28/12/2024

Ai hưởng lợi nhuận ‘khủng’ qua 20 năm chiến tranh ở Afghanistan?

Ai hưởng lợi nhuận ‘khủng’ qua 20 năm chiến tranh ở Afghanistan?

Nhiều bên cho rằng cuộc chiến Afghanistan là thất bại của Washington, nhưng sự thật là 5 nhà thầu quốc phòng Mỹ đã âm thầm thu lợi khủng.
Tiêm kích F-15E Strike Eagles của Mỹ ném bom hạng nặng tại Afghanistan vào năm 2009 /// AFP
Tiêm kích F-15E Strike Eagles của Mỹ ném bom hạng nặng tại Afghanistan vào năm 2009 AFP
Ngày 18.9.2001, Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush ký sắc lệnh Ủy quyền Sử dụng lực lượng quân sự nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố xảy ra một tuần trước đó, tức Sự kiện ngày 11.9.
Theo trang The Intercept, qua cuộc chiến Afghanistan, cổ phiếu quốc phòng tổng lợi nhuận cao hơn 58% so với toàn bộ thị trường chứng khoán. Nếu tách 5 hãng Boeing, Raytheon, Lockheed Martin, Northrop Grumman và General Dynamics khỏi tổng lợi nhuận thì tỷ lệ này còn cao hơn.
Những con số này cho thấy sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng cuộc chiến Afghanistan là thất bại hoàn toàn do Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát trong khi Mỹ rút quân.
Ngược lại, từ quan điểm của một số nhân vật quyền lực ở Mỹ, cuộc chiến ở Afghanistan có thể đã là một thành công phi thường. Đáng chú ý là ban giám đốc của tất cả 5 nhà thầu quốc phòng trên có những sĩ quan cấp cao quân đội về hưu.

Nhiều ý kiến tương tự từng được đưa ra trong bộ phim tài liệu năm 2005 mang tên “Why We Fight” (tạm dịch: Vì sao chúng ta chiến đấu), về một cảnh báo của cựu Tổng thống Dwight Eisenhower về phức hệ quân sự – công nghiệp.

“Tôi đảm bảo với các bạn, khi chiến tranh trở nên có lợi nhuận, bạn sẽ chứng kiến nhiều hơn”, theo học giả Chalmers Johnson, cựu nhà thầu của CIA.
Một sĩ quan Không quân Mỹ về hưu cho rằng các chính trị gia hiểu về hợp đồng và các hợp đồng trong tương lại, khi họ nhìn vào một cuộc chiến, họ sẽ có phân tích chi phí/lợi nhuận một cách khác.

Những nhân vật ‘cộm cán’ phía sau

Trừ Boeing, tất cả đều nhận hầu hết doanh thu từ chính phủ Mỹ. Kể từ tháng 9.2001, tổng lợi nhuận tính chung cổ phiếu 5 nhà thầu tăng 872,94%.
Tính riêng, tổng lợi nhuận của Boeing tăng 974,97%. Trong thành phần ban giám đốc hãng có cựu phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Edmund P. Giambastiani Jr., cựu Tổng thanh tra Không quân Stayce D. Harris và cựu Tư lệnh Hải quân John M. Richardson.
Tổng lợi nhuận của Raytheon tăng 331,49%. Trong ban giám đốc hãng có tướng Không quân về hưu Ellen Pawlikowski, đô đốc Hải quân về hưu James Winnefeld Jr. và cựu Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work.
Lockheed Martin có tổng lợi nhuận tăng 1.235,6%. Ban giám đốc hãng có tướng Không quân về hưu Bruce Carlson và tướng Thủy quân lục chiến về hưu Joseph Dunford Jr.
General Dynamics có tổng lợi nhuận tăng 625,37%. Ban giám đốc hãng có cựu Thứ trưởng Quốc phòng Rudy deLeon, đô đốc Hải quân về hưu Cecil Haney, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và tướng về hưu của Anh Peter Wall.
Northrop Grumman có tổng lợi nhuận tăng 1.196,14%. Ban giám đốc hãng có đô đốc Hải quân về hưu Gary Roughead và tướng Không quân về hưu Mark Welsh III.

Cổ phiếu siêu lợi nhuận

Theo The Intercept, nếu bạn chi 10.000 USD mua cổ phiếu tại 5 nhà thầu quốc phòng hàng đầu ở Mỹ vào ngày 18.9.2001, giờ đây bạn sẽ có gần 100.000 USD. Mức tăng này lớn hơn nhiều so với thị trường chứng khoán trong cùng kỳ. Chẳng hạn như 10.000 USD khi đó đầu tư vào quỹ chỉ số S&P 500 sẽ gia tăng lên 61.613 USD.

KHÁNH AN

TNO