24/11/2024

Giải ngân đầu tư công đạt thấp, cương quyết điều chuyển vốn và kiểm điểm trách nhiệm

Giải ngân đầu tư công đạt thấp, cương quyết điều chuyển vốn và kiểm điểm trách nhiệm

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm mới đạt hơn 36% có nguyên nhân chủ yếu là do quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, thiếu quyết tâm chính trị, chưa phát huy vai trò người đứng đầu…

 

Giải ngân đầu tư công đạt thấp, cương quyết điều chuyển vốn và kiểm điểm trách nhiệm - Ảnh 1.

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng được thành lập để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong công điện về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện “mục tiêu kép”.

Mặc dù có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31-7 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 40,67%. Đặc biệt, tỉ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).

Tỉ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Công điện của Thủ tướng chỉ ra việc chậm giải ngân do các yếu tố khách quan khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội. Song, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đặc biệt trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, thiếu quyết tâm chính trị, chưa phát huy vai trò người đứng đầu…

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương cần xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn.

Mỗi bộ ngành và địa phương phải thành lập ngay tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan đơn vị đảm nhiệm.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục để hoàn thành việc giao vốn chi tiết, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, gỡ khó về đất đai, tài nguyên, chủ động điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.

34 bộ và cơ quan, 7 địa phương có tỉ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm dưới 25% (không gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội) chịu trách nhiệm và kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, không để tiếp tục tình trạng giải ngân chậm.

Rà soát điều chuyển vốn với đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 60%

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 với các đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch để cương quyết điều chuyển.

Bộ Tài chính bảo đảm nguồn thanh toán, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thời gian kiểm soát thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ, bảo đảm đúng quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ.

Công khai tình hình thực hiện và tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

N.AN
TTO