24/11/2024

TP.HCM: Từng bước mở thêm chợ, thêm kênh bán hàng

TP.HCM: Từng bước mở thêm chợ, thêm kênh bán hàng

Sau một thời gian lúng túng trong việc cung ứng hàng hoá thiết yếu ở TP.HCM, các nhà bán lẻ, tiểu thương đã được tháo gỡ nhiều vướng mắc, nỗ lực khôi phục hoạt động kinh doanh.

 

TP.HCM: Từng bước mở thêm chợ, thêm kênh bán hàng - Ảnh 1.

Chợ Nguyễn Đình Chiểu bán trở lại với khoảng 15 gian hàng rau củ và thịt cá – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tại TP.HCM có thêm 3 chợ truyền thống vừa được khôi phục hoạt động để cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.

Đảm bảo an toàn nhất có thể

Ghi nhận tại chợ Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận) vừa được mở cửa trở lại ngày 9-8, người dân và tiểu thương đã hưởng ứng nhiệt tình. Ban quản lý chợ chọn 15 tiểu thương đã tiêm vắc xin, chia đều các ngành rau củ, thịt và hải sản đảm bảo giãn cách, gian hàng có màn ngăn…

Để hỗ trợ tiểu thương, ban quản lý chợ chủ động cấp giấy lưu thông. Theo bà Châu Thị Liên – tiểu thương tại chợ này, do mới mở bán trở lại nên nguồn hàng thịt, hải sản chưa dồi dào, riêng rau củ giá tốt.

Ông Võ Văn Hành – chủ nhiệm Hợp tác xã Phú Thịnh, đơn vị quản lý chợ Nguyễn Đình Chiểu – cho biết mở lại chợ xác định sẽ rất cực vì ban quản lý phải đảm bảo chợ an toàn nhất có thể. Nhưng thà cực một chút mà bà con có chỗ mua sắm hàng thiết yếu giá tốt trong khi tiểu thương sau nhiều tháng phải tạm ngưng buôn bán cũng cần phải có thu nhập.

“Chợ hoạt động trong buổi sáng, mỗi lần chỉ đón giới hạn khách nên lượng bán chưa nhiều nhưng tâm lý chung là ai cũng mừng”, ông Hành nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa – phó Phòng kinh tế quận Phú Nhuận, chợ Nguyễn Đình Chiểu là chợ duy nhất được mở lại, hai chợ khác là Phú Nhuận và Trần Hữu Trang vẫn phải đóng cửa hơn tháng nay.

Theo mô hình mới, chợ Nguyễn Đình Chiểu bán theo combo đóng gói sẵn, khách phải tuân thủ nghiêm các quy định 5K. “Quận đang xem xét áp dụng mô hình chợ Nguyễn Đình Chiểu để mở thêm các chợ còn lại”, bà Hòa nói.

Hiện chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) cũng vừa hoạt động lại. Chợ này tổ chức cho 30 tiểu thương ngành hàng tươi sống kinh doanh. Chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) thì tạm thời tổ chức cho bốn tiểu thương hoạt động.

Vẫn khó mở thêm vì lo chống dịch

Bà N.T.Linh, ngụ Q.Bình Tân, cho biết xung quanh khu vực gia đình nhà bà từ trước đến nay người dân chủ yếu đi mua sắm ở ba chợ Tân Hương, Tân Phú 1, Tân Phú 2. Vì vậy khi cả ba chợ này đóng cửa, người dân bối rối. “Chúng tôi vẫn mong chợ sớm hoạt động trở lại dù quy mô nhỏ, để có nơi mua hàng thiết yếu giá tốt”, bà Linh nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-8, bà Đào Thị Ánh Tuyết – phó Phòng kinh tế quận 5 – cho biết quận có 12 chợ truyền thống, trong đó có 7 chợ thực phẩm. Tuy nhiên, hiện tất cả đều ngưng bán, dù có chợ 100% tiểu thương đã hoàn thành việc tiêm vắc xin. Tâm lý của nhiều tiểu thương là e ngại dịch bệnh nên chưa bán lại, chưa kể tiểu thương ở khác quận khódi chuyển.

Theo bà Tuyết, trước đó các chợ cũng có thời điểm mở ra rồi lại phải đóng do xuất hiện ca bệnh. Do đó dù đã xây dựng kế hoạch mở lại chợ nhưng quận không thể triển khai mở chợ theo đề nghị của sở, ngành. “Quan điểm của quận là nếu dịch ổn hoặc TP hạn chế giãn cách, hạn chế ra ngoài thì có thể khử khuẩn chợ và mở lại theo quy mô nhỏ”, bà Tuyết thông tin.

Gỡ khó cho siêu thị

Trong khi đó, ghi nhận ngày 10-8, sức mua của người dân đã bắt đầu hạ nhiệt, có xu hướng giảm rất nhẹ so với thời gian trước. Nguyên nhân một phần do người dân đã dần quen với việc sử dụng phiếu đi chợ và cũng không còn tích trữ nhiều.

Trong ngày 10-8, khâu giao nhận hàng của Vissan cũng được thông báo đã ổn định trở lại, lượng hàng về các điểm bán sớm nhờ quy định giờ đi lại mới cho nhân viên siêu thị. Tương tự, siêu thị Vinmart và Co.opmart cho biết tình trạng tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa đã không còn nên nguồn cung dần ổn định. Một số điểm không còn tình trạng xếp hàng dài chờ nhờ giải pháp mua chung, đăng ký trước, giao hàng online được tăng cường.

Bà Huỳnh Thị Kim Thanh – giám đốc siêu thị AEON Tân Phú – cho biết việc cho phép một số nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi được ra đường từ 18h đến 6h hôm sau đã gỡ khó cho các siêu thị về vận hành và sắp xếp nhân sự, từ đó tăng năng lực cung ứng.

Đại diện Central Retail Group cũng cho hay trong ngày 10-8, các quầy bánh mì, thực phẩm chế biến đã lên hàng sớm hơn do nhân viên được đến nơi làm việc sớm.

Chợ đầu mối vẫn phải chờ

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-8, đại diện chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) cho biết dù đã xây dựng xong phương án điểm trung chuyển, tập kết nhưng quận chưa cho phép hoạt động vì tình hình dịch bệnh quanh khu vực chợ còn nhiều phức tạp. Phương án mở điểm tập kết, trung chuyển ở nơi khác cũng được chợ nghĩ đến nhưng cần có sự hỗ trợ từ chính quyền bởi chợ đang gặp khó khăn do nguồn nhân lực quản lý thiếu, cơ sở hạ tầng không có.

Tương tự, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết hiện vẫn chưa được UBND huyện Hóc Môn cho phép triển khai mô hình điểm tập kết, trung chuyển dù chợ đã có phương án tổ chức từ nhiều ngày qua.

NGUYỄN TRÍ – N.BÌNH
TTO