Sớm có ‘luồng xanh’ đường thủy để xuất khẩu gạo
Sớm có ‘luồng xanh’ đường thuỷ để xuất khẩu gạo
Đó là một trong các kiến nghị của đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tại buổi làm việc trực tuyến với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương vào hôm nay 12.8.
Theo VFA, hiện chỉ có quy định “luồng xanh” trên đường bộ còn đường thủy thì chưa rõ ràng, mỗi địa phương áp dụng khác nhau. Trong khi đó, 90% lúa gạo vận chuyển bằng đường thủy. VFA đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng tạo “luồng xanh” cho vận chuyển đường thủy và cần có sự thống nhất trong cả khu vực phía nam.
Cụ thể, có thể chia thành 2 luồng: Lưu thông từ cánh đồng về nhà máy và từ nhà máy ra cảng. Lý do từ cánh đồng về nhà máy là thương nhân mua lúa từ bà con nông dân về kho, nhà máy, còn từ nhà máy ra cảng là doanh nghiệp đưa hàng ra xuất khẩu. Cả hai tuyến đường thủy để chở lúa gạo này hiện đang gặp khó khăn do nhiều địa phương đang áp dụng giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16.
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex – cho biết: Nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy thì từ tháng 7 đến nay, Intimex phải xuất theo hợp đồng đã ký gần 120.000 tấn gạo. Tuy nhiên, báo cáo của bên giao nhận thì khả năng chỉ đi được tối đa chỉ 30.000 – 35.000 tấn. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Theo ông Nam, có 3 lý do khiến gạo không đưa đến cảng để xuất đi được. Cụ thể, các cảng đang thiếu công nhân do nhiều địa phương không cho cảng tập trung đông, phải giãn cách 2 m, dẫn tới không bốc xếp hàng từ xe lên băng chuyền để đưa vào container được. Thứ 2 là đơn hàng xuất đi châu Phi không có tàu lớn vào do lo ngại dịch bệnh và thứ 3 là xà lan đi từ địa phương lên khó, bị giữ lại, không vào bốc hàng được… Ông Đỗ Hà Nam kiến nghị Bộ Công thương sớm làm việc với các hệ thống cảng, địa phương nhắm tháo gỡ các vướng mắc hiện nay. Ông nhấn mạnh, chỉ cần một khâu trong chuỗi này bị tắc lại thì nguyên chuỗi xuất khẩu gạo bị đứng yên tại chỗ.
Đại diện Tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp lên đến 85%. Doanh nghiệp đã làm việc với các địa phương nhằm bảo đảm việc lưu thông, tạo điều kiện thu mua lúa của nhà nông trong thời điểm này song vẫn vướng. Doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu nhưng chưa thể xuất đi được. Một số doanh nghiệp kiến nghị cần ưu tiên tiêm vắc xin đồng loạt cho chuỗi cung ứng lúa gạo. Để sau ngày 16.8, có phương án sản xuất thay thế phương án “3 tại chỗ”, “2 địa điểm – 1 cung đường” đang khiến ngành sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, cần thiết phải thay đổi. Chẳng hạn, với việc thu mua lúa gạo, thương lái phải vào từng vùng dân cư, không thể về kịp trước 18 giờ theo quy định của nhiều địa phương, nên đành bỏ lúa ngoài đồng.
Ngoài ra, vấn đề giá cước vận tải biển hiện ở mức quá cao, trong đó cước đi Mỹ hiện tới 15.000 USD/container – lớn hơn cả giá trị gạo. Do đó, VFA kiến nghị Bộ Công thương trao đổi với Cục Hàng hải để xem xét hạ cước giá tàu biển cho doanh nghiệp.
Với vấn đề lưu thông đường thủy, cước tàu biển… ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam – khẳng định sẽ thuyết phục các IDC Transimex, Tanamexco, Phước Long, Long Bình (có bến sông, cầu cảng, tiếp nhận được ghe gạo) tạm thời để doanh nghiệp đưa hàng đến đóng vào container sau đó di chuyển ra cảng nhằm giảm trung chuyển và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, VLA sẽ đối thoại với các hãng tàu để giảm chi phí vận chuyển xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
NGUYÊN NGA
TNO