28/12/2024

Vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc tăng cường kiểm soát Biển Đông

Vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc tăng cường kiểm soát Biển Đông

Đó là ý kiến của chuyên gia luật quốc tế khi trả lời Thanh Niên về việc Trung Quốc áp dụng quy định mới về an toàn hàng hải.

 

 

Chiến hạm Trung Quốc trong một lần tập trận ở Biển Đông /// Ảnh: Chinamil.com.cn
Chiến hạm Trung Quốc trong một lần tập trận ở Biển Đông  ẢNH: CHINAMIL.COM.CN

Từ hôm qua (1.9), Trung Quốc bắt đầu áp dụng các quy định mới về khai báo đối với một số loại tàu thuyền đi vào lãnh hải mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Đây là động thái mà giới quan sát quốc tế nhận định là chiêu trò mới của Bắc Kinh nhằm tiến thêm 1 bước kiểm soát Biển Đông.

Vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc tăng cường kiểm soát Biển Đông - ảnh 1

GS Pedrozo

Cũng vào hôm qua, GS Raul A.F. Pedrozo, thuộc Viện nghiên cứu Luật quốc tế Stockon – Đại học Hải chiến Mỹ, đã trả lời Thanh Niên để phân tích động thái trên của Trung Quốc.

Nhiều điểm vi phạm luật pháp quốc tế

Ông nhận xét thế nào về quy định an toàn hàng hải mà Trung Quốc vừa ban hành và áp dụng từ hôm qua (1.9)?

Việc Trung Quốc bắt buộc phải về khai báo/thông báo trước đối với một số loại tàu (tàu lặn, chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chiến) hoặc tàu chở một số loại hàng hóa (chất phóng xạ hoặc chất độc hại) là không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS)1982 và Công ước về An toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) .

Một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, được thể hiện trong UNCLOS (theo Điều 17) là tất cả các tàu (kể cả tàu chiến) của bất kể quốc gia nào, tàu hàng hay phương tiện đẩy, đều được hưởng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải nước khác. Quyền đi lại vô hại cũng áp dụng cho các tàu có thể lặn nếu khi di chuyển qua lãnh hải nước khác trong trạng thái nổi và treo cờ quốc gia của mình. Việc đi lại là vô hại miễn là tàu hoặc tàu lặn không tham gia vào bất kỳ hoạt động bị cấm nào được liệt kê trong UNCLOS (Điều 19). Việc không tháo trước cho quốc gia ven biển không phải là một trong những hoạt động bị cấm.

Trung Quốc có thể thông qua các luật và quy định về việc đi lại vô hại liên quan an toàn hàng hải, điều tiết giao thông hàng hải, bảo tồn môi trường biển, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm. Tuy nhiên, các luật và quy định đó không được áp đặt các yêu cầu đối với tàu nước ngoài mà có thể dẫn đến việc bác bỏ hoặc cản trở quyền đi lại vô hại. Vì thế, quy định mới của Trung Quốc có nhiều điểm không phù hợp với UNCLOS và nguyên tắc đi lại vô hại.

Theo SOLAS (Quy định V/11), bất kỳ hệ thống khai báo bắt buộc nào về tàu trước tiên phải được đệ trình lên Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) để thông qua và thực hiện theo hướng dẫn của IMO. Cho nên, Trung Quốc đơn phương áp đặt các tàu nước ngoài phải khai báo là vi phạm SOLAS và luật pháp quốc tế.

Cuối cùng, tàu chiến và các tàu phi thương mại khác của chính phủ được hưởng quyền miễn trừ từ quyền tài phán của quốc gia ven biển (Điều 32 của UNCLOS). Ngoài ra, SOLAS (Quy định V/1) miễn trừ cho các tàu chiến và các tàu phi thương mại khác của các chính phủ đối với việc phải khai báo hoặc định tuyến tàu nào của quốc gia ven biển, ngay cả khi được IMO chấp thuận. Do đó, việc Trung Quốc tìm cách yêu cầu khai báo bắt buộc hoặc yêu cầu thông báo trước đối với tàu chiến nước ngoài hoặc tàu phi thương mại khác của chính phủ sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.

Gia tăng hoạt động kiểm soát

Từ những thực tế trên, việc Trung Quốc đưa ra quy định mới như trên gây ảnh hưởng thế nào đối với Biển Đông?

Trung Quốc sẽ sử dụng quy định mới như một phương tiện ngầm để triển khai số lượng lớn hơn các tàu của Lực lượng Hải cảnh nước này (CCG) và lực lượng dân binh hàng hải (PAFMM) nhằm duy trì sự hiện diện liên tục ở Biển Đông. Qua đó, Trung Quốc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền hàng hải và lãnh thổ bất hợp pháp. Các quốc gia trong khu vực có thể đối mặt tình trạng tàu CCG và PAFMM sẽ hiện diện ngày càng nhiều ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc tăng cường kiểm soát Biển Đông - ảnh 2

Tàu Hải Dương địa chất 8 (trái) khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dưới sự bảo vệ của tàu hải cảnh 3501, vào năm 2019   ẢNH: NGƯ DÂN CUNG CẤP

Từ đó, các tàu CCG và PAFMM tăng cường thực thi quy định mới để chống lại tàu biển nước ngoài hoạt động trong khu vực lân cận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tàu CCG và PAFMM sẽ được sử dụng chủ yếu để tiếp tục chiến dịch đe dọa của Trung Quốc đối với các quốc gia khác trong khu vực, nhằm thể hiện rõ hơn và củng cố quyền kiểm soát đối với Biển Đông.

NGÔ MINH TRÍ

TNO