23/12/2024

Bắt đầu dạy học tích hợp từ lớp 6: Tính điểm thế nào?

Bắt đầu dạy học tích hợp từ lớp 6: Tính điểm thế nào?

Bộ GD-ĐT đưa ra những hướng dẫn về việc tổ chức dạy học và chấm điểm với một số môn học tích hợp sẽ lần đầu áp dụng ở lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới
Từ lớp 6 năm học tới, học sinh sẽ học tích hợp môn lịch sử và địa địa lý thay cho học hai môn riêng biệt như trước đây /// ẢNH TUỆ NGUYỄN
Từ lớp 6 năm học tới, học sinh sẽ học tích hợp môn lịch sử và địa địa lý thay cho học hai môn riêng biệt như trước đây  ẢNH TUỆ NGUYỄN
Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 với giáo dục trung học, trong đó có những lưu ý về triển khai dạy học, kiểm tra đánh giá với môn số môn học ở lớp 6, lớp học đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo các văn bản hiện hành; xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục bám sát yêu cầu cần đạt theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến và trực tiếp phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương.
Trong đó, lưu ý tổ chức dạy học đồng thời các phân môn lịch sử, địa lý (đối với môn lịch sử và địa lý), các nội dung âm nhạc, mỹ thuật (đối với môn nghệ thuật) tương đương về thời lượng trong từng học kỳ.
Tổ chức dạy học môn tin học, ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông  2018 đối với những học sinh lớp 6 có khả năng học tập và phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, sở, phòng GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục.

Tích hợp nhưng vẫn tính điểm theo phân môn

Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng lưu ý trong đánh giá, cho điểm với một số môn học, hoạt động giáo dục mới ở lớp 6: môn lịch sử và địa lý, mỗi phân môn chọn 2 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong một học ký; bài kiểm tra, đánh giá định kỳ gồm nội dung phân môn lịch sử và phân môn địa lý theo tỷ lệ tương đương giữa 2 phân môn tính đến thời điểm kiểm tra.
Môn nghệ thuật: mỗi nội dung âm nhạc, mỹ thuật chọn 1 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kỳ; khuyến khích thực hiện bài kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập bao gồm từng nội dung âm nhạc, mỹ thuật. Bài kiểm tra định kỳ môn nghệ thuật được đánh giá mức “đạt” khi cả 2 nội dung âm nhạc và mỹ thuật được đánh giá là “đạt”.
 Đối với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục của địa phương: giáo viên được phân công nội dung nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với nội dung đó; hiệu trưởng giao cho một trong số các giáo viên được phân công dạy học chủ trì, thống nhất chọn 2 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kỳ, thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định; khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập.
Riêng đối với môn tích hợp khoa học tự nhiên (được tích hợp từ các môn vật lý, hoá học, sinh học theo chương trình cũ), Bộ GD-ĐT không hướng dẫn cho điểm từng phân môn. Trao đổi thêm với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), lý giải: vì môn này không chia phân môn và là môn học được thiết kế tích hợp về kiến thức nên chỉ tính điểm như một môn học.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu thực hiện việc đánh giá học sinh THCS và THPT theo hướng phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học ở nhà trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
 Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục.
Chuẩn bị tốt điều kiện để kiểm tra, đánh giá trực tuyến
“Các cơ sở cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực  tuyến theo quy định , bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh”, văn bản của Bộ GD-ĐT nêu.
TUỆ NGUYỄN
TNO