Hàng ngàn tấn cá tra nằm ao, nông dân lỗ nặng
Hàng ngàn tấn cá tra nằm ao, nông dân lỗ nặng
Giá cá tra trên thị trường tuy có nhích nhẹ do nguồn cung sụt giảm, nhưng do giãn cách xã hội nên nhiều ao nuôi tại ĐBSCL đến kỳ thu hoạch vẫn đang ngóng chờ thương lái.
Mỗi ngày 5- 10 tấn cá chết
Ông Lê Ngọc Phát (ngụ xã Tân Hòa, H.Lai Vung, Đồng Tháp) cho hay ao nuôi của gia đình hiện có hơn 2.000 tấn cá tra, kích cỡ từ 1,2 đến 1,3 kg/con, đến kỳ thu hoạch. Do Đồng Tháp đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên không thể bán cá. Không có người mua, ông Phát phải neo cá dưới ao và trung bình mỗi ngày tốn gần 1 tỉ đồng chi phí thức ăn cho cá, để tránh cá bị sụt cân, mất sản lượng.
|
‘Tôi đang thu hoạch cá thì ngày 14.7 tỉnh Đồng Tháp có lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên bị cắt ngang, tới giờ đâu có thương lái nào đến mua. Các hộ nuôi cá ai cũng chờ công ty thủy sản hoạt động trở lại để bán cá. Nếu cứ giãn cách xã hội vì Covid-19 hoài thì dân nuôi cá sẽ bể nợ”, ông Phát than thở.
Ông Phát chia sẻ, đến nay gia đình ông đã tốn hàng chục tỉ đồng tiền thức ăn để duy trì đàn cá. Thế nhưng, gánh nặng về chi phí thức ăn không đáng lo bằng sự rủi ro có thể đến với đàn cá bất cứ lúc nào nếu kéo dài neo cá dưới ao. ‘Tôi còn may mắn, chứ nhiều bạn bè quen biết qua thời gian dài neo cá dưới ao thì cá chết mỗi ngày 5 – 10 tấn, thiệt hại nhiều tỉ đồng’, ông Lê Ngọc Phát nói.
Cùng cảnh ngộ, các ao cá tra của ông Phạm Công Lập (ngụ xã Tân Công Chí, H.Tân Hồng, Đồng Tháp) còn hơn 800 tấn đến kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua. Trong khi đó, giá thức ăn tăng do vận chuyển khó khăn khiến người nguôi càng có nguy cơ lỗ nặng’.
Mỗi ký cá lỗ khoảng 2.000 đồng
Tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.600 ha diện tích nuôi cá tra, trong đó có 567 ha đến kỳ thu hoạch, sản lượng ước gần 231.000 tấn. Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, giá cá tra nguyên liệu hiện từ 20.500 – 22.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với tuần trước. Với giá này, người nuôi lỗ gần 2.000 đồng/kg.
|
Hiện lượng cá tra còn tồn tại ao của Đồng Tháp tương đối nhiều do tình trạng thu hoạch khó khăn. Một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã cắt giảm sản lượng khi phải thực hiện sản xuất 3 tại chỗ chưa kể đa số doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động do chưa đảm bảo quy định 3 tại chỗ. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân công thu hoạch, vận chuyển thủy sản đi tiêu thụ cũng bị hạn chế do quy định giãn cách xã hội sẽ tác động đến hoạt động sản xuất cá tra xuất khẩu và thuỷ sản khác. Từ đó người nuôi phải kéo dài thời gian nuôi để chờ tiêu thụ.
Tại An Giang, theo Chi cục Thủy sản tỉnh này, toàn tỉnh có diện tích nuôi cá tra hơn 1.230 ha, đã thả nuôi gần 1.100 ha và đã thu hoạch hơn 800 ha với sản lượng hơn 270.000 tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm, An Giang còn khoảng 157.000 tấn cá tra thu hoạch, trong đó doanh nghiệp liên kết với người nuôi tiêu thụ khoảng 134.500 tấn, sản lượng còn lại các hộ dân nuôi nhỏ lẻ.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết không riêng gì hộ dân nuôi cá mà doanh nghiệp chế biến cá tra hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi chuỗi cung ứng nguyên liệu đứt gãy về sản xuất con giống, mua bán, chế biến và tiêu thụ bị đình trệ.
|
Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã tạm đóng cửa, chỉ còn số ít các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động 3 tại chỗ, nhưng chủ yếu lấy nguyên liệu có sẵn trong kho và nguyên liệu từ vùng nuôi đã có của các công ty. Do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khó khăn trong việc di chuyển, việc mua bán cá tra giữa các thương lái hoặc giữ công ty với các hộ nuôi hầu như không diễn ra. Không bán cá được nên các hội nuôi cho ăn cầm chừng và nếu nuôi càng kéo dài nhiều thì người nuôi thua lỗ càng nặng. Nếu cá quá size thì bán lại càng khó.
Tuy giá xuất khẩu cá tra gần đây có tăng nhưng do chi phí sản xuất, vận chuyển, thức ăn tăng cao, nên các doanh nghiệp thủy sản cũng khó khăn và chịu nhiều thiệt hại.
‘Dự báo sản lượng cá tra ở các ao nuôi và các kho của doanh nghiệp giảm rất lớn nên tình hình dịch bệnh ổn thì khả năng giá cá tăng do thiếu nguồn cung. Hiện thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản giá cá tra đều tăng do thiếu nguồn cung’, ông Dương Nghĩa Quốc nhận định.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính hết tháng 7, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt hơn 906 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ quý 2/2021, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường như: UAE, Mỹ, Canada, Brazil, Mexico, Colombia, Nga, Thái Lan,… bắt đầu tăng tích cực trở lại. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát rộng tại các tỉnh thành ĐBSCL nên nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo VASEP, chỉ khi doanh nghiệp chế biến cá tra khôi phục lại sản xuất trở lại thì giá cá tra nguyên liệu mới có thể tăng.
TRẦN NGỌC
TNO