24/11/2024

Tranh cãi về mũi vắc xin Covid-19 tăng cường

Tranh cãi về mũi vắc xin Covid-19 tăng cường

Mỹ quyết định triển khai rộng rãi chiến dịch tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường, bất chấp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi dành cơ hội chủng ngừa cho các nước ít điều kiện hơn.
Indonesia hối thúc các thai phụ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 /// AFP
Indonesia hối thúc các thai phụ tiêm vắc xin ngừa Covid-19   AFP

Chiến lược đón đầu

Bắt đầu từ ngày 20.9, chiến dịch tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường sẽ được triển khai rộng rãi cho người Mỹ, theo Reuters hôm qua dẫn thông báo của Bộ Y tế và Dịch vụ nước này. Cụ thể, các công dân Mỹ trưởng thành tiêm đủ 2 liều vắc xin Moderna và Pfizer/BioNTech cách đây ít nhất 8 tháng sẽ nằm trong diện tiêm mũi thứ 3. “Đó là cách tốt nhất để bảo vệ người Mỹ trước các biến chủng mới có thể xuất hiện trong thời gian tới”, Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 18.8.
Theo ông Biden, để nhanh chóng chấm dứt dịch Covid-19, chính quyền Washington dự kiến tiêm miễn phí 100 triệu mũi tăng cường tại 80.000 địa điểm trên toàn quốc.
Trong khi thông báo mới đề cập trường hợp người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, giới chức Mỹ cũng dự báo sắp tới những người tiêm vắc xin một mũi Johnson & Johnson cũng cần liều tăng cường. Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cho biết nước này đang áp dụng chiến lược đón đầu, chuẩn bị sẵn sàng trước nguy cơ xuất hiện biến thể mới trong nỗ lực ngăn chặn viễn cảnh tồi tệ nhất mà Covid-19 có thể mang đến.
Các nghiên cứu mới của Mỹ và Anh đều cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin ngừa Covid-19 giảm đi sau 6 tháng, đặc biệt ở những người lớn tuổi có bệnh nền, theo Đài CNBC. Giới chức Mỹ đã viện dẫn các báo cáo trên cho quyết định triển khai tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới tiếp tục xác nhận vắc xin có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng trong trường hợp nhiễm vi rút gây Covid-19, bao gồm biến thể Delta.
Trước đó, Israel đã đi đầu trong việc tiêm mũi tăng cường cho người trên 65 tuổi và hiện thúc giục người từ 60 tuổi trở lên đi tiêm. Tuần trước, Campuchia bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành, trong khi Đức, Pháp và Áo cũng thông báo kế hoạch tương tự trong tháng 9 và tháng 10.

Sự phản đối của WHO

Trước diễn biến tại Mỹ và một số nước phương Tây, giới chức WHO hôm 18.8 lên án việc các nước giàu thúc đẩy tiêm mũi tăng cường, trong khi hàng tỉ người trên khắp thế giới vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên.
Đầu tháng 8, WHO kêu gọi các quốc gia phát triển hoãn lại chiến dịch trên cho đến ít nhất là cuối tháng 9, tạo điều kiện cho các nước kém phát triển hơn có cơ hội tiếp cận vắc xin. Theo báo The Guardian dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đây là hành động thiện chí, cho phép hiện thực hóa kế hoạch của WHO nhằm tiêm phòng cho 40% dân số trên toàn thế giới vào tháng 12.
Sau tuyên bố của Mỹ, tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, đánh giá về việc tiêm mũi tăng cường lúc này như sau: “Chúng ta lên kế hoạch tặng thêm áo phao cho người đã có, trong khi đẩy những người khác đến nguy cơ chết đuối vì chưa được trang bị phao”. Tuy vậy, Tổng thống Biden khẳng định: “Chúng ta có thể chăm lo cho dân Mỹ và cùng lúc hỗ trợ thế giới vượt qua dịch bệnh”.
Điểm sáng Campuchia
Tờ Khmer Times ngày 19.8 dẫn báo cáo mới của Công ty tư vấn đầu tư Mekong Strategic Partners (trụ sở ở Phnom Penh và Bangkok) cho rằng Campuchia có thể đạt mức tăng trưởng GDP hơn 6% trong năm 2022 nhờ thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 nhanh chóng và có chiến lược tốt. Báo cáo đánh giá cao việc Campuchia hoàn thành các kế hoạch tiêm chủng nhanh hơn nhiều nước trong khu vực, nhờ đó có điều kiện để cải thiện kết quả về kinh tế. Theo Bộ Y tế Campuchia, khoảng 58% trong tổng 16 triệu dân ở Campuchia đã chủng ngừa đầy đủ. Riêng Phnom Penh là một trong những thủ đô có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới, với 99% dân số trưởng thành đã chủng ngừa đầy đủ. Đến nay Campuchia ghi nhận hơn 87.000 ca nhiễm với hơn 1.700 ca tử vong vì Covid-19.
Tuyết Lan
THỤY MIÊN
TNO