24/12/2024

Muôn chuyện bi, hài thời ‘đi chợ hộ’ tại TP.HCM

Muôn chuyện bi, hài thời ‘đi chợ hộ’ tại TP.HCM

Kết bạn Zalo theo số cung cấp thì cả chục số, không ai chấp nhận; mua 10 món nhưng chỉ được 3 món; có tiền trong tài khoản nhưng chủ hàng chỉ nhận tiền mặt… là những tình huống bi hài với hình thức “đi chợ hộ”.
Người dân TP.HCM được 'đi chợ hộ' từ ngày 23.8 /// ẢNH: CAO AN BIÊN
Người dân TP.HCM được ‘đi chợ hộ’ từ ngày 23.8  ẢNH: CAO AN BIÊN

Kết bạn 2 ngày mới được “đi chợ hộ”

Chị B.Ngọc (cư dân chung cư Masteri Thảo Điền, TP.Thủ Đức) sáng nay (26.08) sốt ruột kể, hôm qua khu vực phường Thảo Điền nơi chị ở triển khai chương trình “Đi chợ giúp dân” và thông báo cho các gia đình danh sách 17 số điện thoại liên hệ (4 số cho người nước ngoài) để người dân liên hệ gửi phiếu. Mỗi hộ gia đình được đăng ký 15 món lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu rồi gửi phiếu qua Zalo cho các đầu mối theo 1 trong 17 số điện thoại trên. Ngay lập tức, chị Ngọc điền phiếu rồi gửi kết bạn Zalo cho số điện thoại đầu tiên trong danh sách nhưng chờ mãi không thấy được chấp nhận. Không được số này thì tìm số khác nhưng cả hơn chục số mà chị được cung cấp đều “từ chối làm bạn với tôi thì làm sao mà gởi phiếu mua hàng”- chị Ngọc nói. Sốt ruột, chị Ngọc gọi điện trực tiếp cho các số điện thoại lần lượt từ trên xuống dưới nhưng gần 6 số vẫn không ai bắt máy.
“Biết là hiện nay tình hình dịch bệnh phức tạp, khắp nơi bận rộn nên tôi cũng ráng kiên nhẫn, chờ qua hôm nay liên hệ lại. Rút kinh nghiệm hôm qua rà số theo thứ tự từ trên xuống dưới không được, chắc do nhiều người như mình gọi, đường dây quá tải. Hôm nay tôi đổi chiến thuật đi số từ cuối lên. Gửi tin nhắn kết bạn Zalo được tới số thứ 3 thì ơn giời, cũng được chấp nhận. Người đi chợ hộ thông báo theo tình hình hiện tại thì khoảng 3 ngày sau gia đình tôi mới nhận được hàng”- chị Ngọc kể và cho biết, trong nhóm chat các hộ gia đình tại đây, một người chia sẻ phiếu mua hàng với hơn chục món đồ và thực tế nhận tế nhận được chỉ có 3 mặt hàng là gạo, mì và nước ngọt. Các món khác như trứng, hành lá, bún… thì không có.
Chị Ái Linh (ngụ Q.10) lại rơi vào tình trạng “đói trên đống tiền”- như cách chị nói đùa. Cũng như nhiều người, chị Linh gửi mẫu đăng ký cho trưởng nhóm nhờ mua đồ giùm. Khổ nỗi, bác trưởng nhóm chỗ nhà chị Linh lại không nhận chuyển khoản, chỉ lấy tiền mặt. Hai vợ chồng làm việc ở nhà gần tháng nay, không còn đủ tiền mặt nên đến giờ vẫn đang chờ tìm cách ra cây ATM gần nhà rút tiền để được “đi chợ hộ”.
Muôn chuyện bi, hài thời 'đi chợ hộ' tại TP.HCM - ảnh 1

Nhiều khu vực báo danh sách thực phẩm “đi chợ hộ” theo từng combo để người dân lựa chọn đăng ký

Hoang mang vì giá combo

Bên cạnh chuyện gửi được phiếu – nhận được hàng, giá cả và phương thức thanh toán cũng khiến nhiều gia đình đau đầu khi đăng ký “đi chợ hộ”.
“Đi chợ hộ trong chung cư tôi giá đắt lắm” – chị Nguyễn Khánh Linh (cư dân chung cư 1050, đường Phan Chu Trinh, Bình Thạnh) mở đầu câu chuyện, dẫn chứng: Giá gạo rẻ nhất 199.000 đồng/5 kg, tức 40.000 đồng/kg, cao nhất 250.000 đồng/5 kg, tức 50.000 đồng/kg, gấp 1,5 – 2 lần giá gạo cùng loại mua tại đại lý; Thịt bán theo combo gồm 2 khay thịt gà (500 g/khay), 2 khay thịt heo (300 g/khay) và 1 hộp 10 quả trứng gà công nghiệp, giá tới 350.000 đồng, trong khi thịt để chung chung ngẫu nhiên 2 loại. Nếu thay thịt heo bằng thịt bò thì giá 500.000 đồng cho 1 combo như trên.
Ban quản trị chung cư 1050 thông báo đã cố gắng hết sức nhưng không đủ nhân lực phục vụ đơn hàng quá nhiều của bà con nên nhờ người dân đăng ký combo theo menu của Farmer Market. Chỉ có 1 sự lựa chọn thôi nhưng giá cao quá, ở nhà thu nhập cũng giảm nên chị Linh quyết định không đăng ký. Thay vào đó, chị đăng ký theo nhóm “đi chợ hộ” của Bách hóa Xanh trên Zalo nhưng nhóm có tới cả ngàn thành viên, mỗi người vào nhắn 1 câu, loạn luôn. Hết cách, chị Linh bảo “Thôi, nhà còn gì ăn nấy, cứ hết rồi tính tiếp!”.
Tiếp chủ đề giá thực phẩm, anh Tuấn Vũ (ngụ H.Củ Chi) chia sẻ câu chuyện thật như đùa: Hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng ở sát nhau. Cán bộ xã Phú Mỹ Hưng báo giá thịt heo 150.000 đồng/1,5 kg, trong khi bảng giá thịt heo niêm yết của xã An Nhơn Tây được kê 140.000 đồng/700 g. “Nghe đâu thịt của xã Phú Mỹ Hưng là tự mổ, tự cung cấp, còn thịt của xã An Nhơn Tây là nhập thịt tươi nên mới chênh nhau như vậy. Ngay sát nhà tôi thịt heo bán đồng giá 100.000 đồng/kg tất cả các loại nên mẹ tôi mua 8 kg ăn bữa giờ, khỏi lo nhờ ai đi chợ hộ” – anh Vũ nói.
Bên cạnh “đi chợ hộ”, người dân cũng có nhiều cách mua thực phẩm. Chị Ngọc Huyền (ngụ tại chung cư Dragon Hill 2, H.Nhà Bè, TP.HCM) cho biết, trước khi UBND TP triển khai hình thức “đi chợ hộ”, chị đã tham gia vào nhóm các bà mẹ bỉm sữa của khu chung cư, cùng đặt thức ăn, rau củ quả rồi chuyển khoản tiền cho trưởng nhóm.
“Các chị, các mẹ rành lắm, biết nhiều nguồn hàng, thịt, rau, cá… đủ cả, cái gì cũng có mà giá cả cũng ổn. Thực ra chắc vì ở 1 mình, ăn không bao nhiêu nên thực phẩm cũng không cần mua nhiều. Đấy, vừa đặt ké được túi rau Đà Lạt, phải mang ra rửa ngay rồi cất luôn vào tủ lạnh mới bảo quản được cho 1 tuần. Thế này chắc chẳng có cơ hội được nhờ anh bộ đội nào đi chợ cho ấy chứ” – chị đùa.

Mỗi lần nhận được hàng, bảo vệ toà nhà mang đến phát theo từng đơn, để trước cửa nhà để tránh tiếp xúc.

HÀ MAI
TNO