02/11/2024

Chỉ số sản xuất tại TP.HCM lao dốc gần 50%

Chỉ số sản xuất tại TP.HCM lao dốc gần 50%

Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong tháng 8 giảm gần 27% /// Ng.Nga
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong tháng 8 giảm gần 27%  NG.NGA
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, trong tháng 8, chỉ số sản xuất tháng 8 so với cùng ký năm trước tại nhiều địa phương giảm mạnh. Mức giảm cao nhất là tỉnh Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; TP.HCM giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%; Hậu Giang giảm 29,5%; Khánh Hòa giảm 28,6%; Tiền Giang giảm 27%; Cần Thơ giảm 25,9%; Kiên Giang giảm 25,6%; Long An giảm 20,9%; Đà Nẵng giảm 17,1%; An Giang và Quảng Nam cùng giảm 15,5%; Đồng Nai giảm 13,3%; Bình Dương giảm 12,6%; Hà Nội giảm 6,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 3,7%.
Tuy nhiên, chỉ số này tại một số tỉnh phía Bắc lại tăng đáng ghi nhận. Chỉ số sản xuất tháng 8 của Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%; Ninh Thuận và Nam Định cùng tăng 14,2%; Quảng Trị tăng 13,7%; Bắc Giang tăng 13,1%; Kon Tum tăng 12,5%; Quảng Ngãi tăng 11,4%.
Sản xuất tại các tỉnh thành lớn giảm kéo theo kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8 cũng giảm theo. Trong tháng 8, xuất nhập khẩu cả nước ước tính đạt 53,7 tỉ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 5,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 13,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 1,9%.
Đáng lưu ý, một số mặt hàng xuất là thế mạnh của Việt Nam trong tháng 8 xuất khẩu cũng giảm mạnh, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 12%, hàng dệt và may mặc giảm 9,2%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 26,9%, giày dép các loại giảm 38,5%…
Theo Bộ Công thương, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong nước, đặc biệt TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu từ tháng 7 đến nay. Do đó, tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn quốc.
Bộ Công thương cho rằng, theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ cho mùa tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày và thủy sản… Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.
NGUYÊN NGA
TNO