24/12/2024

Vắc xin Covid-19 đang giúp một số thành phố, quốc gia đạt miễn dịch cộng đồng?

Vắc xin Covid-19 đang giúp một số thành phố, quốc gia đạt miễn dịch cộng đồng?

Giới chức Jakarta tuyên bố nhờ đẩy mạnh tiêm chủng, thành phố đã đạt miễn dịch cộng đồng. Campuchia cũng như Trung Quốc đang hướng tới khả năng này trong năm nay.
Một bé gái được tiêm vắc xin Covid-19 ở đảo Bali, Indonesia ngày 24.8 /// AFP
Một bé gái được tiêm vắc xin Covid-19 ở đảo Bali, Indonesia ngày 24.8  AFP
Hôm 23.8, Phó thống đốc Jakarta Ahmad Rizia Patria tuyên bố thủ đô của Indonesia đã trở thành “vùng xanh” và đã đạt miễn dịch cộng đồng, sau nhiều tuần biến thể Delta hoành hành ở thành phố này, theo Reuters. Ông Patria cho biết hầu hết cư dân đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và hơn 54% người đã được tiêm vắc xin đầy đủ.
Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ Pandu Riono tại Đại học Indonesia cho rằng ông Patria đã hiểu sai khái niệm miễn dịch cộng đồng. Ông Riono giải thích ngay cả khi 100% cư dân được tiêm vắc xin thì mức miễn dịch cũng chỉ nằm dưới 80%, đồng thời lưu ý thêm về mức độ hiệu quả của các vắc xin là không tuyệt đối.

Khái niệm miễn dịch cộng đồng

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), miễn dịch cộng đồng là thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái một cộng đồng có một tỷ lệ nhất định người dân đạt miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm. Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), khi có một tỷ lệ dân số nhất định miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm thì sẽ mang lại sự bảo vệ gián tiếp cho cả những người không miễn dịch với bệnh.

Ngay cả những đối tượng không hoặc chưa được tiêm phòng như trẻ sơ sinh và người mắc bệnh mãn tính hay dị ứng với vắc xin cũng sẽ được bảo vệ khi đạt miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng làm giảm nguy cơ người chưa có miễn dịch tiếp xúc với mầm bệnh, từ đó dịch bệnh sẽ giảm khả năng lây lan.

Campuchia, Trung Quốc sắp đạt mục tiêu?

Trong cuộc họp trực tuyến hôm 20.8, Thủ tướng Hun Sen cho hay trong khi mục tiêu tiêm vắc xin cho 10 triệu người trưởng thành sắp đạt được theo kế hoạch vào tháng 11, chính phủ Campuchia quyết tâm đạt mục tiêu tiêm chủng cho 2 triệu người từ 12-17 tuổi trước cuối năm nay để xây dựng miễn dịch cộng đồng, theo Tân Hoa xã.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho hay tính đến ngày 19.8, đã có 9,38 triệu người, tương đương 58,7% tổng dân số của nước này, được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19. “Khoảng 86,12% của 10 triệu người trưởng thành và 39,48% của 2 triệu trẻ vị thành niên được nhắm đến đã được tiêm vắc xin”, bà Or cho hay. Ngoài ra, còn có hơn 423.000 người được tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ 3.
Vắc xin Covid-19 đang giúp một số thành phố, quốc gia đạt miễn dịch cộng đồng? - ảnh 1

Một người được tiêm vắc xin Covid-19 ở Campuchia  REUTERS

Tương tự, nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc Chung Nam Sơn phát biểu tại một hội nghị y tế ngày 20.8 rằng có khả năng Trung Quốc sẽ đạt tỷ lệ tiêm vắc xin 80% trước cuối năm nay, dẫn tới đạt miễn dịch cộng đồng. “Hiệu quả của vắc xin Trung Quốc khoảng 70%. Nếu hơn 80% dân số được tiêm, quốc gia này có thể đạt được miễn dịch cộng đồng thật sự. Tỷ lệ tiêm vắc xin của Trung Quốc có thể đạt được hơn 80% trước cuối năm nay”, ông Chung nhấn mạnh tại hội nghị, theo Hoàn Cầu thời báo.
Ông Chung còn lưu ý nghiên cứu về đợt bùng phát Covid-19 mới ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), trong tháng 5 cho thấy tỷ lệ bảo vệ của vắc xin Trung Quốc trước biến thể Delta là gần 60% và 70% trong việc ngăn chặn các triệu chứng vừa và 100% trong việc ngăn chặn các ca nặng.

“Bất khả thi”?

Trong khi đó, các nhà khoa học tại Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) mới đây phát hiện dấu hiệu cho thấy những người đã tiêm vắc xin Covid-19 vẫn có thể lây lan biến thể Delta dễ dàng cho những người chưa tiêm, theo Reuters. Trước khả năng lây lan cao của biến thể này, nhiều chuyên gia y tế nhấn mạnh ngưỡng miễn dịch cộng đồng giờ đây không phải ở mức 60 – 70% mà đã lên tới 90% dân số.
Thậm chí, giáo sư Andrew Pollard, dẫn đầu nhóm bào chế vắc xin Covid-19 của Oxford/AstraZeneca, hôm 10.8 cảnh báo với các nghị sĩ Anh rằng miễn dịch cộng đồng là “bất khả thi” vì biến thể Delta vẫn có thể lây nhiễm cho những người đã được tiêm, theo BBC. Ông Pollard dự báo sắp tới có thể sẽ xuất hiện biến thể lây lan mạnh hơn trong những người đã tiêm và kêu gọi không nên xây dựng chương trình vắc xin xung quanh ý tưởng miễn dịch cộng đồng. Giáo sư Pollard cho rằng cần tập trung vào việc cải thiện điều trị cho những người bị bệnh nặng do Covid-19 phải nằm viện.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu mới được công bố hôm nay 24.8, các nhà nghiên cứu từ 3 đại học hàng đầu của Úc, gồm Đại học Tây Úc, Đại học Quốc gia Úc và Đại học Melbourne, cảnh báo nếu Úc kết thúc các biện pháp phong tỏa và hạn chế, mở cửa lại một khi tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 80% dân số trưởng thành, việc này có thể dẫn tới 25.000 ca tử vong vì Covid-19 và 270.000 người mắc bệnh trong thời gian dài, theo tờ The Guardian.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ tiêm vắc xin càng cao thì càng giúp giảm lây lan và tử vong. Họ đề nghị tiêm vắc xin cho trẻ em và trẻ vị thành niên, tiêm liều bổ sung cho tất cả người Úc, kể cả những người đã tiêm vắc xin của AstraZeneca, và đạt tỷ lệ tiêm vắc xin tới 90% tổng dân số nói chung và 95% trong dân số có nguy cơ.
Tiến sĩ Seshadri Ramkumar tại Viện Môi trường và sức khỏe con người thuộc Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) cho rằng mọi người cần phải tiêm vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng, theo trang tin Cottongrower.com.
VĂN KHOA
TNO