Thay đổi cách đánh giá chỉ khen thưởng học sinh loại tốt, các giáo viên nói gì?
23/08/2021Thay đổi cách đánh giá chỉ khen thưởng học sinh loại tốt, các giáo viên nói gì?
Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 22 thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh trung học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu thực hiện với lớp 6. Theo đó, chỉ áp dụng khen thưởng học sinh xuất sắc và giỏi.
Quan điểm của các giáo viên trước sự thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh trung học này ra sao?
Theo Thông tư 22, học sinh được xếp loại tốt thì các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức đạt, các môn đánh giá cho điểm kết hợp nhận xét phải đạt mức 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 8,0 trở lên. Học sinh muốn có danh hiệu xuất sắc kết quả rèn luyện và học tập đều phải tốt và phải có ít nhất 6 môn đạt điểm tổng kết năm từ 9,0 trở lên.
Mức khá: tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức đạt. Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 6,5 điểm trở lên…
|
Hạn chế “lạm phát” khen thưởng hay nguy cơ bùng nổ học sinh xuất sắc?
Với cách kiểm tra, đánh giá này hy vọng sẽ hạn chế những bất cập theo Thông tư 58/2011 trước đây, trong đó có việc lạm phát khen thưởng.
Việc đánh giá học sinh sẽ trên 2 mặt học lực và hạnh kiểm theo các mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt và khen thưởng học sinh chỉ áp dụng cho những em đạt xuất sắc và giỏi (tương đương xếp loại tốt).
Quy định mới này sẽ hạn chế số lượng học sinh khen thưởng từng học kỳ và cả năm. Vì để đạt được loại xuất sắc như cách tính trên sẽ ít. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh khá trong một lớp thường là rất nhiều. Cho nên, việc không khen thưởng cho học sinh xếp loại khá (tiên tiến) sẽ hạn chế “lạm phát” khen thưởng.
Tuy vậy, còn vài chỗ làm nhiều người băn khoăn với cách đánh giá này là, nếu các trường vẫn chạy theo thành tích, sẽ dễ có nguy cơ “bùng nổ” số lượng học sinh giỏi và xuất sắc. Cách quy định cũ cũng hợp lý vì còn tính khống chế ở 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Nếu bỏ điểm khống chế 3 môn trên theo cách mới, nhiều khả năng sẽ có học sinh xếp loại giỏi, xuất sắc nhưng lực học toán, ngữ văn ngoại ngữ chỉ ở mức khá mà thôi. Cách đánh giá này phát huy thế mạnh từng môn học của học sinh, phù hợp cho việc xét tuyển (vào lớp 10, cao đẳng, đại học) nhưng sẽ khó có cái nhìn toàn diện bằng một con số cụ thể như cách cũ trước đây.
TRẦN NGỌC TUẤN
( Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
|
Thay đổi tư duy người thầy
Với những tiêu chí đánh giá theo thông tư mới, tất cả những môn học đều như nhau. Đánh giá theo cách này, sẽ tránh việc học lệch và loại bỏ dần đi khái niệm môn chính, môn phụ và thể hiện đúng năng lực cũng như phẩm chất thực sự của học sinh.
Liệu cách đánh giá mới này có giảm đi căn bệnh thành tích bấy lâu nay trong giáo dục ? Điều này là khả thi nếu có tư duy mới từ gia đình và nhà trường.
Phụ huynh hãy khuyến khích động viên con em phát huy sở trường của chính mình và trau dồi thêm để khắc phục những hạn chế. Đường đời còn dài vì vậy thành tích đạt được trong những năm học phổ thông chỉ là những điểm đến để giúp các em dần hoàn thiện mình hướng đến những mục đích cao và xa hơn.
Với các thầy cô giáo, đánh giá năng lực thực sự quan trọng hơn lý thuyết đạt được. Người thầy nên hướng dẫn cho học sinh những kỹ thuật, phương pháp cụ thể giúp học sinh tự đánh giá các giá trị của bản thân và ghi nhận một cách có hệ thống để hình thành nên dữ liệu cá nhân nhằm phát triển năng lực tích cực cho môi trường học tập sau này.
LÊ TẤN THỜI
(Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, H. Chợ Mới- An Giang)
Có nên thực hiện song song 2 cách đánh giá?
Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, tất cả các môn học đều công bằng như nhau, không còn phụ thuộc vào điểm môn toán, ngữ văn, tiếng Anh; không còn “môn chính, môn phụ” trong đánh giá, xếp loại học sinh nữa. Theo nhiều thầy cô đây là điểm mới tích cực rất đáng ghi nhận giúp học sinh thay đổi ý thức học tập, từ đó giảm thiểu việc học lệch. Thực tế cho thấy có những em không giỏi toán, ngữ văn, tiếng Anh vẫn thành công trong cuốc sống.
Hiện tại Thông tư 22 chỉ áp dụng đối với lớp 6 trong năm học 2021-2022, còn các lớp từ 7 đến 12 vẫn áp dụng Thông tư 26. Như vậy có thể thấy ở bậc trung học vẫn áp dụng song song cùng lúc hai Thông tư 22 và 26. Bộ GD ĐT cần xem xét, nên chăng chỉ thực hiện Thông tư 22 vì có nhiều điểm mới tiến bộ, khoa học, nhân văn hơn Thông tư 26?
NGUYỄN VĂN LỰC
(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
Trần Ngọc Tuấn – Lê Tấn Thời – Nguyễn Văn Lực
TNO