24/11/2024

Khi quân đội tham gia chống dịch Covid-19

Khi quân đội tham gia chống dịch Covid-19

Thời gian qua, quân đội là lực lượng đóng góp to lớn cho chính phủ chống đại dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia.
Binh sĩ Philippines đưa thực phẩm đến người dân vùng phong tỏa tại thành phố Muntinlupa hồi tháng 4.2020 /// Quân đội Philippines
Binh sĩ Philippines đưa thực phẩm đến người dân vùng phong tỏa tại thành phố Muntinlupa hồi tháng 4.2020  QUÂN ĐỘI PHILIPPINES

Góp công cho việc kiểm soát dịch

Quân đội Úc từ tháng 3.2020 triển khai chiến dịch hỗ trợ chống Covid-19, đóng góp cho công cuộc ứng phó của toàn chính phủ.
Các hoạt động mà quân đội Úc tham gia gồm hỗ trợ cách ly tại khách sạn đối với người Úc từ nước ngoài về và khách quốc tế, hỗ trợ lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp, hỗ trợ hậu cần cho cảnh sát kiểm soát biên giới, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết và các hỗ trợ khác cho giới chức địa phương.
Trong tháng 8 này, hàng trăm binh sĩ được triển khai tại thành phố Sydney để giúp cảnh sát địa phương tuần tra, đảm bảo lệnh phong tỏa. Các binh sĩ đi theo cặp với cảnh sát, được huấn luyện đầy đủ kỹ năng để đảm bảo người dân tuân thủ quy định, theo đài ABC.
Tại bang Queensland, hàng trăm binh sĩ vừa qua được huy động đến khu vực giáp giới với bang New South Wales để siết chặt kiểm soát lưu thông phương tiện, trong nỗ lực của bang nhằm ngăn biến thể Delta từ bang New South Wales. Biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt góp một phần quan trọng trong việc giúp Úc khống chế đại dịch. Tính đến nay, nước này mới chỉ có khoảng 45.000 ca nhiễm Covid-19 và chưa đến 1.000 ca tử vong.
New Zealand còn thành công hơn Úc trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Đến nay, nước này mới chỉ có hơn 3.000 ca nhiễm và 26 ca tử vong. Hiện tại, có gần 1.000 quân nhân New Zealand hỗ trợ chính phủ ứng phó với Covid-19, trong đó đa phần là tại các cơ sở cách ly.
Tại đây, các binh sĩ thực hiện nhiều nhiệm vụ như cung cấp thông tin cho người từ nước ngoài về, phối hợp giữa các nhân viên của cơ sở và các cơ quan khác, hỗ trợ an ninh, giám sát và hướng dẫn các quy trình tại cơ sở cách ly. Trước đó, quân đội New Zealand cũng nhiều lần điều động binh sĩ giúp cảnh sát kiểm tra phương tiện tại các chốt kiểm soát ở vùng dịch, hỗ trợ hải quan tuần tra, đảm bảo an ninh tại các cảng biển.
Tại Mỹ, Lầu Năm Góc gần đây thông báo đã lập các nhóm bác sĩ, y tá, chuyên gia trị liệu hô hấp để triển khai đến các bệnh viện ở những bang miền nam đang chật vật trong đợt lây nhiễm Covid-19 mạnh.
Thông báo làm gợi nhớ lại tình hình hồi đầu năm 2020, khi lực lượng quân y được triển khai tại những nơi như New York, Los Angeles để giảm tải cho các bệnh viện. Theo tờ Military Times, sau khi triển khai các tàu bệnh viện đến New York và Los Angeles từ tháng 3-5.2020, các quan chức thấy rằng sẽ hiệu quả hơn khi điều quân y đến thẳng các bệnh viện. Sau đó, việc này được tiếp diễn cho đến tận năm 2021.

Tham gia mọi khâu

Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen hồi tháng 3 huy động lực lượng quân y 300 người tham gia điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện khi lực lượng bác sĩ bị kiệt sức do số ca nhiễm tăng nhanh, theo tờ Khmer Times. Đến tháng 5, thủ đô Phnom Penh trải qua đợt bùng phát nghiêm trọng và cần đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, quân đội tiếp tục được huy động để tiêm vắc xin. Nhờ đẩy nhanh tiêm chủng mà đến nay hơn 60% dân số Campuchia đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin.
Tại Philippines, quân đội đóng vai trò lớn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ngoài hàng ngàn bác sĩ, y tá của quân đội được triển khai tại các cơ sở cách ly, điều trị, còn có cả chục ngàn binh sĩ khác giúp bảo đảm an ninh tại các cơ sở cách ly, hỗ trợ lực lượng hành pháp đảm bảo các quy định phong tỏa.
Quân đội Philippines là lực lượng nòng cốt giúp vận chuyển vắc xin, trang thiết bị y tế, đưa người dân làm việc xa nhà về quê. Bên cạnh đó, họ còn giúp vận chuyển và phân phối từng túi thực phẩm đến các hộ dân trong vùng phong tỏa trên cả nước, theo Thông tấn xã Philippines PNA.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) được triển khai từ giai đoạn dịch Covid-19 mới khởi phát để đưa công dân về nước, hỗ trợ đưa người đi cách ly, cung cấp thức ăn tại các cơ sở cách ly, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, thu gom rác, xịt khử khuẩn… Ngoài ra, SDF còn tổ chức các khóa đào tạo biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho chính quyền địa phương và những cơ sở y tế tư nhân.
Trong đợt dịch, nhiều địa phương tại Nhật Bản đã kêu gọi SDF hỗ trợ chi viện do thiếu hụt nhân viên y tế. Thời gian gần đây, các trung tâm tiêm chủng do SDF điều hành cũng đóng vai trò lớn trong việc gia tăng số người tiêm vắc xin, có trung tâm tiêm đến 15.000 liều vắc xin mỗi ngày.
Trong thời điểm đại dịch căng thẳng hồi tháng 12.2020, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in huy động toàn bộ nguồn lực để chống dịch Covid-19 và quân đội nước này ngay lập tức tham gia. Các binh sĩ được triển khai đến những bệnh viện công để hỗ trợ chữa trị. Quân đội Hàn Quốc còn tham gia truy vết tiếp xúc, quản lý cơ sở dữ liệu và chuyển mẫu xét nghiệm đến cơ sở xét nghiệm.
VI TRÂN
TNO