vụ đều tăng trừ thu nhập
Dịch vụ vận chuyển, cước tàu biển, giá hàng hóa thiết yếu cho tới các tài sản lớn hơn là bất động sản, vàng, chứng khoán… đều tăng trừ thu nhập.
Trong khủng hoảng, vàng luôn được coi là nơi trú ẩn an toàn cho cả cá nhân và tổ chức. Thế nhưng tại thị trường nội địa, trú ẩn vào kim loại quý lại hết sức rủi ro bởi bất chấp không có giao dịch, ngay cả có vàng muốn bán cũng không ai mua thì giá vàng vẫn tăng kỉ lục. Có thời điểm, cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 8 triệu đồng/lượng
Không giao dịch, vàng vẫn đắt đỏ
Kể từ ngày 23.8 đến nay, số tiệm vàng còn mở cửa tính trên đầu ngón tay. Đơn cử tính đến cuối tháng 7, PNJ đã tạm đóng 274 cửa hàng trên toàn hệ thống để thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đồng nghĩa với các giao dịch mua bán vàng trên thị trường đều tạm ngưng. Thậm chí nhiều người túng tiền, muốn bán vàng mua thực phẩm thiết yếu cũng đành chịu. Thế nhưng vàng trong nước vẫn giữ giá “đắt đỏ” hơn vàng thế giới rất nhiều. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC đang mua vào ở mức 56,75 triệu đồng/lượng và bán ra 57,45 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, vàng miếng SJC hiện cao hơn kim loại quý trên thị trường quốc tế 7 triệu đồng/lượng, tương đương 14%. Ở thời điểm tháng 8, có lúc vàng SJC cao hơn thế giới lên gần 9 triệu đồng/lượng, tương ứng khoảng 17%.
Giá vàng cao đẩy nhiều người có nhu cầu về vàng gặp nhiều rủi ro. Đầu năm 2021, ông Nguyễn Sơn (Q.7, TP.HCM) cần tiền nên vay mượn 10 lượng vàng miếng SJC của người thân bán được gần 560 triệu đồng mua căn hộ chung cư. Ông Sơn nói, cũng không muốn vay vàng vì biết nhiều rủi ro nhưng người thân chỉ có vàng nên đành “liệu”. Thời điểm đó, giá mua vàng là 55,9 triệu đồng/lượng, giá bán ra là 56,5 triệu đồng/lượng. Nay chuẩn bị đến hạn trả nợ mà giá vàng vẫn đứng ở mức cao, lên 57,45 triệu đồng/lượng khiến ông Sơn than trời khi thu nhập giảm do dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng trong khi món nợ lại phình to ra. Tính ra, mỗi lượng ông Sơn đang lỗ 1,55 triệu đồng nên phải bù thêm 15,5 triệu đồng cùng với nợ gốc mới đủ mua được 10 lượng. “Tôi đang xin người thân trả nợ vào cuối năm nếu tình hình dịch ổn sau ngày 15.9, còn không cho qua năm sau chứ bây giờ mà trả ngay thì không đủ khả năng”- ông Sơn buồn bã nói.
Xem lại lịch sử giá vàng vào thời điểm ông Nguyễn Sơn vay, lúc này giá kim loại quý trên thị trường thế giới đang ở mức 1.854 USD/ounce, cao hơn mức giá hiện nay 26 USD/ounce. Thế nhưng do giá vàng miếng SJC hiện nay gia tăng, “đắt” hơn lên đến 7 triệu đồng/lượng, thay vì chỉ 4,8 triệu đồng như thời điểm đó nên đẩy ông Nguyễn Sơn rơi vào hoàn cảnh bị lỗ nặng khi vay vàng.
Người bất đắc dĩ vay vàng đã khổ, người có nhu cầu trú ẩn vào vàng cũng rủi ro không kém. Luôn cao hơn giá vàng trong nước từ 7 triệu- 8 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua giá bán luôn được các công ty kinh doanh vàng nới rộng khi thị trường nóng lên, chưa kể giá vàng trong nước luôn biến thiên ngược chiều với giá thế giới khiến vàng đang bị loại bỏ ra khỏi danh mục đầu tư của nhiều người. “Bớt một sự lựa chọn, đó cũng là thiệt thòi của các nhà đầu tư trong nước”- một chuyên gia tài chính nhận định.
Giá cao do các công ty “ôm” hàng từ trước
Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cho rằng giá vàng trong nước “neo” ở mức quá cao đã gây ra không ít phản cảm. Không có lí do gì mà cả thị trường đóng cửa, không mua bán, chẳng có mãi lực để xác định mức giá giao dịch mà các đơn vị cứ công bố giá cao là quá vô lý.
Theo ông Trần Thanh Hải, sau ngày 15.9, nếu cơ quan chức năng cho mở cửa lại thị trường thì chênh lệch giá trong và ngoài nước cũng sẽ vẫn cao như hiện nay bởi các công ty kinh doanh vàng đang “ôm” hàng nhiều trong suốt nhiều tháng qua nên giá bình quân hàng tồn sẽ ở mức cao do chi phí lãi vay, lương của nhân viên, tiền thuê mặt bằng. “Mức chênh lệch trong và ngoài nước đã hình thành trước giãn cách rồi tồn tại và tích lũy trong suốt thời gian qua nên việc kéo về mức thấp hơn rất khó”- ông Hải thừa nhận.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp trong năm 2019 đã xuất khẩu được 2,1 tỉ USD vàng trang sức, mỹ nghệ, tăng 231,2% so với năm 2018 và năm 2020 đã xuất được 2,6 tỉ USD. Còn theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, riêng Tập đoàn Doji trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020 đã xuất khẩu được 53,8 tấn sản phẩm kim hoàn, mỹ nghệ, thu về 2,5 tỉ USD. Câu hỏi đặt ra là, việc xuất khẩu vàng tăng mạnh những năm qua liệu có làm giảm nguồn vàng trong nước, đẩy giá tăng cao? Ông Trần Thanh Hải cho rằng: “Tôi không tin lượng vàng trong nước không còn, với đà chênh lệch trong và ngoài nước luôn giữ mức cao thì không sợ thị trường thiếu hàng. Hơn nữa lượng vàng mà dân nắm giữ ở nhà cũng khá lớn. Ngoài ra, con số vàng xuất khẩu trong suốt thời gian qua được tính cả vàng và đá quý, vàng nguyên liệu tạm nhập tái xuất. Còn nếu chỉ tính hàm lượng vàng không mà lên đến 54 tấn vàng thì đơn vị kinh doanh không cần phải xuất số vàng này đi hằng năm, chỉ cần để lại tiêu thụ trong nước với mức giá chênh lệch cao hơn giá thế giới từ 4 – 5 triệu đồng/lượng cũng thu về một số tiền kếch xù”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng – Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) trong những thời điểm khó khăn, khủng hoảng, vàng được xem là kênh trú ẩn an toàn. Người dân hay nhà đầu tư thường tìm kênh trú ẩn là nhằm bảo toàn tài sản, sau đó mới tính đến việc sinh lời. Nhưng cả hai yếu tố này đối với vàng hiện nay đều không có. Thời điểm giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 mà trú ẩn vào vàng là đầy rủi ro do thị trường trong nước không mở cửa, giá thế giới không liên thông với quốc tế, dẫn đến chênh lệch cao hơn lên đến 7 – 8 triệu đồng mỗi lượng. Trường hợp mở cửa thị trường vàng trở lại, khả năng vàng sụt giảm sẽ gia tăng do người dân cần tiền chi trả cho các sinh hoạt phí sẽ bán ra, trong khi người mua không có. Một số tiệm vàng ở các tỉnh thành khác còn hoạt động được ghi nhận là người dân đi bán vàng khối lượng nhỏ khá nhiều. Khi lực bán vàng trên thị trường xuất hiện nhiều, các đơn vị kinh doanh vàng lúc này có thể sẽ ‘ép” giá xuống, kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài chênh lệch giữa giá mua vàng trong và ngoài nước, người mua vàng còn đứng trước rủi ro khác là khoảng cách giữa giá mua và bán quá cao, hiện lên 700.000 đồng/lượng. Các đơn vị kinh doanh cũng áp dụng chiến lược phòng thủ trong giai đoạn này khi điều chỉnh giá trên thị trường.Tình hình thị trường trong nước là vậy nhưng kim loại quý trên thị trường quốc tế theo ông Nguyễn Ngọc Trọng vàng vẫn là kênh trú ẩn bởi biến thể của dịch Covid-19 làm tình trạng dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan, là bệ đỡ giá vàng đi lên khi các nền kinh tế vẫn chao đảo. Xu hướng vàng trong ngắn hạn có thể sẽ tăng lên lại mức 1.900 USD/ounce, trường hợp các ngân hàng trung ương bán mạnh vàng, lúc đó giá mới giảm mạnh.
Để rút ngắn khoảng cách giá giữa vàng trong và ngoài nước, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam trước đó cũng đã đưa ra một số kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất kinh doanh. Đồng thời, bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay. Cho phép một số công ty đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng sẽ giúp tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của vàng miếng trên thị trường, cũng như tạo lợi thế cho người dân khi mua vàng. Những kiến nghị này của Hiệp hội được phía Ngân hàng Nhà nước ghi nhận nhưng theo đánh giá của nhà điều hành thì vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải hàng hóa bình thường như các loại hàng hóa khác nên cần được quản lý.
THANH XUÂN
TNO