24/12/2024

Sẽ không còn chuyện ‘môn chính, môn phụ’ ở trung học

Sẽ không còn chuyện ‘môn chính, môn phụ’ ở trung học

Khích lệ sự tiến bộ, cho học sinh thêm cơ hội để “gỡ điểm” và xoá bỏ quan điểm “môn chính, môn phụ” là những điểm mới trong quy định đánh giá học sinh trung học sẽ thực hiện vào năm học tới.

 

Sẽ không còn chuyện môn chính, môn phụ ở trung học - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020 – Ảnh: TỰ TRUNG

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết:

– Quy định mới sẽ bám sát yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điểm khác biệt là việc đánh giá sẽ áp dụng nhiều phương pháp, hình thức kỹ thuật, kết hợp nhuần nhuyễn hơn giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ để có thể bám sát quá trình tiến bộ của học sinh, khích lệ sự cố gắng của mỗi học sinh. Mỗi học sinh sẽ có cơ hội để thể hiện giá trị, điểm mạnh của mình và có cơ hội điều chỉnh kết quả học tập, rèn luyện.

* Bên cạnh những môn học “chỉ nhận xét, không cho điểm” thì các môn học có điểm cũng phải đi kèm nhận xét. Việc này sẽ tăng việc, tăng áp lực cho giáo viên?

– Trong quy định mới, các môn giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chỉ đánh giá nhận xét (cả thường xuyên và định kỳ), các môn còn lại đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số.

Tuy nhiên sẽ không áp dụng máy móc là giáo viên phải ghi học bạ hay ghi vào sổ theo dõi nhận xét từng học sinh vào cuối kỳ, cuối năm. Việc đánh giá bằng nhận xét có thể nên thực hiện thường xuyên thông qua việc viết hoặc nói trong quá trình dạy học nhằm giúp học sinh tiến bộ.

Quy định cũng nêu việc giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tự đánh giá trong quá trình rèn luyện và học tập; cha mẹ học sinh, các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia quá trình giáo dục học sinh cũng có thể có ý kiến nhận xét, phản hồi.

Giáo viên khi đánh giá học sinh vào cuối kỳ, cuối năm có thể dựa trên các thông tin phản hồi của cha mẹ học sinh và ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu có) cùng với việc theo dõi học sinh trong quá trình học tập. Nếu giáo viên làm đúng hướng dẫn, không những không bị áp lực mà còn không khiến giáo viên bị dồn việc vào các thời điểm cuối kỳ, cuối năm do phải kiểm tra dồn dập, chấm bài, lên điểm…

* Với những môn đánh giá hoàn toàn bằng nhận xét qua các hình thức mới như qua hoạt động trải nghiệm, thực hành, dự án học tập, sản phẩm học tập làm theo nhóm… rất có thể sẽ sa vào cảm tính? Ông chia sẻ gì về lo ngại này?

– Trong quy định cũng đã nêu với các hình thức đánh giá qua hoạt động học tập như bài kiểm tra đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập… phải có mô tả cụ thể nhiệm vụ, yêu cầu cần đạt của học sinh. Việc mô tả cụ thể, giao việc rõ ràng đến từng học sinh sẽ giúp giáo viên đánh giá sát hơn khi chấm điểm dự án học tập hay sản phẩm học tập của các nhóm học sinh khác nhau.

* Vì sao quy định mới bỏ cách tính điểm trung bình tất cả các môn học, thưa ông?

– Mỗi học sinh sẽ có một bảng đánh giá kết quả học tập, rèn luyện. Trong đó mức đánh giá kết quả rèn luyện sẽ thay thế cho việc “xếp hạnh kiểm” như trước, với các tiêu chí sát hơn với yêu cầu về năng lực, phẩm chất của học sinh. Còn kết quả học tập sẽ thể hiện ở điểm trung bình từng môn học.

Không còn việc gộp thành điểm trung bình tất cả các môn như trước để “môn này gánh cho môn kia”. Trên một bảng điểm các môn học, học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo có thể nhìn nhận cụ thể mỗi học sinh có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Khái niệm “học sinh giỏi” sẽ được nhìn nhận đa dạng hơn trên quan điểm giáo dục cá nhân hóa từng học sinh.

Coi các môn học công bằng như nhau

* Với quy định mới để đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc sẽ khó hơn. Nhưng ở khía cạnh khác cũng dễ đối với những học sinh không nổi bật ở những môn học vốn được coi là môn chính như toán, văn, tiếng Anh?

– Trong quy định mới, học sinh giỏi là học sinh có mức đánh giá kết quả rèn luyện và học tập cả năm xếp loại tốt. Trong đó ở kết quả học tập, các môn đánh giá bằng nhận xét phải xếp ở mức Đạt, các môn có điểm số phải đạt 6,5 điểm trở lên và có ít nhất 6 môn học có điểm 8,0 trở lên. Học sinh xuất sắc đạt điều kiện như học sinh giỏi nhưng khác hơn là phải có ít nhất 6 môn đạt 9,0 điểm trở lên.

Tuy nhiên, quy định này cũng thể hiện quan điểm coi các môn học công bằng như nhau, không có môn nào là chính, môn nào phụ. Ngoài việc chống học lệch (chỉ học toán, văn, ngoại ngữ), học sinh được đánh giá công bằng ở các lĩnh vực khác nhau. Không phải cứ giỏi toán, văn mới là giỏi mà có thể giỏi các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.

Khi lên đến cấp THPT, tính phân hóa, hướng nghiệp sẽ cao hơn. Học sinh sẽ có thiên hướng học nhiều hơn, tốt hơn ở các môn phù hợp với tố chất và định hướng nghề nghiệp, phù hợp với quan điểm đánh giá này…

VĨNH HÀ thực hiện
TTO