23/12/2024

Văn phòng CDC Đông Nam Á: Ứng phó với đại dịch trong tương lai

Văn phòng CDC Đông Nam Á: Ứng phó với đại dịch trong tương lai

Các dịch bệnh như cúm gia cầm ở người, MERS, Zika và hiện là COVID-19 cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường an ninh y tế toàn cầu hơn nữa để sẵn sàng đối phó với các dịch bệnh tiếp theo.

 

Văn phòng CDC Đông Nam Á: Ứng phó với đại dịch trong tương lai - Ảnh 1.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong buổi lễ ra mắt chính thức văn phòng Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội ngày 25-8 – Ảnh: AFP

Trong chuyến thăm đến Việt Nam từ ngày 24 đến 26-8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã khai trương văn phòng Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội. Văn phòng này có vai trò chiến lược trong dự phòng ứng phó với các khủng hoảng y tế toàn cầu có thể xảy đến trong tương lai.

Dịch bệnh không có biên giới

Nói về việc mở văn phòng CDC tại Hà Nội, trong cuộc họp báo ngày 27-8, bác sĩ Mitchell Wolfe – giám đốc CDC Mỹ – cho biết đại dịch COVID-19 một lần nữa khẳng định điều chúng ta đã biết từ lâu là dù dịch bệnh xảy ra ở một nơi nhưng sẽ là mối đe dọa với mọi nơi. Thế giới phải hợp tác trong ứng phó dịch bệnh ngay tại nguồn để ngăn chặn sự lây lan.

Đông Nam Á là khu vực không xa lạ với các bệnh truyền nhiễm. Trong vòng 20 năm qua, khu vực này đã chứng kiến nhiều dịch bệnh mới khác nhau như cúm gia cầm, MERS, Zika… Nhưng cũng trong thời gian đó, đặc biệt 15 năm qua, các nước ở đây cũng đã hợp tác với nhau để nâng cao năng lực cơ bản trong ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Các biện pháp này gồm giám sát, phản ứng khẩn cấp, xây dựng nhân sự thông qua tập huấn, phát hiện dịch bệnh, hệ thống phòng thí nghiệm và nhiều lĩnh vực then chốt khác.

Với kinh nghiệm đó, trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19, nhiều nước đã ứng phó rất tốt và nhanh chóng trước khi gặp thách thức mới từ biến thể Delta.

Theo bác sĩ John MacArthur – giám đốc văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, trong khi vẫn tiếp tục các nỗ lực toàn cầu trong và sau COVID-19, CDC nhận thức rõ ràng là dịch bệnh không bị ngăn cách giữa các đường biên giới. Do đó hợp tác giữa các nước là vấn đề cấp thiết.

Mục tiêu dài hạn của CDC Mỹ là thiết lập mạng lưới liên kết chặt chẽ với khoảng 8 đến 12 văn phòng khu vực trên toàn cầu như CDC Mỹ Latin, CDC Trung Đông, CDC Bắc Phi, CDC Trung Âu… Phương pháp tiếp cận theo khu vực sẽ giúp CDC phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn với các đợt bùng dịch về sau.

Đội “thám tử dịch bệnh”

Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á sẽ hỗ trợ các nước trong khu vực tăng cường an ninh y tế, thúc đẩy những giải pháp xuyên quốc gia để giải quyết các vấn đề an ninh y tế toàn cầu.

Tại buổi khai trương văn phòng hôm 25-8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết sẽ có chương trình tập huấn cho đội ngũ chuyên gia dịch tễ về phát hiện dịch bệnh. Theo bác sĩ John MacArthur, mô hình này gọi là chương trình dịch tễ thực địa, đã được triển khai lần đầu tại Thái Lan từ những năm 1980 và sau đó là toàn bộ 10 nước Đông Nam Á.

Chương trình gồm các khóa tập huấn, đào tạo, thực tập linh hoạt về thời gian. Từ 2 – 4 tuần, 6 tháng, cho đến 2 năm dành cho bác sĩ, chuyên viên dịch tễ tuyến cơ sở. Các hạt nhân của chương trình đào tạo là đội ngũ hàng ngàn “thám tử dịch bệnh” làm việc tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã.

Khóa học giúp họ phát hiện các dấu hiệu bất thường về dịch bệnh, kiểu như các ca nhiễm COVID-19, bệnh cúm gia cầm, Zika hay một loại bệnh tật khác. Chẳng hạn, khi nhiều trẻ em bị ngứa, nhiều người chết vì bệnh hô hấp, dù chưa biết chính xác đó là bệnh gì nhưng các “thám tử dịch bệnh” sẽ đi tìm hiểu.

Họ cũng sẽ không đơn độc mà có các phòng xét nghiệm hỗ trợ. Dĩ nhiên họ cần làm việc với các chuyên gia trong hệ thống ngành dọc thuộc bộ y tế để xác định liệu vấn đề bất thường mới xảy ra có phải một dịch bệnh có nguy cơ bùng phát hay không. Từ các phát hiện tại địa phương, cơ quan y tế có thể triển khai chiến lược giảm nhẹ để ngăn chặn dịch bệnh xảy ra ở quy mô lớn.

Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á sẽ cùng các đối tác xây dựng năng lực về dịch tễ trong khu vực và có mạng lưới tập huấn rộng khắp về dịch tễ.

Vì sao Mỹ chọn mở văn phòng CDC tại Hà Nội?

CDC Mỹ đã có lịch sử hợp tác hơn 70 năm với Đông Nam Á. Các chuyên gia của CDC từng đến miền Bắc Việt Nam để nghiên cứu về bệnh sốt rét. CDC Mỹ cũng có lịch sử hợp tác lâu dài với chính phủ và người dân Việt Nam trong các vấn đề sức khỏe quan trọng như HIV, cúm gia cầm, SARS, và các dịch bệnh khác.

“Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo ở Đông Nam Á trong vấn đề an ninh y tế toàn cầu. Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh và hỗ trợ các công tác của chúng tôi. Về lâu dài, một quan hệ chiến lược về an ninh y tế giữa Việt Nam và Mỹ là điều chúng tôi hướng tới”, bác sĩ John MacArthur nói.

HỒNG VÂN
TTO