23/12/2024

‘Đi chợ hộ’ quá tải

‘Đi chợ hộ’ quá tải

Sau 6 ngày giãn cách tăng cường, nhu cầu người dân tại TP.HCM mua thực phẩm tăng mạnh, tại các chuỗi bán lẻ, những đơn hàng online, đi chợ hộ đã quá tải. Các hệ thống cho biết, chỉ giải quyết 10% đơn hàng online.
Nhiều chuỗi bán lẻ đang thiếu nhân lực trầm trọng để giao hàng kịp cho người dân tại nhà /// Ảnh: SCT
Nhiều chuỗi bán lẻ đang thiếu nhân lực trầm trọng để giao hàng kịp cho người dân tại nhà ẢNH: SCT

Giao hàng đến từng hộ dân mới đáp ứng 10 – 20%

Chiều 27.8, đại siêu thị AEON Việt Nam cho hay, các đơn hàng thường được các tổ, phường tổng hợp và gửi đến siêu thị trước từ 1 – 2 ngày, nên khá chủ động trong việc đặt hàng tươi sống với nhà cung cấp. Ngay các combo bánh mì cũng được chuẩn bị vào buổi sáng và tránh được tình trạng tồn hàng, bảo đảm sản phẩm luôn được tươi mới mỗi ngày. Cập nhật đến chiều 27.8, lượng đơn hàng combo tại các siêu thị AEON Tân Phú và AEON Bình Tân ngày 27.8 đã tăng gấp 3 – 4 lần so với những ngày đầu triển khai, trung bình mỗi ngày tăng khoảng 30%. Chỉ riêng trong ngày 27.8, siêu thị AEON Tân Phú nhập vào khoảng 5 tấn thịt, cá và 20 tấn rau củ quả để chuẩn bị combo hàng hóa người dân đã đặt. Dự kiến số lượng đơn hàng sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới, do người dân có nhu cầu mua thêm các sản phẩm thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là đồ tươi sống. Chưa kể, địa phương, siêu thị và người dân cũng sẽ dần quen với quy trình và việc vận hành đi chợ hộ, các khâu tổng hợp đơn, chuẩn bị hàng, giao hàng, thanh toán đều sẽ được tối ưu, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Còn chuỗi siêu thị VinMart/ VinMart+ cũng cho biết, nguồn hàng dữ trữ tăng gấp 3 – 4 lần, doanh nghiệp đã xây dựng 9 combo hàng hóa thiết yếu có giá từ 150.000 đồng mỗi combo gồm: rau củ quả, thịt, cá, trứng, sữa, gia vị, gạo, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình… tùy theo nhu cầu của người dân tại mỗi địa phương. Tuy nhiên, vị này cho hay, lượng đơn hàng tại chuỗi bán lẻ này tồn đọng lên đến hàng ngàn đơn. Riêng lượng đơn hàng online được đăng ký qua hệ thống đi chợ hộ của các tổ dân phố, các cửa hàng mới giải quyết được khoảng dưới 10%, còn lại đang phải “nợ” khách hàng vì chưa thể giao hàng kịp.
Hệ thống Bách hóa Xanh ở TP.HCM trung bình mỗi ngày nhận gần 50.000 đơn hàng từ các tổ, phường và qua đặt hàng online. Ngày thường, hệ thống này có ít nhất 250.000 lượt mua hàng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, phụ trách hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh, hiện tại, cũng như các chuỗi bán lẻ khác, mỗi ngày hệ thống cửa hàng chỉ giao chưa tới 10.000 đơn hàng (chưa tới 20% nhu cầu) do thiếu người giao nhận. Lượng hàng giao thông qua các đại diện tổ, khu phố không nhiều. Riêng nhân viên siêu thị cũng chỉ cố gắng giao được những đơn hàng cho người dân ngay sát cửa hàng vì cũng không có giấy phép qua lại các chốt kiểm tra. Lượng hàng hóa cung ứng đảm bảo đầy đủ nhưng vì thiếu người giao hàng nên đơn hàng luôn ùn tắc, không đáp ứng kịp nhu cầu cho người dân ở nhiều khu vực.

Kiến nghị tăng nguồn lực giao hàng

Thực tế, sau 6 ngày “ai ở đâu ở yên đó”, nguồn thực phẩm dự trữ đã cạn, nhu cầu mua thực phẩm trở lại rất cao. Chẳng hạn, tại P.9, Q.Tân Bình có 7 khu phố, trong ngày 26.8, lượng đơn hàng đi chợ hộ gửi qua các cán bộ phụ trách các khu phố tăng vọt, lên đến hàng trăm đơn. Trao đổi với Thanh Niên, một số cán bộ đảm trách đi chợ hộ tại một khu phố cho hay, cả trăm đơn hàng, nhưng chỉ đặt được khoảng 30 đơn qua Công ty TNHH hủ tíu Đ.T. Các đơn hàng đặt mua từ đơn vị cung cấp cũ ngày hôm qua, theo giao ước, sẽ giao hàng vào 9 giờ sáng nay. Tuy nhiên, đến 15 giờ chiều nay (27.8), theo đại diện một khu phố trong phường thì người dân vẫn chưa nhận được hàng.
Ông Mai Đình Phượng, Chủ tịch P.9, Q.Tân Bình thông tin, lượng đơn hàng của người dân đặt thông qua các đại điện của 7 khu phố trong phường tăng vọt từ hôm qua (26.8), tuy nhiên, tình trạng khan hàng chưa xảy ra. 5 cửa hàng bán thực phẩm trong phường đến hôm nay đã đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân, không lo thiếu hụt. Việc giao hàng có thể bị chậm do nguồn hàng từ chuỗi bán lẻ đưa về chậm, nhân sự các cửa hàng thiếu với sự hỗ trợ của địa phương, sẽ giúp giao sớm nhất có thể, nếu hàng về kịp. Tinh thần vẫn đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng cho người dân trong giãn cách.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ cho hay, nhân viên giao hàng tại cửa hàng hiện tại thực sự quá tải. Một cửa hàng có 2 – 3 nhân viên, nhưng chỉ cấp tối đa được một giấy đi đường. Thế nên, chỉ có một bạn chạy giao hàng cho khách từ bên ngoài, bất chấp mưa nắng. Quan trọng hơn, nhân viên khác không thể thay thế đi luân phiên theo ca được vì giấy đi đường nào, có tên người đó rồi. Trong khi đơn hàng vào ngày cuối tuần đang tăng mạnh. Hiện chính quyền các phường, quận tại TP.HCM đang đặt hàng cho các siêu thị với lượng hàng lớn, nhưng tình hình này rất khó đáp ứng giao nhanh cho người dân. Đại diện chuỗi bán lẻ này cũng đang kiến nghị Sở Công thương cấp thêm giấy đi đường cho nhân viên siêu thị bởi nhu cầu phục vụ giao hàng cho người dân quá lớn. Lượng giấy đi đường mà Sở đang cấp cho doanh nghiệp mới đạt 30% nhu cầu. Trong khi đó, siêu thị LotteMart cho hay, doanh nghiệp đang tập trung bán hàng theo combo cho các đơn vị, địa phương đặt hàng số lượng lớn, bán lẻ từng khách hàng thì không thể đủ nhân lực để vận hành, phục vụ.
Đại diện AEON Việt Nam cho biết, cả siêu thị và địa phương cần huy động nguồn lực lớn về nhân sự mới đủ để giao hàng cho từng hộ dân. Siêu thị AEON sẽ tiếp tục tận dụng nguồn nhân lực hiện có để chuẩn bị đơn hàng, đồng thời mong muốn các cơ quan ban ngành cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để tăng thêm nhân sự và đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từ địa phương. Bên cạnh đó, trước thông tin một số đơn vị công nghệ đề xuất ứng dụng hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đại diện AEON Việt Nam hy vọng hoạt động này sẽ góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán.
NGUYÊN NGA
TNO