Học trực tuyến sao cho hiệu quả?
Học trực tuyến sao cho hiệu quả?
Học sinh nhiều địa phương sẽ bước vào năm học mới bằng cách học trực tuyến. Theo nhiều giáo viên, việc chia nhỏ lớp học, thiết kế bài giảng game hóa, chắt lọc chương trình … sẽ giúp việc dạy và học trực tuyến hiệu quả hơn.
Lớp đông, nên chia nhiều ca
Đã có một số buổi kết nối trước với học trò, cô Bùi Thị Tuyết Trinh (giáo viên – GV lớp 1, tại một trường tiểu học ở TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết trong khoảng 100 học sinh (HS), chỉ có khoảng 10 em gặp khó khăn trong quá trình kết nối, tương tác.
“Rõ ràng trẻ con nếu được tạo điều kiện thì sẽ thích ứng được, nhưng người lớn – lại có rất nhiều phụ huynh, thậm chí là GV, vẫn chưa chấp nhận được việc dạy và học trực tuyến, do tâm lý và thói quen dạy trực tiếp đã ăn sâu”, cô Trinh nhắn gửi.
Trong những buổi kết nối “demo” này, cô Trinh cho biết chỉ để trò chuyện, làm quen, giới thiệu tên tuổi và chơi một vài trò chơi nhẹ nhàng. Đây cũng là cách cô khởi động, chuẩn bị cho HS làm quen dần với lớp học của mình. “Để HS học trực tuyến hiệu quả, giai đoạn chuẩn bị còn quan trọng hơn cả việc học chính thức”, cô Trinh nói.
Về công tác chuẩn bị, theo nữ GV này, cả 3 đối tượng sau đều phải chuẩn bị gồm GV, HS và phụ huynh. GV phải được chuẩn bị về công cụ dạy học.
Về giáo án, GV cũng cần phải chuẩn bị nội dung phù hợp để đưa lên lớp trực tuyến, tăng phương tiện nghe nhìn, video, hình ảnh bài hát, hoạt động phải game hóa để tăng hứng thú và tăng tối đa khả năng HS được tương tác, ví dụ như các em được dùng chuột kéo thả, điền chữ…
GV cũng cần sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, đảm bảo trẻ không ngồi trước màn hình quá lâu, một tiết học tối đa 30 – 35 phút và có khoảng nghỉ để HS có thời gian rời khỏi màn hình.
Với những trường hợp, khi có số lượng HS trong lớp học đông (40 – 50 em) thì GV nên tách lớp, chia thành nhiều ca. Có thể thời gian các em học với GV sẽ ít đi, nhưng tỷ lệ được tương tác và hiệu quả cao hơn nhiều so với việc dạy cùng lúc trực tuyến với 50 HS. Chưa kể dạy cùng lúc 50 em, GV khó quản được hết lớp, sẽ có trường hợp này trường hợp kia và phải xử lý các vấn đề ngoài giảng dạy mất rất nhiều thời gian.
HS ở lứa tuổi càng nhỏ thì khả năng tập trung và dạy trực tuyến càng khó, như với lớp 1 và 2 thì khi học trực tuyến, GV chỉ nên duy trì 20 em/ca.
|
HS thoải mái, hứng thú mới học lâu dài được
Đã bắt đầu kết nối với HS hơn 10 ngày nay, bà Tạ Thị Thu, Hiệu phó chuyên môn tiểu học hệ thống Trường mầm non – tiểu học ICS (TP.HCM), cho biết các trường thay vì chuẩn bị kế hoạch theo cách đối phó dạy trong 1 – 2 tuần thì nên tính toán đến phương án dạy trực tuyến hiệu quả, lâu dài.
Theo bà Thu, dạy trực tuyến không thể kỳ vọng hiệu quả được như dạy trực tiếp. Để thực hiện tốt, trường cần xác định môn học trọng tâm, kiến thức quan trọng để xây dựng chương trình, thời khóa biểu phù hợp, đảm bảo HS đạt được mục tiêu của năm học mà không bị quá tải vì phải chạy theo toàn bộ nội dung trong SGK. Ví dụ một bài học có tới 5 – 6 hoạt động thì chỉ nên chọn những hoạt động quan trọng để dạy, số còn lại HS có thể tự ôn thêm ở nhà.
Bà Thu cho rằng mỗi buổi trường chỉ nên xây dựng khoảng 4 tiết học, trong vòng 2 giờ đồng hồ. Như vậy một ngày HS sẽ có khoảng 8 tiết, trong đó nên dành một số tiết tự chọn, tích hợp các môn học kỹ năng như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục… để HS lựa chọn. GV cũng nên đưa việc kiểm tra đánh giá lên trực tuyến để phụ huynh đo lường được mức độ HS đạt được mỗi tuần thế nào.
NGUYỄN LOAN
TNO