Lithuania kêu gọi Liên minh châu Âu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Lithuania kêu gọi Liên minh châu Âu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Trong cuộc thảo luận ngày 3.9 về quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Gabrielius Landsbergis của Lithuania nói khối này cần phải đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc, South China Morning Post đưa tin.
“Chính sách đối với Trung Quốc của từng quốc gia thành viên không giúp đẩy mạnh chính sách của Liên minh Châu Âu. Nếu mỗi nước tự hành động và bỏ qua cơ chế EU27, chúng ta sẽ thua ở rất nhiều mặt”, ông Landsbergis phát biểu.
Ông Landsbergis cũng nói cơ chế 27+1 – tức các thành viên EU cùng nhau giải quyết vấn đề – là giải pháp duy nhất giúp khối này có thể đối thoại bình đẳng với Bắc Kinh. Ngoại trưởng Lithuania cũng kêu gọi EU tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào thương mại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Landsbergis nói EU phải làm việc với các quốc gia cùng chí hướng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và hơn thế nữa, đồng thời tăng cường hợp tác với NATO về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Sau cuộc họp, Cao ủy EU phụ trách đối ngoại và chính sách an ninh Josep Borrell cho biết quan hệ của khối này với Trung Quốc đang ở “thời điểm phức tạp, đặc biệt là do các vấn đề Hồng Kông và Tân Cương”.
“Các bộ trưởng nhấn mạnh rằng EU cần cách tiếp cận thực dụng, thực tế và đồng bộ đối với Trung Quốc, đồng thời EU cần sự đoàn kết và ý thức trách nhiệm chung”, ông Borrell nói.
“Ngoài ra, chúng ta phải làm việc với Trung Quốc về vấn đề Afghanistan. Cạnh tranh nhưng cũng hợp tác trong các vấn đề thương mại và kinh tế là phần quan trọng trong quan hệ của EU với Trung Quốc”, ông Borrell phát biểu.
Cuộc họp trên diễn ra sau khi Lithuania triệu hồi đại sứ của nước này tại Bắc Kinh. Trước đó, Trung Quốc cũng có hành động tương tự.
Quan hệ giữa Lithuania và Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi Đài Loan hồi tháng 7 thông báo sẽ mở văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius của Lithuania với tên gọi “Văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuania”. Bắc Kinh đã phản đối việc Lithuania đặt tên văn phòng như vậy. Các văn phòng đại diện của Đài Loan tại châu Âu chỉ sử dụng từ “Đài Bắc” thay vì Đài Loan.
ĐÔNG A
TNO