23/11/2024

Bước ngoặt bi kịch đẩy Mỹ vào thời khắc nguy hiểm nhất ở Afghanistan

Bước ngoặt bi kịch đẩy Mỹ vào thời khắc nguy hiểm nhất ở Afghanistan

Mỹ liên tục phát cảnh báo khẩn về nguy cơ tấn công khủng bố hiện hữu, trong khi Taliban đang dần siết vòng vây ở sân bay thủ đô Kabul của Afghanistan.
Lính thủy đánh bộ Mỹ Nicole Gee (đứng) bế trẻ sơ sinh trong chiến dịch di tản ở sân bay Kabul ngày 20.8. Sáu ngày sau cô thiệt mạng trong vụ đánh bom của IS /// Reuters
Lính thuỷ đánh bộ Mỹ Nicole Gee (đứng) bế trẻ sơ sinh trong chiến dịch di tản ở sân bay Kabul ngày 20.8. Sáu ngày sau cô thiệt mạng trong vụ đánh bom của IS  REUTERS
Khi chỉ còn vài ngày nữa đến hạn chót rút hết quân Mỹ khỏi Afghanistan, không khí căng thẳng bao trùm không chỉ ở Kabul mà cả ở thủ đô Washington D.C (Mỹ). Từ Tổng thống Joe Biden, Đại sứ quán Mỹ tại Kabul, Lầu Năm Góc đến giới chức tình báo Mỹ đưa ra những cảnh báo an ninh dồn dập.
“Tình hình thực tế tiếp tục cực kỳ nguy hiểm, và mối đe dọa tấn công khủng bố tại sân bay vẫn cao. Các chỉ huy của Mỹ đã báo cáo với tôi rằng một vụ tấn công rất có thể xảy ra trong vòng 24-36 giờ tới”, Tổng thống Biden tuyên bố ngày 28.8.
Không lâu sau đó, đại sứ quán Mỹ tại Kabul phát đi cảnh báo khẩn về một mối đe dọa “đáng tin” ở khu vực cụ thể của sân bay Kabul, bao gồm các cổng ra vào. Sứ quán Mỹ yêu cầu mọi công dân nước này ở gần sân bay lập tức rời khỏi khu vực.
Sự căng thẳng đẩy lên mức các chuyên gia an ninh Mỹ phải thừa nhận những ngày cuối cùng của tháng 8 này sẽ là khoảng thời gian nguy hiểm nhất từ trước đến nay.
Lo ngại của phía Mỹ là có cơ sở khi quân đội nước này vừa chịu cú đả kích khủng khiếp vào ngày 26.8: tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện vụ đánh bom liều chết ngay bênngoài sân bay Kabul, làm hơn 170 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ. Đây là tổn thất lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan kể từ năm 2011, và trớ trêu hơn khi nó xảy ra vào thời điểm Mỹ đang ở những ngày cuối cùng hiện diện tại Afghanistan.
Vụ đánh bom ngày 26.8 tạo ra một bước ngoặt bi kịch trong chiến dịch rút quân của Mỹ, khiến hồi kết 20 năm cuộc chiến tại Afghanistan không theo cách mà Mỹ muốn. Trước đó, việc chính quyền Afghanistan nhanh chóng sụp đổ và Taliban lên nắm quyền kiểm soát đất nước trong thời gian ngắn đã khiến Mỹ bất ngờ.
Để rồi những nỗ lực di tản công dân cũng như người Afghanistan khỏi Kabul trở nên gấp gáp, hỗn loạn và kết lại bằng sự lo ngại tột độ. Vụ đánh bom liều chết ngày 26.8 cũng đẩy Mỹ tiến tới cái bắt tay miễn cưỡng với Taliban để gia cố an ninh tại sân bay trước những mối đe dọa tấn công ngày càng dồn dập.
Điều đáng nói, mối đe dọa chính lúc này không phải đến từ Taliban mà nằm ở những nhóm khủng bố “ẩn mình” như ISIS-K, nhánh của IS ở Afghanistan.
Dù đã dự báo về sự hỗn loạn và đau thương khi rút quân khỏi Afghanistan trước hạn chót 31.8 nhưng những gì đã và đang trải qua có thể là kịch bản xấu nhất với quân đội Mỹ trong chiến dịch rút quân của mình, bởi rút quân là quyết định do chính Mỹ chủ động đưa ra.
Hôm nay 29.8, lính Mỹ bắt đầu rời đi, Taliban đang dần siết vòng vây để kiểm soát sân bay Kabul. Các đồng minh phương Tây của Mỹ cũng đã gần như hoàn tất các chuyến bay di tản. Số người đã rời khỏi Afghanistan qua chiến dịch khổng lồ này là hơn 112.000, theo AFP. Các nước cũng thừa nhận còn rất nhiều người ở lại.
Rồi đây, khi những ngày cuối cùng trôi đi trong căng thẳng, vùng đất Afghanistan sẽ lại đối diện thêm hàng loạt mối hiểm nguy mới, mà hành động đánh bom vừa rồi là chỉ dấu cho thấy những nguy cơ rất cao về khủng bố trong lòng đất nước này vẫn còn đó, thậm chí khó lường hơn.
TUYẾT LAN
TNO