03/11/2024

Bỗng dưng bị công ty tài chính đòi nợ

Bỗng dưng bị công ty tài chính đòi nợ

Chưa từng vay tiền qua công ty tài chính, không biết đó là ứng dụng nào nhưng rất nhiều người dân bỗng dưng nhận được email nhắc hạn thanh toán khoản nợ từ các công ty tài chính.
 /// Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Không trả nhanh sẽ phải đóng phạt?

Phản ánh đến báo Thanh Niên, anh V.T.K – làm việc tại một doanh nghiệp có trụ sở tại Q.3 – TP.HCM – tỏ ra hoang mang khi sáng 28.8, anh nhận được một email từ địa chỉ [email protected] (MoneyCat) với chủ đề “THÔNG BÁO NHẮC HẠN THANH TOÁN (DPD – 5)”. Trong thư, phía công ty này cho biết gửi email để nhắc nhở anh T.K về khoản vay sẽ tới hạn vào ngày 2.9.2021. Số tiền phải thanh toán là 250.000 đồng. Phía MoneyCat yêu cầu anh K chuyển tiền ngay trong ngày, thanh toán sớm trước hạn và không quên “dọa” nếu đóng trễ sẽ phải chịu phí phạt và các chi phí không mong muốn.
Bên cạnh đó, “để giảm khó khăn nếu số tiền vượt quá khả năng” của khách hàng, công ty này đề xuất phương án khách hàng chuyển tiền gia hạn để được gia hạn lên tới 14 ngày và hướng dẫn cách thức thanh toán bằng cách truy cập vào trang web của MoneyCat. Đồng thời, đính kèm số hotline 1900636727 để khách hàng liên hệ trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào.
Bất ngờ vì chưa từng nghe qua tên công ty, đừng nói tới vay tiền, anh K cẩn trọng không bấm vào đường link đính kèm vì sợ bị lộ thông tin hoặc bị lừa chiếm đoạt tiền. Thế nhưng, bán tín bán nghi, anh K gọi điện qua số hotline để phản ánh. “Gọi xong tôi mới thấy hối hận, sơ suất quá, có lẽ họ sẽ tiếp tục lấy số điện thoại của tôi để gửi tiếp những tin lừa đảo như vậy. Không biết làm sao địa chỉ email bị lộ hay có ai lấy email tôi để đi vay tiền không… Nguy hiểm quá” – a K lo lắng.
Đồng cảnh ngộ, anh N.Toàn (Q.3, TP.HCM) cũng không hiểu chuyện gì khi tự nhiên nhận được email (thư điện tử) từ app vay tiền trực tuyến Robocash, chúc mừng anh đã đăng ký tài khoản thành công tại ứng dụng này. Cung cấp số đăng nhập, ứng dụng Robocash hướng dẫn chi tiết cách thức để có khoản vay với những thao tác hết sức đơn giản, chỉ mất khoảng 4 phút điền thông tin và 1 phút để nhận được số tiền vay. Đáng nói, dù không thực hiện theo bất kì hướng dẫn nào nhưng sau đó, ứng dụng này liên tục gửi về mail anh Toàn thông báo “đơn xin vay tiền của bạn đã bị từ chối, chúng tôi không thể cấp khoản vay theo hồ sơ yêu cầu vay 500 triệu đồng của quý khách”, đồng thời hướng dẫn anh Toàn tạo hồ sơ đề nghị vay mới sau ngày 17.9.

“Nếu không trả, có chuyện gì chúng tôi không chịu trách nhiệm”

Không đột nhiên trở thành “con nợ” như anh K, anh Toàn nhưng chị Lệ Phương (Q.7, TP.HCM) cũng khốn khổ vì những cuộc gọi đòi nợ lừa đảo. Đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng liên tục gọi điện yêu cầu chị Phương thanh toán khoản nợ 100 triệu đồng cho 1 người bạn mà chị chỉ quen trên facebook, không hề thân thiết. Liên tục trong nhiều ngày, nhóm người này dùng nhiều số điện thoại khác nhau, “khủng bố” tinh thần chị Phương và còn đe dọa “nếu không trả, chị bước ra khỏi cửa có chuyện gì chúng tôi không chịu trách nhiệm”.
Liên quan đến việc các công ty tài chính đòi nợ người không liên quan đến các khoản nợ vay, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết NHNN đã có công văn nhắc nhở các công ty tài chính về khâu đòi nợ khách hàng sau khi nghe phản ánh từ khách hàng cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với những trường hợp đòi nợ không đúng, khách hàng nên phản ánh trực tiếp đến công ty tài chính, NHNN và cũng có thể là cơ quan công an… để được giải quyết. Cuối năm 2019, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 18 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Trong đó, quy định rõ các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.
Thông tư trên yêu cầu các tổ chức tài chính không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Câu like hay một chiêu lừa đảo mới ?

Hôm qua (29.08), nhiều người nhân được tin nhắn với nội dung “Cảnh báo khẩn : Vừa rồi, đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta đã được tiêm phòng, nhấn phím 1; Nếu chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, và điện thoại bị chặn, thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến và thanh toán swk thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển. Mọi người cẩn thận nha. Nhanh tay chuyển đến cho nhiều người cùng biết. Chỉ cần bấm theo hướng dẫn của nó là trong 3 giây, nó lấy được hết thông tin tài khoản ngân hàng, nó vô hiệu hóa điện thoại của mình, máy chủ nó điều khiển. Khi nó rút tiền ngân hàng, nó nhắn mã OTP vào số điện thoại của mình nhưng nó nhận được, máy mình vô hiệu hóa…”. Chúng tôi thừ lần theo một số đầu mối chuyển tin nhắn này thì nhận được câu trả lời họ nhận được tin nhắn từ người khác là bạn bè. Tiếp tục “truy vết” thì được một người nói “đó là thông tin câu like”.
Đến giờ, thông tin này là đùa giỡn câu like hay cũng là một chiêu lừa đảo chưa biết chính xác nhưng trong bối cảnh hiện nay, theo các chuyên gia công nghệ, người dân nên cảnh giác với tất cả những thông tin dạng này. Việc chích vắc xin đã được triển khai xuống tuyến phường, xã với đầu mối cụ thể. Không để kẻ gian lợi dụng tình hình dịch bệnh để “móc túi” mình.
HÀ MAI
TNO